1. Thực trạng việc làm và giải quyết việc làm ở Hà Nội hiện nay.
Việc làm là một nhu cầu thiết yếu của con người và giải quyết việc làm cho người lao động luôn là một yêu cầu xã hội tất yếu, cũng là một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và đặc biệt là Hà Nội nói riêng. Là Thủ đô của đất nước, lại là một đô thị lớn, với hơn 3 triệu dân, Hà Nội đang đứng trước một thách thức, một sức ép lớn, đó là tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị vẫn còn ở mức cao so với các đô thị khác trên cả nước (năm 2003 là 6,84%). Bên cạnh lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm tới 64% dân số địa phương, còn hàng vạn lao động từ các tỉnh khác đổ về, học sinh sinh viên tốt nghiệp ở lại... nên nhu cầu giải quyết việc làm của Thành phố luôn là một vấn đề bức xúc. Trình độ chuyên môn kỹ thuật và tính kỷ luật của người lao động lại chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tình trạng thừa lao động phổ thông, nhưng thiếu lao động kỹ thuật đang là một thực tế đáng lo ngại. Nhận thức chung của người lao động về vấn đề việc làm chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Một điều đáng lưu ý là trong thời đại thông tin, nhưng hầu hết người lao động và người sử dụng lao động vẫn còn thiếu thông tin, người cần việc chưa biết việc cần người và ngược lại, nên hiện tượng khó xin việc hoặc khó tuyển dụng được lao động đúng yêu cầu vẫn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghiệp vụ cho người lao động vẫn chưa thực sự theo kịp và gắn liền với nhu cầu thực tế của sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, hướng tới hội nhập khu vực và toàn cầu hoá, nên kết quả thu hút lao động, giải quyết việc làm còn nhiều hạn chế, đồng thời gây lãng phí nguồn lực và chi phí xã hội... Thực trạng này đặt ra cho cho Hà Nội những yêu cầu bức thiết là làm thế nào để đẩy mạnh công tác đổi mới nội dung đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết việc làm. Mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ 13 đặt ra là đến năm 2005, Hà Nội sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 5,5 - 6,5%, đồng thời mỗi năm tăng 2% tỷ lệ lao động được qua đào tạo.
Thực tế, thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, biện pháp, chương trình và giải pháp tích cực, nên số người được giải quyết việc làm giai đoạn 2002 - 2003 bình quân mỗi năm đạt khoảng từ 60.000 - 70.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2003 là 40%. Góp một phần vào kết quả đó là những hoạt động của Hội chợ Việc làm, được Thành phố tổ chức từ năm 2002 đến nay. Mỗi năm một lần, qua mỗi kỳ Hội chợ, hàng ngàn lao động đã tìm được việc làm phù hợp với trình độ và năng lực của mình, hàng chục ngàn lao động (chủ yếu là học sinh, sinh viên) nắm bắt được những thông tin quan trọng của thị trường lao động để định hướng nghề nghiệp và tìm việc làm phù hợp, đồng thời nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp tuyển dụng được lao động đúng yêu cầu đặt ra.
2. Những ghi nhận từ Hội chợ Việc làm Tp. Hà Nội lần thứ III.
Hội chợ Việc làm thành phố Hà Nội lần thứ III được diễn ra trong 3 ngày từ 23 - 25/8/2004, là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 50 năm giải phóng Thủ đô, nhưng cũng đúng vào thời điểm học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp một thời gian, đồng thời các trường đào tạo cũng chuẩn bị khai giảng một năm học mới. Vì vậy, Hội chợ đã thu hút được 169 đơn vị tham gia, trong đó có 141 doanh nghiệp, 42 trường, cơ sở đào tạo nghề và 13 trung tâm dịch vụ việc làm. Tại Hội chợ này, các đơn vị được miễn phí hoàn toàn, nhưng điều kiện là phải có thông báo kế hoạch tuyển dụng năm 2004 và dự kiến tuyển dụng năm 2005. Theo đó, các đơn vị tham gia tại Hội chợ sẽ cần có khoảng 120.171 chỗ làm việc, trong đó cho năm 2004 là 54.291 người và cho năm 2005 là 65.872 người. Ngay sáng ngày 23/8, ngày khai mạc Hội chợ, đã có tới hàng vạn khách đổ về Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, hầu hết là học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp, nhiều người lao động chưa xin được việc làm và cả những người đến tìm hiểu ngành nghề tuyển sinh và nhu cầu tuyển dụng cho con, cháu, người nhà. Bãi xe trước và sau Trung tâm Triển lãm Giảng Võ không còn chỗ. Trong triển lãm, các gian hàng luôn chật cứng người đến xin tờ rơi và gửi Phiếu đăng ký tìm việc làm. Một số doanh nghiệp như Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty Sứ vệ sinh cao cấp TOTO của Nhật Bản... đã tiếp nhận Hồ sơ, sơ tuyển ngay tại Hội chợ.
