Khởi tuổi Kỷ Dậu, cầm tinh con gà (1969) sinh ra tại Cà Mau, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Năm 1988, Khởi được sang Liên Xô học tại khoa Dầu khí Trường Đại học Bách khoa Anmata- Thủ đô nước Cộng hòa Cadăcxtan.
Cuối năm 1993 tốt nghiệp về nước, đến đầu năm 1994 Khởi được nhận vào làm việc tại Xí nghiệp Khai thác Dầu khí thuộc Liên doanh Vietsovpetro. ở đây, Khởi được điều động ra làm việc tại Giàn Công nghệ Trung tâm số 2 với chức danh thợ kỹ thuật bậc 4. Với vốn tiếng Nga sẵn có, Khởi có nhiều thuận lợi khi làm việc với các chuyên gia Nga. Tuy nhiên, cái khó lại ở chỗ, Giàn Công nghệ trung tâm số 2 được trang bị khá hiện đại. Lúc học ở trường, Khởi chỉ được học lý thuyết và đi thực tập tại các mỏ dầu ở đất liền, chưa bao giờ được thực tập tại giàn khoan trên biển. Giữa học và hành ở đây đã có sự khác nhau đáng kể. Tuy nhiên, bằng sự cần cù, ham học hỏi, cộng với khả năng và sức bật của tuổi trẻ, Khởi đã vượt qua tất cả. Khởi nắm bắt nhanh những kiến thức mới và dần dần làm chủ được thiết bị công nghệ. Từ một thợ thực tập vận hành giàn, anh miệt mài lao động, tìm tòi, sáng tạo và đã trưởng thành, được đề bạt Giàn phó rồi trở thành Giàn trưởng Giàn Công nghệ trung tâm số 2.
Hơn 11 năm gắn bó với giàn khoan ngoài khơi lộng gió, Khởi và tập thể công nhân của Giàn Công nghệ Trung tâm 2 đã có nhiều công sức đóng góp vào thành tích của Xí nghiệp. Khởi đã chung sức cùng đồng nghiệp tìm cách cải tiến bình tách dầu để nâng cao công suất mà vẫn đảm bảo được các thông số kỹ thuật của hệ thống. Trong công tác vận chuyển dầu thô, các trạm rót dầu nằm cách xa nhau (khoảng 300 km) nên trên đường vận chuyển, dầu dễ bị đông đặc. Để giải quyết khó khăn này, từ trước đến nay, người ta thường phải dùng đến hóa phẩm chống đông đặc rất tốn kém. Giá 1 tấn hóa phẩm chống đông đặc giao động từ 3.000-5.000 USD. Để tăng hiệu quả khai thác dầu, giảm giá thành vận chuyển, Khởi cùng với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã đề xuất giải pháp bọc cách nhiệt đường ống dẫn dầu để chống đông đặc, không cần dùng hóa phẩm. ý tưởng này đã được áp dụng vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong những năm gắn bó với Giàn Công nghệ trung tâm số 2, Khởi cùng đồng nghiệp luôn cố gắng hết mình, tập trung sức lực trí tuệ tập thể trong việc điều khiển hệ thống thiết bị công nghệ trên Giàn một cách chính xác, nên không xảy ra tai nạn và sự cố. Hệ thống thiết bị được vận hành an toàn, liên tục trong nhiều năm. Do có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, Khởi đã được Chính phủ tặng Bằng khen (giai đoạn 2001-2005). Năm 2003, Khởi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Sau nhiều năm làm việc trên biển, do yêu cầu công tác, tháng 3/2005, Khởi được điều động về công tác tại đất liền. Tuy xa giàn khoan, xa tập thể lao động thân thương nhưng Khởi luôn giành những tình cảm yêu thương nhất cho họ.
Trước khi chia tay với chúng tôi, Khởi tâm sự: “Làm việc trên biển vất vả lắm. Cứ mỗi lần được vào đất liền phải 3-4 ngày sau người em mới trở lại được trạng thái bình thường”.
Công việc trên biển căng thẳng, mọi thao tác đòi hỏi chính xác cao, cộng với môi trường lao động khắc nghiệt rất dễ phát sinh bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh mất ngủ. Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước cũng chưa có chế độ đãi ngộ riêng cho công nhân ngành Dầu khí làm việc trên biển. Thực tế, người công nhân không đủ sức làm việc trên biển cho đến khi đủ tuổi về hưu. Thiết nghĩ, đây là vấn đề các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm, nghiên cứu ban hành chế độ riêng cho những người công tác trong ngành Dầu khí, đặc biệt là những người lao động làm việc trên biển với công việc nặng nhọc độc hại.