76 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 9 kỳ đại hội. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, xin được điểm qua các kỳ Đại hội

1. Đại hội Đảng lần I từ ngày 27/3 đến 31/3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc).

Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng từ 1930. Đến tháng 3/1935, Đại hội lần thứ I của Đảng bầu Đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội vạch ra 3 nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của Đảng là: Củng cố và phát triển Đảng; Đẩy mạnh cuộc vận động thu phục quảng đại quần chúng; Mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh của đế quốc Pháp ở Đông Dương.

2. Đại hội lần thứ II của Đảng được tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, từ ngày 11 đến 19/2/1951. Đại hội đã bầu Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và đánh đổ các thế lực phong kiến tay sai, giành độc lập cho dân tộc, giành ruộng đất cho nông dân, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội còn quyết định đưa Đảng ta ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

3. Đại hội lần thứ III của Đảng, tại Hà Nội, từ ngày 5 đến 10/9/1960. Đại hội bầu Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH trung ương Đảng.

Đại hội đã vạch ra chiến lược phát triển cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; Đồng thời tiến hành giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ấy có quan hệ mật thiết, tác động, thúc đẩy, hỗ trợ lần nhau cùng phát triển, để thực hiện mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc.

4. Đại hội IV của Đảng tại Hà Nội, từ ngày 14 đến 20/12/1976. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội đã thông qua các Nghị quyết: Đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam; Đại hội vạch ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế – văn hóa từ 1976-1980; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Đại hội lần này là Đại hội thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

5. Đại hội lần thứ V của Đảng, tại Hà Nội, từ 27 đến 31/3/1982. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội vạch ra 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng của nước ta trong giai đoạn mới là: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

6. Đại hội VI của Đảng, tại Hà Nội từ 15 đến 18/12/1986. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội VI của Đảng vạch ra đường lối “Đổi mới” theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước đưa nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

7. Đại hội VII, tại Hà Nội từ 24 đến 27/6/1991. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được bầu làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội vẫn kiên định sự nghiệp “Đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình “đổi mới”. Đại hội thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chiến lược ổn định, phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000.

8. Đại hội VIII của Đảng, tại Hà Nội từ ngày 28/6/1996 đến 1/7/1996. Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Đến hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa VIII) tháng 12/1997 đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội lần này tổng kết 10 năm “Đổi mới”; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2000 và 2020; Đại hội còn bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.

9. Đại hội lần thứ IX của Đảng, tại Hà Nội từ ngày 19 đến 22/4/2001. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội lần này có chủ đề là “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục “Đổi mới”; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội đã tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 10 năm thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000 và tổng kết 15 năm tiến hành công cuộc “Đổi mới”. Đại hội đã nêu rõ những bài học mà Đại hội VI, VII, VIII đã tổng kết vẫn có giá trị to lớn và nhấn mạnh những bài học chủ yếu là:

- Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Đổi mới phải dựa vào nhân dân vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn vận dụng đúng đắn sáng tạo.

- Như vậy là, Đảng ta từ khi Hồ Chủ Tịch sáng lập đến nay đã trải qua 9 lần Đại hội. Qua tìm hiểu 76 năm lịch sử vẻ vang của Đảng ta, chúng ta rất phấn khởi tin tưởng tuyệt đối vào Đảng ta mãi mãi là một Đảng quang vinh. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đề ra đường lối, chủ trương chính sách đúng đắn trong mỗi thời kỳ cách mạng, nên đã đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi rực rỡ ngày nay. Mọi người chúng ta hãy ra sức thi đua thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước ta vững bước tiến vào thế kỷ XXI, xứng đáng với lòng mong ước của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó là cách thiết thực nhất kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng.

  • Tags: