Tính năng động của các doanh nghiệp được gia tăng đáng kể. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 45% (kim ngạch của 4 tháng trước khi thực hiện AEPT/AFTA là 588 triệu USD, kim ngạch của 4 tháng sau khi thực hiện CEPT/AFTA là 632 triệu USD); khu vực các doanh nghiệp trong nước khác, nhập khẩu tăng 34% (kim ngạch của 4 tháng trước khi thực hiện CEPT/AFTA là 477 triệu USD, kim ngạch của 4 tháng sau khi thực hiện CEPT/AFTA là 511 triệu USD); khu vực doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu giảm 14% so với 4 tháng trước khi thực hiện CEPT/AFTA (kim ngạch của 4 tháng trước khi thực hiện CEPT/AFTA là 891 triệu USD, kim ngạch của 4 tháng sau khi thực hiện CEPT/AFTA là 877 triệu USD), trong đó chủ yếu do xăng, dầu nhập khẩu giảm.
“Việt Nam đã có xuất siêu sang một số nước trong khu vực như Philippin (189 triệu USD), Campuchia (143 triệu USD), Inđônêxia (43 triệu USD). Tuy tỷ lệ xuất siêu với các nước trong ASEAN còn khá khiêm tốn, nhưng nó cũng là những tín hiệu báo hiệu sự phát triển từng bước của nền kinh tế nước ta, thông qua hoạt động xuất nhập khẩu”, Thứ trưởng Trương Chí Trung nhận xét.
Đã có hơn 1.400 mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm tạm thời, trong đó có 17 nhóm mặt hàng có mức cắt giảm thuế cao (từ 40-80% xuống còn 20%). Theo khảo sát, thị trường hàng hóa tại thời điểm 1/7/2003 hầu như không có sự biến động lớn. Cụ thể, với các mặt hàng thuộc nhóm hàng điện tử, điện lạnh gia dụng là những mặt hàng được nhiều người quan tâm (theo lộ trình giảm thuế, nhóm mặt hàng này sẽ rẻ hơn từ 15-20% so với trước), giá cả không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, những mặt hàng điện lạnh do liên doanh sản xuất lại giữ mức tiêu thụ khá hơn so với hàng nhập khẩu, vì thời gian bảo hành lâu và thường rẻ hơn hàng nhập khẩu từ 200.000 - 300.000 đồng/sản phẩm…
Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Thương mại, hơn 1 tháng sau khi thực hiện giảm thuế nhập khẩu theo AFTA, trên thị trường nội địa, giá các mặt hàng thuộc diện đã cắt giảm thuế như điện tử và điện gia dụng (tivi, tủ lạnh, máy giặt), xe máy và một số loại vật liệu xây dựng (gạch men, tấm ốp trần, sứ vệ sinh, kính xây dựng)… đã bắt đầu giảm, nhưng giảm không nhiều như người tiêu dùng mong đợi. Bộ Thương mại cũng nhận định, một nguyên nhân khiến hàng điện tử, điện gia dụng giảm giá không nhiều là theo quy định hàng hóa từ ASEAN, muốn được giảm thuế nhập khẩu theo AFTA thì bắt buộc phải có chứng nhận xuất xứ form D (tức là tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên). Điều kiện này đối với hàng điện tử, điện máy ASEAN lại không dễ có được, vì phần lớn các sản phẩm lại có xuất xứ từ các nước ngoài khối như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan… Mặt khác, hiện thuế suất nhập khẩu linh kiện (10%) vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu hàng nguyên chiếc được hưởng thuế suất ưu đãi (20%). Hơn nữa, phần lớn hàng điện tử, điện máy đang được ưa chuộng trên thị trường nội địa đều là những nhãn hiệu có nguồn gốc ngoài ASEAN như Sony, Toshiba (Nhật Bản); LG, Daewoo (Hàn Quốc); Qiseng (Trung Quốc)…
Các mặt hàng như bánh kẹo, thực phẩm, quần áo, hóa mỹ phẩm… nhập khẩu có nguồn gốc từ ASEAN đang giảm giá tương đương với thuế suất ưu đãi. Và như vậy, hàng hóa của Việt Nam muốn song song tồn tại và đứng vững ở thị trường trong nước, thì các nhà sản xuất của Việt Nam sẽ phải tìm cách để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, bởi hàng rào thuế quan đến nay đã không còn là rào cản lớn với các doanh nghiệp nước ngoài nữa…
Nổi lên ở thị trường trong nước thời gian này là sự biến động của giá vàng và USD. Theo quy luật, thị trường tài chính cuối năm ở nước ta thường rất nhạy cảm với những biến động giá vàng và USD, cộng với việc Ngân hàng Nhà nước phát hành thêm 5 loại tiền mới, thì thị trường tài chính đã bị tác động tâm lý và có những phản ứng nhạy cảm tức thì.
Nguyên nhân của việc tăng giá này, là do vàng và USD song hành làm phương tiện thanh toán cùng với đồng Việt Nam. Điều đó cũng là nghĩa là, vàng không chỉ là phương tiện cất trữ tài sản, để sản xuất đồ trang sức, mà còn là phương tiện trong giao dịch thanh toán nhà đất, nhất là các tỉnh phía Nam… Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay, ở nước ta, trên thị trường tự do, giá vàng đã tăng 22,3%. Đây là năm có mức tăng giá cao nhất trong 12 năm qua (kể từ năm 1991 đến nay). Tỷ giá VND/USD từ đầu năm cũng đã tăng 3,5%, gấp 1,5 lần mức tăng 2,1% của năm 2002…
Có thể nói rằng, sự kiện 1/7 là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ cung - cầu, giá cả những mặt hàng sản xuất trong nước so với các mặt hàng cùng loại của các nước ASEAN - Giám đốc một siêu thị lớn đã khẳng định như vậy. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, hàng hóa của chúng ta đã phong phú hơn, đa dạng hơn và như vậy cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
Còn đại diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, đứng về góc độ chuyên môn thì cho rằng: Nếu nhìn nhận một cách khách quan, thị trường xăng dầu trong nước luôn tiềm ẩn sự bất ổn về cung - cầu, giá cả. Theo đó, hiện trong nước có nhiều đầu mối nhập khẩu, nhưng lại chưa có cơ chế rõ ràng cho doanh nghiệp, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng cơ chế để làm ăn, theo kiểu chụp giật, một số doanh nghiệp gần như bán quota trao tay luôn; thị trường bán lẻ xăng dầu thì phát triển khá tùy tiện, thiếu quy hoạch và thiếu cả sự quản lý của Nhà nước… Và cuối cùng là chỉ khổ người tiêu dùng mà thôi!
Nói vậy, nhưng phải khẳng định rằng, năm qua là năm có sự tăng trưởng vượt trội của tiêu thụ trong nước. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao. Đây chính là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế đối với một nước có số dân đã vượt qua 80 triệu người./.