Báo chí cách mạng Việt Nam hãy xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhân dân

Năm nay, giới báo chí Việt Nam phấn khởi đón mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam với những sự kiện đầy phấn khởi. Những nhà báo chân chính vui mừng kỷ niệm ngày Báo chí cách mạngViệt Nam trong không

Hàng năm, cứ đến dịp 21/6, các nhà báo lại có cơ hội đón nhận những lời chúc mừng của anh em, bè bạn ở khắp mọi nơi và cũng là dịp Báo chí Việt Nam cám ơn sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo của các cấp chính quyền cũng như các đoàn thể, các doanh nghiệp và các cá nhân đối với sự nghiệp báo chí. Nhân ngày Báo chí Việt Nam, chúng ta - những người làm báo chuyên nghiệp hãy cùng nhau nhìn lại một năm qua và tự đánh giá cái được và cái chưa được của mình.

 Có thể nhận xét khái quát, các tác phẩm báo chí đã phản ánh khá sinh động những nhiệm vụ chủ yếu của đất nước ta trong năm 2002, với nội dung phong phú và đa dạng, hình thức thể hiện tương đối hấp dẫn và có sức thuyết phục. Báo chí trong năm qua ít đi vào đề tài tiêu cực “ lặt vặt”  mà đã nêu bật được những vấn đề trọng đại của đất nước được mọi người quan tâm như, viết về các doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 và các vấn đề cơ bản của Nghị quyết 5 của Đảng. Có thể nói rằng, báo chí năm 2002 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân ở mọi miền đất nước. Và báo chí, trong năm qua, đã phản ánh kịp thời, sinh động, đa dạng mọi hoạt động của đời sống chính trị- kinh tế- văn hoá xã hội- an ninh, quốc phòng... của đất nước. Bao quát mọi đề tài, là việc nêu bật những chuyển biến lớn lao của đất nước, khi đưa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng vào cuộc sống; là vẻ đẹp của nhiều tấm gương tập thể, cá nhân với sức vươn lên mạnh mẽ, tạo dựng thời cơ, sáng tạo cách làm có hiệu quả, góp sức thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển ở mọi miền đất nước, đẩy mạnh công cuộc xoá đói giảm nghèo, vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt của thiên tai, bão lũ... quyết tâm đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu. Và có thể nói, báo chí đã giúp cho các cơ quan của Nhà nước tiến hành có hiệu quả việc làm rõ tội phạm của các băng nhóm đặc biệt nguy hiểm và những cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp liên quan đến hoạt động của “ trùm”  tội phạm Năm Cam. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm báo chí đã tập trung miêu tả, phản ánh sâu sắc những tấm gương trong sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những tấm lòng nhân ái bao dung trong cuộc sống thường ngày, những việc làm chống thói hư, tật xấu, chống lãng phí, tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội, vạch trần những thủ đoạn lừa bịp, vu cáo của các thế lực thù địch để bảo vệ và nhân rộng cái đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, cũng là tiếng chuông cảnh báo những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong dòng chảy cuộc sống có nhiều cơ hội và thách thức.

  Từ những vấn đề thực tế mà báo chí đã phản ánh, công chúng trân trọng và đánh giá cao những người làm báo đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế- xã hội đầy sôi động của đất nước. Đảng và Nhà nước đã nhận định: Báo chí là đội quân hùng hậu và đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng- văn hoá.

Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách nghiêm túc, có thể thấy rõ một số hạn chế và khiếm khuyết sau:

 - Mặc dù, về tổng thể, chúng ta đã coi trọng phần tuyên truyền các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, nhưng so với thực tiễn cuộc sống sôi động trên khắp miền đất nước, mảng đề tài này vẫn còn ít, chưa tương xứng với thực tiễn hào hùng của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta. Chúng ta chưa đầu tư công sức thoả đáng cho việc đi sâu nghiên cứu thực tiễn các mô hình làm ăn có hiệu qủa trong sản xuất , kinh doanh, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh và quốc phòng...

Báo chí hiện nay chưa làm cho công chúng thoả mãn về cách chọn đề tài và nghệ thuật thể hiện sao cho sinh động, hấp dẫn, và có tính thuyết phục cao...Phần lớn các tác phẩm báo chí viết khô cứng, sơ lược, một chiều, ngôn ngữ giống nhau, tựa như báo cáo chung chung, không nêu lên được nội dung bên trong của tin tức, sự kiện, không phác hoạ được nhân vật và cái hồn của nó. Chất lượng của báo chí thiếu hấp dẫn, tẻ nhạt, không làm sống dậy được hiện thực cuộc sống đang diễn ra sôi động và biến đổi với một tốc độ lớn. Cho đến nay, báo chí chưa xuất hiện những khám phá mới, cách thể hiện mới, nhằm khắc phục sự sáo mòn, tạo sự lắng đọng sâu xa, có sức lay động mạnh mẽ tình cảm và trách nhiệm công dân, bồi đắp tình yêu đất nước, ý chí vươn lên những khát vọng cao đẹp, bảo tồn và phát huy những tinh hoa, những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Hàng ngàn nhà báo chân chính đang đau lòng khi phải viết, đưa tin và đọc về chính những đồng nghiệp của mình, thậm chí là chính người có địa vị, uy tín rất cao trong làng báo Việt Nam đang phải có mặt với tư cách là bị cáo trong phiên toà xét xử vụ án Năm Cam đang được xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, chúng ta cũng tự hào vì có nhiều nhà báo đã không sợ hy sinh gian khổ để đến những nơi nóng bỏng những sự kiện bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, như các nhà báo đã liên tục bám các nơi có bệnh dịch SARS.

Chúng ta, những người làm báo chân chính, hãy tự phấn đấu nâng cao chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, để xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo chân chính hãy luôn rèn luyện, nâng cao năng lực và học tập phong cách viết báo của Bác Hồ, giương cao ngọn cờ tiên phong của mình trên mặt trận tư tưởng văn hoá, đặc biệt là chống tham nhũng, tội phạm có tổ chức.

  • Tags: