“Việc tồn kho hiện nay là một bài học quý giá”

Năm 2012, ngành Than - Khoáng sản phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn đầu tư cho vào các dự án, trong khi đó, tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu đều chậm, lượng than tồn kho tăng

PV: Thưa Thứ trưởng, hiện nay ngành Than - Khoáng sản đang tồn đọng nhiều sản phẩm. Có ý kiến cho rằng chủ yếu do khủng hoảng kinh tế, ngược lại, cũng không ít ý kiến cho rằng ngành Than - Khoáng sản tự làm mất thị trường. Vậy ý kiến nào là đúng với hiện trạng của ngành Than - Khoáng sản hiện nay?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Đúng là hiện nay toàn ngành Than - Khoáng sản đang có tình trạng tồn kho sản phẩm lớn. Về các loại khoáng sản thì lượng tồn đọng chủ yếu tập trung ở một số sản phẩm như quặng sắt (khoảng 1,5 triệu tấn), ilmenit (khoảng 500 ngàn tấn), apatit (loại II-vài trăm ngàn tấn), đá vôi trắng... và hầu hết là ở các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Riêng ở Vinacomin, chủ yếu là tồn kho than (khoảng hơn 9 triệu tấn) và một lượng tinh quặng sắt magnetit (trên 100 ngàn tấn). Đối với các loại khoáng sản ngoài than, nguyên nhân chủ yếu gây tồn kho là do kinh tế trong nước khó khăn, lượng tiêu thụ giảm mạnh và chủ trương của Nhà nước hạn chế xuất khẩu. Đối với than, một mặt do nhu cầu giảm (cả trong nước và xuất khẩu), mặt khác do giá xuất khẩu (XK) xuống quá thấp, trong khi thuế suất XK chưa được điều chỉnh, làm cho việc XK bị lỗ. 

Tôi không nghĩ rằng ngành Than - Khoáng sản tự làm mất thị trường, bởi vì thị trường XK đối với khoáng sản vẫn có. Riêng đối với loại than nhiệt năng XK bị giảm là do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất tiêu thụ loại than này cũng đang tồn đọng hàng chục triệu tấn, bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng trong nước của các ngành xi măng, phát điện giảm đã làm giảm lượng tiêu thụ than.

PV: Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến tồn kho, có phải do quy hoạch không phù hợp hay do ngành Than phát triển quá nóng? Và việc tồn kho có đáng lo ngại không thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Trước hết, cần phải thấy rằng trong nền kinh tế thị trường, cả trên bình diện thế giới nói chung cũng như trong mỗi nước, việc tồn đọng (dư thừa) hoặc thiếu hụt một loại sản phẩm nào đó tại một thời điểm nào đó là chuyện không hiếm và nó có nhiều nguyên nhân như tác động của kinh tế toàn cầu, chính sách của các quốc gia, bất ổn về chính trị ở một số khu vực, hoặc thiên tai... Tuy nhiên, có 3 yếu tố tác động chính, theo tôi đó là thị trường, chính sách và công tác quản lý. Trong 3 yếu tố đó, có thể coi thị trường là yếu tố khách quan, phải chấp nhận sự lệ thuộc vào nó dù ít hay nhiều khi mà chúng ta đã hội nhập. Nhưng khi thị trường biến động, nếu có chính sách thích hợp, kịp thời và cách thức quản lý linh hoạt thì sẽ hạn chế được thiệt hại. Xét theo góc độ này thì phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta còn yếu. Ví dụ, về chính sách, chúng ta giữ giá than bao cấp quá lâu, trong khi vẫn đòi hỏi Vinacomin phải làm ăn có lãi và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Điều này tất yếu dẫn đến phải tăng sản lượng khai thác và tăng xuất khẩu (để bù đắp giá); đến khi thị trường khó khăn thì tồn kho là khó tránh khỏi. Nếu kinh tế đủ mạnh thì trong trường hợp thị trường biến động xấu, Nhà nước có thể dùng ngân sách để mua tạm trữ than (giống như mua tạm trữ lúa gạo), song thực tế việc này là không khả thi và Vinacomin phải gánh chịu. 

Nói về quy hoạch thì điểm yếu chính là khả năng dự báo và công tác quản lý quy hoạch, đây cũng là điểm yếu chung của công tác quy hoạch. Nói ngành Than phát triển nóng thì cũng đúng, song nếu các dự án điện đã được quy hoạch - một trong những cơ sở quan trọng để lập quy hoạch khai thác than vào đúng tiến độ thì việc tồn kho than hiện nay có lẽ cũng không đến nỗi quá trầm trọng. 

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân và việc nhìn nhận một chiều là không thỏa đáng. Tuy nhiên, việc tồn kho than hiện nay chính là một bài học quý giá cho cả cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định chính sách cũng như bản thân Vinacomin.

PV: Ngành Than - Khoáng sản có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Tồn đọng sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc đời sống của gần 14 vạn người lao động có nguy cơ thiếu việc làm, kéo theo hàng vạn gia đình bị ảnh hưởng. Vậy chỉ đạo của Bộ để ngành Than - Khoáng sản khắc phục tình trạng này như thế nào? Về lâu dài, Chính phủ cần có những chính sách thay đổi gì với ngành Than - Khoáng sản thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Ngành Than - Khoáng sản hiện đang hết sức khó khăn, song khó khăn đó cũng không nằm ngoài khó khăn chung của đất nước. Trong bối cảnh đó, điều đầu tiên ngành Than - Khoáng sản cần làm là phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm, phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí vượt khó của đội ngũ thợ mỏ anh hùng, chấp nhận và chia xẻ khó khăn với Chính phủ. Về phía Bộ, Bộ đã chỉ đạo Vinacomin rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiết giảm sản lượng khai thác đồng thời đẩy mạnh bóc đất đá và xây dựng cơ bản hầm lò để duy trì việc làm và không làm tình trạng tồn kho trầm trọng thêm; tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm chi phí trung gian; tạm thời đình, hoãn các dự án chưa thực sự cấp bách; đẩy mạnh công tác sàng tuyển - phân loại để đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phù hợp với các nhu cầu tiêu thụ khác nhau; tiếp tục tìm kiếm các thị trường XK mới, đa dạng hóa phương thức bán hàng; tập trung thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu; đẩy nhanh việc thoái vốn ở các dự án đầu tư ngoài ngành... Bộ cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinacomin điều chỉnh giá bán than cho điện, cho phép cam kết xuất khẩu dài hạn một khối lượng than tốt cho các đối tác chiến lược để đổi lấy việc thu xếp vốn; đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm thuế XK... Đối với các khoáng sản khác (quặng sắt, ilmenit, apatit...), Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu lượng quặng tồn đọng. 

Về lâu dài, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết tâm làm tốt việc tái cơ cấu Vinacomin, tạo điều kiện cho Tập đoàn thực hiện được chiến lược phát triển của mình, vươn lên thành tập đoàn kinh tế mạnh không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực; kiên quyết thực hiện chủ trương thị trường hóa giá than và sẽ tiếp tục giao cho Vinacomin chủ trì hoặc làm nhà đầu tư chính trong việc khai thác các mỏ lớn, các khoáng sản quan trọng của đất nước.

PV: Gần đây, cụm từ chế biến sâu khoáng sản được nhắc đến nhiều tại các cuộc họp, hội thảo. Thứ trưởng có thế cho biết rõ hơn về lĩnh vực mới này của ngành Than - Khoáng sản?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Chế biến sâu khoáng sản là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, được thể hiện đầy đủ trong Luật Khoáng sản, Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và XK khoáng sản. 

Để thực hiện chủ trương đó, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo rà soát lại các quy hoạch khoáng sản và đẩy mạnh việc xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách liên quan (như sửa đổi Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài, theo hướng quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh than, Thông tư về xuất khẩu khoáng sản, các Thông tư về kinh doanh than, xuất khẩu than...). Đối với ngành Than, Bộ sẽ chỉ đạo Vinacomin một mặt thực hiện nghiêm túc Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch khai thác than Đồng bằng sông Hồng, các quy hoạch khoáng sản, kế hoạch 5 năm từ 2011-2015...; mặt khác sẽ chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc triển khai các dự án đầu tư của Tập đoàn, cả trong khâu khai thác và chế biến. 

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!