Rút kinh nghiệm từ 2 lần Hội chợ Việc làm trước, lần này, Ban Tổ chức tập trung ưu tiên cho việc phỏng vấn, tuyển dụng trực tiếp giữa các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng với người tìm việc làm và người đăng ký tuyển dụng vào các cơ sở đào tạo nghề, tạo cơ hội cao nhất cho người lao động và doanh nghiệp thực hiện việc cung - cầu lao động. Cả ngày 24/8, tại Hội chợ, các doanh nghiệp đã trực tiếp tiến hành phỏng vấn và tuyển dụng được hàng nghìn lao động.
Cũng thông qua Hội chợ này, các cơ sở đào tạo đã quảng bá được chất lượng đào tạo, khả năng chiêu sinh, các khoa ngành đào tạo của cơ sở, đồng thời nắm bắt kịp thời kế hoạch tuyển dụng, nhu cầu đào tạo ngành nghề của các doanh nghiệp để có kế hoạch cải tiến nội dung, chương trình cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện tại và tương lai. Được biết, Công ty Hợp tác đào tạo và Xuất khẩu lao động thuộc Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội đã phát tới hơn 8.000 bộ tờ rơi giới thiệu về Nhà trường, đồng thời đã làm việc và nhận kế hoạch tuyển dụng của gần chục doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, như Công ty TNHH Minh Hằng, Công ty May mặc Nam Sơn, các công ty sứ vệ sinh INAX, TOTO, SATO...
Hội chợ Việc làm cũng là nơi để các trung tâm DVVL đẩy mạnh chức năng tư vấn, định hướng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Chỉ trong 3 ngày Hội chợ, 13 trung tâm TV - GTVL đã nhận được gần 1 vạn phiếu Đăng ký xin việc.
3. Và những vấn đề đặt ra.
Đến chiều ngày 25/8, khi một số đơn vị đã tháo dỡ các gian hàng, thì vẫn còn rất nhiều người kéo đến Hội chợ, như để mong tìm kiếm cho mình một cơ hội có việc làm. Thế mới biết, số người có nhu cầu làm việc ở Hà Nội thật lớn, mà Thành phố thì chỉ tổ chức Hội chợ như vậy mỗi năm 1 lần sẽ là quá ít.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra từ Hội chợ này lại không chỉ cho Hà Nội, mà còn là vấn đề chung của cả nước. Người lao động vẫn khó tìm được việc làm và doanh nghiệp tuyển dụng lao động vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, chất lượng lao động vẫn còn thấp... Theo ý kiến của các doanh nghiệp, mong muốn của họ là nhận người về để làm được việc ngay, không phải mất thời gian đào tạo lại. Thế nhưng, mâu thuẫn lại xảy ra khi thực tế các cơ sở đào tạo hiện vẫn rất thiếu những máy móc, thiết bị hiện đại vì không có kinh phí, trong khi mức học phí theo qui định chỉ được thu ở mức sàn để mọi đối tượng có thể được học, mức tiền được qui định từ năm 1995, đến nay vẫn chưa có sự thay đổi, nên các trường không có tiền để đầu tư chiều sâu. Việc các doanh nghiệp không mặn mà, thậm chí rất còn e ngại khi học sinh, sinh viên đến thực tập (vì sẽ làm đảo lộn hoạt động sản xuất, gây nhiều phế phẩm và không đảm bảo an toàn lao động...), càng làm cho việc cọ sát thực tế của học sinh, sinh viên càng khó khăn hơn. Ngoài ra, tư tưởng của nhân dân, nhất là những người ở thành phố vẫn thích hướng cho con em mình theo học ở các trường đại học, bỏ qua các trường đào tạo nghề, chuyên nghiệp, sợ làm công nhân, nên hiện tượng thừa thày, thiếu thợ có xu hướng ngày càng tăng, đồng thời đặt ra khó khăn cho các trường đào tạo nghề và trung học chuyên nghiệp là không đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.
Theo Dự báo về cơ cấu lao động theo ngành kinh tế quốc dân trên địa bàn Hà Nội, tới năm 2005, nhu cầu lao động cho ngành nông - lâm nghiệp sẽ giảm còn khoảng 316.800 người, ngành công nghiệp và xây dựng tăng ở mức khoảng hơn 373.000 người, và ngành dịch vụ với khoảng gần 739.000 người... Như vậy, Hà Nội cần phải đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu trên một cách hợp lý. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng, chúng ta cần thay đổi nhận thức của xã hội về đào tạo nghề, đổi mới chính sách tiền lương, động viên mọi thành phần doanh nghiệp tham gia đào tạo... Còn theo bà Cao Minh Châu - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thì Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một số chính sách mới, theo tinh thần Quyết định 168 của UBND Thành phố về việc thu hút nhân lực trẻ, như tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ, nghệ nhân nghiên cứu khoa học thông qua cơ chế đấu thầu đề tài, có chế độ đãi ngộ về nhà ở, tiền lương, được chọn cơ quan làm việc, nâng cao trình độ, kiến thức...
Hy vọng rằng, với sự quan tâm sâu sắc của chính quyền, thông qua những giải pháp hữu hiệu và động thái tích cực, Hà Nội sẽ dần bớt đi cơn sốt nóng việc làm cho người lao động trong thời gian không xa./.