Để có được những giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành Gốm duy trì và phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Hiệp hội Gốm tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá những thuận lợi và khó khăn của ngành Gốm hiện nay.
Về thuận lợi, sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ Đồng Nai có đặc trưng riêng, mang tính văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. UBND Tỉnh đã chọn nhãn hiệu riêng cho “Gốm sứ mỹ nghệ Đồng Nai” để đăng ký bảo hộ thương hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Chính phủ cũng đã công nhận hàng gốm mỹ nghệ nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư và ưu đãi xuất khẩu. Hiệp hội Gốm mỹ nghệ được UBND Tỉnh cùng các sở, ngành quan tâm hỗ trợ bằng nhiều biện pháp thiết thực, cụ thể như tại Đại hội lần II của Hiệp hội, UBND Tỉnh đã cử 01 giám đốc sở (nay là Chủ tịch Liên minh HTX) và 01 trưởng phòng tham gia Ban chấp hành Hiệp hội, đồng thời cũng là thành viên của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Liên minh HTX & DNNQD, Liên hiệp hội KHKT Tỉnh nên mọi hoạt động rất thuận lợi. Nhờ đó, vai trò bảo tồn, phát triển ngành Gốm Tỉnh nhà ngày càng được coi trọng. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gốm mỹ nghệ Đồng Nai hầu hết đã có nhiều năm hoạt động xuất khẩu, sớm tiếp cận thị trường nước ngoài nên dự cảm được những thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới để có sự chuẩn bị đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài những thuận lợi đã nêu, các doanh nghiệp sản xuất gốm mỹ nghệ trong Tỉnh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn như: hầu hết các doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ, đa số các doanh nghiệp nhỏ thì quản lý theo kiểu tự phát, chỉ có một số ít doanh nghiệp có qui mô công nghiệp, xây dựng được bộ máy quản lý theo Luật Doanh nghiệp và Luật HTX, cụ thể như: Công ty Cổ phần Gốm Việt Thành, doanh nghiệp tư nhân Đồng Tâm, HTX Gốm Thái Dương, Công ty TNHH Minh Tiến… Các doanh nghiệp có qui mô nhỏ, vốn ít, việc đầu tư tái sản xuất và mở rộng chủ yếu nhờ vào lợi nhuận chưa phân phối, lấy lãi bù đắp dần chi phí, ít sử dụng nguồn vốn tín dụng. Do đó, việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp. Đa số doanh nghiệp không có khả năng xuất khẩu trực tiếp mà chủ yếu làm hàng gia công cho các công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hoặc các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu lớn trong Tỉnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khó chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh và chiến lược đầu tư lâu dài. Mặt khác, tình hình tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp gốm trong vài năm trở lại đây liên tục gặp bất lợi do chi phí đầu vào tăng nhanh, trong khi đó thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá bán không tăng hoặc tăng rất ít làm cho nhiều doanh nghiệp không có lãi, việc đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về giá cả trên thị trường xuất khẩu diễn ra gay gắt ngay giữa các doanh nghiệp gốm trong Tỉnh và các tỉnh bạn, nhiều doanh nghiệp nhỏ phải chấp nhận những đơn hàng nhỏ, giá thấp (chất lượng có thể kém hơn một chút) để có việc làm cho người lao động mà không tính được lợi ích lâu dài của ngành Gốm Đồng Nai.
Việc qui hoạch cụm gốm sứ của Tỉnh triển khai quá chậm đã làm mất nhiều cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp ở trong diện phải di dời đều rơi vào tình trạng làm cầm chừng để chờ quy hoạch. Do đó, kế hoạch đầu tư, xây dựng lâu dài còn đang bỏ ngỏ vì chưa nắm được thông tin cụ thể. Mặt khác, nguồn lao động có tay nghề cao của ngành Gốm ngày càng thiếu hụt do thu nhập không ổn định, nên người lao động không tha thiết với nghề. Do đó, khi tới thời điểm mùa vụ, các doanh nghiệp phải chạy tìm thợ. Tình trạng này cũng khiến các doanh nghiệp khó thực hiện các chế độ lao động theo qui định của pháp luật.
Các chương trình hỗ trợ phát triển ngành Gốm hiện nay tuy đang rất được sự quan tâm của UBND Tỉnh, các sở, ngành chức năng, nhưng có một thực tế là, việc tiếp cận các chương trình này của doanh nghiệp còn hạn chế, một phần vì việc xây dựng dự án tham gia hội chợ triển lãm, thành lập đoàn khảo sát trong và ngoài nước chưa sát với nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thêm vào đó, các doanh nghiệp ít có điều kiện tham gia vì kinh phí hạn hẹp. Thực tế thì, phần kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại của Tỉnh dành cho doanh nghiệp Gốm tham gia hội trợ triển lãm theo kế hoạch hàng năm cũng chỉ bằng 1/10 chi phí thực tế của doanh nghiệp.
Để tiếp tục khôi phục và phát triển làng nghề gốm sứ của tỉnh Đồng Nai, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết trước mắt và lâu dài là: mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất, công tác đào tạo công nhân lành nghề, đổi mới công nghệ thiết bị, tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp với tình hình mới, đa dạng hóa sản phẩm với nhiều loại gốm khác nhau và tìm kiếm mở rộng thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế của nước ta.
Thực tế, năm 2006, Trung tâm Khuyến công Đồng Nai đã hỗ trợ một số cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn được trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ triển lãm làng nghề khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức ở Quảng Nam từ ngày 25/05/2006 đến 28/05/2006; Hướng dẫn, hỗ trợ một số doanh nghiệp gốm trên địa bàn Tỉnh tham gia hội chợ triển lãm làng nghề và hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2006 tại Hà Nội, từ ngày 10-15/11/2006 do Hiệp hội gốm Đồng Nai đứng ra tổ chức.
Thực hiện các chuyên đề khuyến công trên Đài truyền Đồng Nai về thuận lợi và khó khăn của ngành Gốm tỉnh Đồng Nai, một số chuyên đề khác như đầu ra sản phẩm, đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý,... trong đó có giới thiệu một số doanh nghiệp gốm tiêu biểu;
Hỗ trợ giới thiệu thông tin cơ sở, doanh nghiệp và sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp gốm trên website Trung tâm Khuyến công;
Hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh do Trung tâm Khuyến công phối hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Giai đoạn 2007-2010, Trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ ngành Gốm theo các nội dung khuyến công của Nghị định số 134/2004/NĐ-CP và các nội dung của đề án Khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010. Trước mắt, năm 2007 sẽ tập trung hỗ trợ ngành Gốm các nội dung sau:
- Đào tạo nghề cho lao động mới và nâng cao tay nghề cho lao động kỹ thuật.
- Quảng bá sản phẩm, giới thiệu sản phẩm.
- Tham gia hội chợ triển lãm.
- Nâng cao năng lực quản lý của các doanh nghiệp.
- Hỗ trợ cung cấp thông tin trên trang website Trung tâm Khuyến công và các chuyên đề khuyến công trên Đài Truyền hình Đồng Nai.
Để thực hiện tốt các vấn đề trên, bản thân các cơ sở sản xuất gốm sứ phải năng động hơn, tích cực, sáng tạo để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trong Tỉnh cần có những chính sách, chủ trương hỗ trợ kịp thời, để các cơ sở sản xuất gốm sứ Đồng Nai sẽ duy trì và phát triển.