Tìm đầu ra cho xi măng ế thừa

Trước tình hình nguồn cung vượt cầu khoảng 3 triệu tấn, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi một sô doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu xi măng. Theo công văn này, trong sáu tháng cuối năm mỗi doanh nghiệp phải

Xuất khẩu xi măng - cực chẳng đã 

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) được xem là lối thoát duy nhất giải quyết tình trạng thừa xi măng hiện nay. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tiêu thụ xi măng 7 tháng đầu năm 2010 đạt khoảng 27,92 triệu tấn, bằng 55,8 % so với kế hoạch năm 2010. Trong khi nguồn cung đã tăng khoảng 10 triệu tấn so với nhu cầu thì tiêu thụ xi măng thực tế chỉ tăng 1,8 triệu tấn. Dự báo, toàn ngành năm 2010 có thể sản xuất khoảng 53 triệu tấn xi măng, trong khi đó, lượng tiêu thụ dự báo chỉ đạt khoảng 50 triệu tấn, như vậy, dư thừa 3 triệu tấn. Về góc độ vĩ mô, mức dư thừa, tồn kho trên không phải là quá lớn, có thể đưa thị trường tránh việc giá cả bị đẩy lên cao, khi nhu cầu tăng mạnh. Nhưng về lâu dài thì ngành Xi măng phải tính đến phương án XK. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tìm kiếm thị trường cho XK xi măng không đơn giản, bởi lẽ xi măng là mặt hàng đặc thù, có giá trị thấp, nhưng lại rất cồng kềnh, tốn nhiều chi phí vận chuyển. Ngoài ra, nếu không bảo quản tốt, chỉ một thời gian ngắn, sản phẩm sẽ bị đông cứng, biến chất. 

Đối với ba Công ty Xi măng: Nghi Sơn (Thanh Hoá); Phúc Sơn (Hải Dương), Chinfon (Hải Phòng) được giao nhiệm vụ tìm thị trường xuất khẩu cho rằng, việc xuất khẩu là bài toán quá khó đối với họ và đó là việc “cực chẳng đã” vì lâu nay, sản phẩm của Nghi Sơn, Phúc Sơn, Chinfon chỉ tiêu thụ trong nước. Nếu như xuất khẩu, các doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở rất lớn, cũng như phải bắt đầu xúc tiến tìm thị trường. Những thị trường khả dĩ có thể xuất khẩu được đều đã “bị” xi măng của Thái Lan và Trung Quốc lấp đầy. Những thị trường như Lào, Campuchia vốn đã nhỏ, doanh nghiệp lại không thể cạnh tranh về giá và chi phí vận chuyển, trong khi khó có thể chen chân vào một thị trường khổng lồ về xi măng của Trung Quốc… 

Công ty Xi măng Cẩm Phả đã tạo được mũi đột phá, có hợp đồng xuất khẩu 15.000 tấn vào Trung Đông. Các doanh nghiệp khác cũng đang nhắm tới thị trường này nhưng ở đó đang có sự cạnh tranh khốc liệt của các quốc gia châu Á khác, vốn cũng đang trong tình trạng dư thừa xi măng. Thực tế. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp tìm đến thị trường Malayxia, nhưng xem ra vẫn chưa có khả quan cho lắm. Bởi Malayxia thì đang bị Mỹ cấm vận nếu có xuất sang được thì việc thanh toán bằng đôla là cực kỳ khó khăn.
Bên cạnh đó, giá bán xi măng trong nước cao hơn giá trong khu vực. Hiện giá bán trong nước khoảng 40-50 USD /tấn nhưng giá khu vực khoảng 30-35 USD/tấn. Như vậy sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường khu vực sẽ diễn ra đối với ngành Xi măng và xi măng Việt Nam khó mà có cơ thắng lợi.

Thiếu hạ tấng cơ sở và phương tiện

Tiến sĩ Đỗ Đức Oanh, Tổng Thư kí Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hiện nay chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng phục vụ cho xuất khẩu xi măng vì từ phương tiện bốc xếp cho đến phương tiện vận chuyển đều hạn chế. Quen sản xuất cho tiêu dùng nội địa, đến khi phải xuất khẩu thì các doanh nghiệp mới phát hiện ra mình chưa hội tụ những yêu cầu cần thiết vì bị trống chân từ thị trường cho đến cầu cảng, phương tiện chuyên chở, năng lực bốc dỡ. 

Sở dĩ Thái Lan XK xi măng tốt hơn là do có cơ sở hạ tầng tốt. Trong vòng một ngày họ có thể bốc dỡ hàng chục nghìn tấn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, việc chuyên chở với giá xăng dầu như hiện nay sẽ không hấp dẫn các doanh nghiêp tham gia XK. Nếu muốn XK được thì các doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện bốc dỡ... Nhưng ngặt nỗi giá xuất khẩu vốn đã thấp hơn trong nước nhiều, lại chịu thêm chi phí trung gian, chi phí vận chuyển, phải đầu tư xây dựng cầu cảng đạt chuẩn, phải sắm tàu tải trọng lớn 60.000 tấn. Những việc này nằm ngoài tầm với của doanh nghiệp. 

Năm 2010, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đặt kế hoạch xuất khẩu 1 triệu tấn, nay cũng chỉ mới xuất chưa được một nửa. Được biết, những hợp đồng này đã được trợ giá, nếu không thu sẽ chẳng đủ bù chi. Trước tình hình trên, Vicem chỉ còn biết kiến nghị Bộ Xây dựng tiến hành rà soát để xem xét dừng hoặc giãn tiến độ đối với các dự án xi măng để tránh phát triển “nóng” như hiện nay. 

Theo ông Đỗ Đức Oanh, việc thừa xi măng là do thị trường xây dựng phát triển chưa tương xứng với tốc độ phát triển ngành vật liệu, dẫn đến cung lớn hơn cầu. Chưa kể đến việc phát triển vật liệu xi măng dễ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên do nguyên liệu đầu vào của mặt hàng này phần lớn là núi đá vôi. Vì vậy, trên thế giới các nước không khuyến khích XK xi măng. 

Việc cung vượt cầu là tất yếu xảy ra khi mà hàng năm có tới hàng chục dự án xi măng được đưa vào vận hành. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ có biện pháp kích cầu nội địa cho sản phẩm xi măng, trong đó có việc tăng cường làm đường bằng bê tông xi măng, thay thế cho đường asphan (kể cả đường cao tốc, quốc lộ); nâng cấp các tuyến đường, đầu tư cảng chuyên dùng để hỗ trợ việc vận chuyển sản phẩm xi măng xuất khẩu. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu xây dựng không nung, thay thế dần gạch đất sét nung cũng là một giải pháp vừa kích cầu cho xi măng, hạn chế sử dụng tài nguyên đất sét, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện công nghiệp hóa ngành xây dựng.