Năm 2008, theo Quyết định số 239 của UBND Tỉnh về việc phê duyệt các đề án khuyến công, hoạt động khuyến công được nguồn kinh phí địa phương giao là 450 triệu đồng. Trước đó, Trung tâm cũng đã phân khai nguồn vốn trên 400 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia để hỗ trợ 4 Dự án trên địa bàn, gồm: Đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho trẻ em khuyết tật; đào tạo nghề bó chổi đót; hỗ trợ đi tham quan học hỏi mô hình tại các địa phương và qui hoạch chi tiết cụm công nghiệp - trung tâm công nghiệp Sa Thầy. Hiện nay, Trung tâm Khuyến công Tỉnh còn đang lập kế hoạch để hỗ trợ triển khai 2 dự án: “Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất chế biến cà phê nhân tại huyện Đăk Hà” và “Quy hoạch cụm công nghiệp sản xuất gạch ngói tại xã Vinh Quang, thị xã Kon Tum”.
Ông Võ Xuân Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2004 đến nay, tỉnh Kon Tum đã thực hiện được 2,065 tỷ đồng phục vụ công tác khuyến công cho bà con các dân tộc trong Tỉnh. Các hoạt động khuyến công tuy còn mới mẻ, nhưng đã được triển khai về đến các buôn làng xa xôi. Hiệu quả nhất là việc hỗ trợ các thiết bị sản xuất và chế biến nông sản như máy cày, máy xay xát... cho bà con ở các huyện Ðác Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ðác Glây và thị xã Kon Tum. Theo ông Nguyễn Bộ - Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum, trong nhiều đề án khuyến công mang lại hiệu quả, thì đề án hỗ trợ đầu tư xây dựng lò nung gạch kiểu đứng, đốt liên tục tại HTX Tân Tiến, xã Ðắk Bla, thị xã Kon Tum đã tạo nên dấu ấn mới trong công tác khuyến công của Tỉnh. Ðề án này có tổng vốn đầu tư 01 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 65 triệu đồng. Hiện nay, mô hình này đạt hiệu quả khá cao, mỗi ngày sản xuất hơn 10 nghìn viên gạch các loại, sản phẩm tạo được thương hiệu, tiêu thụ nhanh, đồng thời thu hút được 40 lao động có thu nhập bình quân đạt hơn 01 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công Kon Tum còn hỗ trợ các đề án như: phát triển nghề truyền thống cho HTX 19-8 ở xã Chư Hreng, thị xã Kon Tum, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với thu nhập bình quân 600.000 đồng/người/ tháng; hỗ trợ 15 triệu đồng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng dệt thổ cẩm làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thị xã Kon Tum, tạo việc làm cho 25 lao động là người dân tộc Ba Na; hỗ trợ 62,4 triệu đồng cho 03 nhà máy sấy nông sản ở các xã Ðắk Trăm, huyện Ðác Tô, xã Ðắk Dục, huyện Ngọc Hồi và thị trấn Sa Thầy. Các đề án khuyến công này đã và đang phát huy tác dụng, giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tạo việc làm cho nhiều lao động ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà thu nhập bình quân còn rất thấp.
Các chương trình khuyến công của tỉnh Kon Tum đã về tận buôn làng, giúp bà con các dân tộc thiểu số đỡ khó khăn hơn về vật chất, đời sống được nâng cao. Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum phấn khởi cho biết: Bà con dân tộc Ba Na mừng lắm, ưng cái bụng lắm vì được Trung tâm Khuyến công tỉnh Kon Tum hỗ trợ 20 triệu đồng làm vốn để dệt thổ cẩm, vừa có thu nhập, lại vừa giữ được nghề truyền thống.
Như vậy, công việc khuyến công ở tỉnh Kon Tum trong năm 2009 còn bộn bề với nhiều chương trình đã và đang thực hiện. Hiện nay, Tỉnh đang triển khai xây dựng mô hình trình diễn sản xuất mộc dân dụng tại xã Ngọc Glei, huyện Tu Mơ Rông; mô hình trình diễn sản xuất gạch theo công nghệ lò đứng, đốt liên tục tại xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy; đào tạo nghề dệt thổ cẩm ở các xã vùng đồng bào dân tộc Xơ Ðăng, Giẻ Triêng thuộc huyện Ðắk Glei và Ngọc Hồi. Ðồng thời triển khai dự án xây dựng ngân hàng dữ liệu về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và chương trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh Kon Tum đến năm 2010. Vì thế, rất cần sự nỗ lực của các ban, ngành hữu quan để công việc được triển khai đúng tiến độ.