Quan hệ hợp tác Việt Nam - CH Pháp ngày càng phát triển

CH Pháp nằm ở phía Tây lục địa châu Âu, có diện tích lớn nhất Tây Âu với 550.000 km2, số dân 61,4 triệu người, có địa hình tương đối bằng phẳng với vùng đồng bằng chiếm 2/3 tổng diện tích, có 5.500 km

Với tổng sản phẩm quốc nội đạt 1.500 tỷ USD, Pháp là cường quốc kinh tế đứng thứ 4 trên thế giới, có trình độ kinh tế và công nghệ cao, là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu ở châu Âu, có vùng sản xuất nông-lâm nghiệp rộng 42 triệu ha, chiếm 82% diện tích đất nước.

Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4 năm 1973, nhưng mối quan hệ hai bên thực sự được cải thiện và phát triển từ cuối những năm 1980, thông qua những thoả thuận quan trọng được ký kết như: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế - văn hóa – KHKT năm 1989; Hiệp định khuyến khích và bảo đảm đầu tư năm 1992,  Hiệp định tránh đánh thuế hai lần năm 1993, Hiệp định hợp tác về du lịch năm 1996.

Trong những năm gần đây, hai nước đã trao đổi nhiều chuyến thăm cao cấp, như chuyến thăm của Tổng thống Pháp G. Si-rắc, Chủ tịch Thượng viện Pháp đến Việt Nam, các chuyến thăm Pháp của của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội nước ta cùng với hàng loạt chuyến thăm của các vị lãnh đạo các bộ, ngành của hai nước…, đã đưa quan hệ hợp tác Việt - Pháp lên tầm cao mới và có những bước phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2004, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM 5 được tổ chức tại Hà Nội,  Việt Nam và Pháp đã ký kết 8 văn kiện trong tổng số 20 văn kiện đã thống nhất: Hiệp định khung 3 bên Việt Nam - Pháp - Burkina Faso về trao đổi công nghệ và năng lượng; Hiệp định khung 3 bên Việt Nam -Pháp-Burkina Faso về thực phẩm dành cho trẻ em; Hiệp định hợp tác về việc thành lập trung tâm đại học Pháp tại Hà Nội; Thỏa thuận hành chính giữa Bộ Giáo dục và đào tạo giữa hai nước về việc công nhận quá trình đào tạo và văn bằng; Thỏa thuận về việc miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao đi công tác ngắn hạn; Hiệp định Tài trợ xây dựng tuyến xe điện tại Hà Nội; Biên bản ghi nhớ về việc mua 10 máy bay Airbus… 

Trong số các nhà tài trợ song phương ở châu Âu cho Việt Nam, Pháp là nước đứng đầu châu Âu và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản về viện trợ ODA cho Việt Nam với tổng số vốn khoảng 1 tỷ USD với hơn 200 dự án, tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: đào tạo, phát triển nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng trong giao thông vận tải và viễn thông. Ngoài ra, Pháp còn cung cấp cho Việt Nam 2 kênh viện trợ tài chính khác như:  Viện trợ cho vay ưu đãi từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và từ  Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).

Cơ cấu hàng xuất khẩu đã có những thay đổi tích cực. Pháp là thị trường xuất khẩu lớn thứ  9 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu những năm gần đây đạt khoảng 500 triệu USD/năm. Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chủ yếu các sản phẩm chế tác hoặc qua chế biến, nhất là hàng dệt - may, giầy dép, cà phê. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa từ Pháp trị giá 400 triệu USD, chủ yếu là máy móc, thiết bị và tư liệu sản xuất. Riêng năm 2005, theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp tăng trưởng trên 10% và lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ Euro.

Các nhà đầu tư Pháp có mặt tại Việt Nam ngay từ những năm đầu tiên khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành. Pháp là nước đứng thứ 6 trong tổng số 71 nước và vùng lãnh thổ và đứng đầu trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn trên 2.600 tỷ USD. Hiện nay, Pháp có 70 dự án với doanh thu khoảng 1,38 tỷ USD, tạo việc làm cho 10 ngàn lao động , trong số đó có 3 dự án điển hình có tổng vốn đầu tư lớn là Dự án Phú Mỹ 2, dự án Nhà máy Đường Bourbon tại Tây Ninh và dự án cấp nước sạch tại Thủ Đức… Các nhà đầu tư của Pháp có mặt tại 24 tỉnh, thành của Việt Nam, tập trung chủ yếu ở một số vùng trọng điểm kinh tế, đặc biệt là ở phía Nam, những nơi có cơ sở hạ tầng tương đối tốt như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tầu, Đồng Nai, Tây Ninh, trong đó, TP. Hồ Chí Minh là nơi tiếp nhận vốn đầu tư của Pháp nhiều nhất, thu hút trên 44 dự án chủ yếu  là sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp nhẹ và gia công chế biến. Hà Nội là nơi tiếp nhận vốn đầu tư của Pháp lớn thứ hai với 20 dự án, tập trung chủ yếu vầo lĩnh vực khách sạn, thầu xây dựng và sản xuất công nghiệp nhẹ.   

Về lĩnh vực công nghiệp: Từ năm 1993 đến nay, hai nước đã chú trọng hợp tác trong lĩnh vực điện năng với tổng vốn đầu tư khoảng 56 tỷ USD, chiếm 75,8% vốn ODA của Pháp. Hiện nay, Pháp có nhiều tập đoàn như Alstom, Calyon, Pacific Framatome… muốn đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Điện, năng lượng nguyên tử, xi măng, dầu khí…    

Trong những năm qua, mặc dù quan hệ hợp tác Việt - Pháp phát triển chưa tuơng xứng với tiềm năng của hai nước, nhưng những thành quả trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước là tiền đề quan trọng, đưa mối quan hệ hợp tác tiếp tục phát triển, đáp ứng nguyện vong và lợi ích của dân tộc hai nước.

  • Tags: