Trong số 3 đơn vị CPH chuyển tiếp từ năm 2003 này, Giầy Hoàng Long gặp khó khăn đặc biệt về tài chính. Sau khi kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, Công ty Giầy Hoàng Long không đủ điều kiện để CPH. Số lỗ luỹ kế của Công ty là hơn 15 tỷ đồng, trong khi vốn nhà nước chỉ có hơn 1 tỷ đồng. Theo báo cáo của Giầy Hoàng Long, tính đến 30/6/2004, Công ty còn nợ lãi vay ngân hàng 11,373 tỷ đồng, nợ ngân sách 0,633 tỷ đồng. Trước tình hình này, Bộ Công nghiệp đồng ý để Công ty thực hiện phương án bán doanh nghiệp theo Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ về giao, bán khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.
Hiện, Giầy Phú Lâm đang chờ Bộ Tài chính thoả thuận giá trị doanh nghiệp vì đang nợ hơn 4 tỷ đồng do phải trả tiền lương cho người lao động từ năm 2000 đến nay. Cũng như các doanh nghiệp ngành Da Giầy khác, Giầy Phú Lâm luôn bị động trong thị trường, chỉ trông chờ một cách thụ động vào các đơn hàng từ các nước và vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, do đó, số tiền Công ty bỏ ra để trả lương cho công nhân trong những tháng chờ việc ngày càng tăng lên.
Cũng nằm trong tình trạng chờ đợi CPH là Nhà máy Da Vinh, đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty Da Giầy Việt Nam. Năm 2004, khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, do sản xuất thua lỗ nên Nhà máy không tính đúng, tính đủ khấu hao theo quy định của Nhà nước. Mặt khác, hầu hết thiết bị, nhà xưởng ở đây đã xuống cấp. Vì vậy, khi cơ quan kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị tài sản của Nhà máy giảm 3,393 tỷ đồng. Bộ Công nghiệp sẽ tiến hành thẩm định lại giá trị thực tế doanh nghiệp để có căn cứ đề nghị Bộ Tài chính xử lý giảm vốn nhà nước khi thực hiện CPH.
Tình hình tài chính của Công ty Giầy Thăng Long là ảm đạm hơn cả. Ngày 18/2/2004, Công ty có công văn số 24/GTL gửi Bộ công nghiệp, Bộ Tài chính xin điều chỉnh tăng giá trị doanh nghiệp 5,5 tỷ đồng để CPH. Cộng với hơn 14 tỷ tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Giầy Thăng Long, số vốn nhà nước của Công ty là hơn 20 tỷ, lỗ luỹ kế là hơn 30 tỷ đồng. Bộ Công nghiệp đề nghị Bộ Tài chính giảm phần vốn nhà nước để bù đắp số lỗ luỹ kế. Tuy nhiên, năm 2003, Công ty tiếp tục thua lỗ hơn 6,878 tỷ đồng và năm 2004 vẫn tiếp tục tình trạng thua lỗ này. Công ty Giầy Thăng Long đã thực hiện chỉ đạo của Bộ Công nghiệp theo hướng giao doanh nghiệp cho tập thể người lao động. Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến của cán bộ công nhân viên của Công ty thông qua Đại hội CNVC cho thấy, chỉ có CBCNV của Công ty tại khu vực Hà Nội, Chí Linh - Hải Dương là nhất trí với việc sắp xếp doanh nghiệp theo hướng giao doanh nghiệp cho tập thể người lao động, còn CBCNV Xí nghiệp Giầy Thái Bình không chấp nhận. Mới đây nhất, Giầy Thăng Long được chọn là một trong 3 đơn vị được Bộ Công nghiệp thí điểm để bán cho một công ty tài chính. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, Giầy Thăng Long vẫn tiếp tục sa lầy do tình trạng đơn hàng nhỏ giọt, chỉ đủ để công nhân cầm cự trong thời gian ngắn.
Như vậy là, trong số các doanh nghiệp thuộc diện chưa thể thực hiện CPH đã có 2 doanh nghiệp được bán (là Giầy Thăng Long và Giầy Hoàng Long). Còn lại hai doanh nghiệp là Công ty Da Sài Gòn và Xí nghiệp SX-TM-DV Da Giầy.
Theo báo cáo kiểm toán, số lỗ luỹ kế của Xí nghiệp SX-TM-DV Da Giầy là hơn 4,8 tỷ. Sau khi nhận được báo cáo giải trình số lỗ trên, Công ty Da Giầy Việt Nam, Bộ Công nghiêp đã đề nghị Bộ Tài chính xử lý giảm vốn nhà nước khi thực hiện CPH. Đồng thời, chấp thuận nâng giá trị tài sản cố định (nhà 26 phố Lê Đại Hành- Hà Nội ) lên 2 tỷ đồng để có đủ điều kiện CPH. Như vậy, giá trị cổ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời điểm 31/12/2003 là hơn 2,2 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2004, theo báo cáo của Công ty Da Giầy Việt Nam, Xí nghiệp tiếp tục thua lỗ 886,546 triệu đồng. Lỗ luỹ kế tính đền thời điểm 30/6/2004 là 5,747 tỷ đồng. Như vậy, việc CPH tại Xí nghiệp SX-TM- DV Da Giầy là hết sức khó khăn. Do đó, Vụ Tài chính Kế toán Bộ Công nghiêp đề nghị lãnh đạo Bộ cho phép Xí nghiệp chuyển sang thực hiện theo hình thức giao, bán doanh nghiệp.
Tình hình triển khai CPH của Công ty Da Sài Gòn thực hiện chậm so với tiến độ đề ra. Công tác xác định giá trị doanh nghiệp để CPH tại thời điểm 30/6/2003 gặp khó khăn trong khâu xử lý tài chính và quyết toán chi phí. Sau khi xem xét thực tế tình hình SX - KD và thực trạng tài chính của Công ty, Bộ Công nghiệp đồng ý lấy thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để CPH là ngày 1/1/2004 (thay vì 30/6/2003). Hiện nay, Công ty chứng khoán, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đang thực hiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp để CPH. Theo báo cáo của Công ty, thời điểm 30/6/2004, vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là 20,222 tỷ, lỗ luỹ kế 33,196 tỷ. Như vậy, Công ty không còn vốn nhà nước để CPH. Hiện nay, Công ty Da Sài Gòn đang thực hiện công tác di dời địa điểm, sẽ tạo nguồn tài chính đầu tư cơ sở sản xuất mới và có thể thay đổi phần nào tình trạng thua lỗ hiện nay của Công ty.
Không nghi ngờ gì nữa, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp ngành Da Giầy Việt Nam hầu như khó có cơ hội để phát triển. Thực tế đáng buồn cho thấy, không có ngành nào lại ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan” kiểu dễ đầu tư song càng đầu tư càng lỗ như ngành Da Giầy. Đơn cử trường hợp của Công ty Giầy Thăng Long. Phải tiếp nhận hai đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về tài chính là Nhà máy Giầy Chí Linh và Nhà máy Giầy Thái Bình, Giầy Thăng Long đã vay vốn đầu tư để vực hai đơn vị này lên với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 73 tỷ đồng. Sau khi đầu tư, sản lượng và doanh thu của Công ty ngày càng giảm sút, chỉ đạt 50% công suất thiết kế. Từ đó đến nay, Giầy Thăng Long ngày càng sa lầy với những khoản nợ khổng lồ.
(Xem tiếp trang 46)
Ngành Da - Giầy...
(Tiếp theo trang 15)
Theo nhận xét của các doanh nghiệp Da Giầy, hiện nay, doanh nghiệp thuộc ngành Da Giầy đang tồn tại theo 3 dạng: thứ nhất là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mà ông chủ là các đại gia có tiềm lực kinh tế, thứ hai là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài núp bóng tư nhân và cuối cùng là các DNNN. Trong bất kỳ trường hợp nào, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vẫn tồn tại vì hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của thị trường ở nước sở tại. Dạng doanh nghiệp thứ hai có chịu ảnh hưởng, nhưng không đáng kể. Đối tượng thứ ba chính là những con “cua bấy”, bị động từ đơn hàng cho đến nguyên, phụ liệu. Hiện nay, doanh nghiệp thuộc hai dạng đầu vẫn đang tồn tại và phát triển, còn các DNNN thì rơi vào tình trạng ảm đạm như trên. Cũng theo nhận định của các doanh nghiệp, tương lai của ngành Da Giầy sẽ vẫn chỉ là một mầu xám nếu doanh nghiệp không tự vận động theo hướng đa ngành nghề, đa dạng hoá sản phẩm kinh doanh, vừa để có việc làm cho công nhân trong những thời điểm chờ đơn hàng, vừa thêm kinh phí để không bị rơi vào tình trạng lỗ nặng như hiện nay. Nói cách khác, doanh nghiệp Da Giầy không thể sống được nếu chỉ SX - KD các sản phẩm da giầy.
Có thể thấy rất rõ, CPH là xu thế phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với hội nhập và quốc tế. Mô hình CPH tạo cho doanh nghiệp năng động hơn khi đầu tư phát triển, dễ dàng phát hành thêm cổ phiếu để thu hút thêm vốn. Riêng đối với ngành Da Giầy, CPH là điều kiện quan trọng quyết định sự tồn tại. Để khắc phục tình trạng thua lỗ, góp phần lành mạnh hoá tài chính, ngoài việc đề nghị Nhà nước cho khoanh nợ, các doanh nghiệp ngành Da Giầy cần đẩy mạnh hoạt động trên cơ sở đa dạng hoá ngành nghề, sản phẩm. ở đây còn đòi hỏi cái “đầu” của các nhà quản lý.