Trung Quốc khuyến khích phát triển kinh tế ngoài quốc doanh

Từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế cho đến nay, kinh tế ngoài quốc doanh không ngừng phát triển và trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường và là lực lượng quan trọng thúc đẩy

 

Theo số liệu của Cục Quản lý hành chính công thương Trung Quốc, năm 2005, số hộ công thương cá thể ở thành phố và nông thôn Trung Quốc có khoảng 24,386 triệu, số người làm việc khoảng 48,58 triệu người, tăng 70% và 90,1% so với năm 1995; Cũng thời gian đó, Trung Quốc có khoảng 600.000 doanh nghiệp tư nhân, tăng 474,5%, với tổng số người làm việc là 8,217 triệu người,  tăng 382,8% so với năm 1995. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp tư nhân và cá thể chiếm 7,2% tổng số lao động xã hội, các doanh nghiệp đó tạo ra 11,5% giá trị công nghiệp của cả nước. Cũng theo thống kê, trong kế hoạch 5 năm lần thứ VIII, tổng doanh thu của các doanh nghiệp NQD đạt 1.471,9 tỷ NDT, nộp thuế cho Nhà nước đạt 100,74 tỷ NDT.

Cục Công thương quốc gia, Phòng Nghiên cứu chính sách trung ương và Phòng Nghiên cứu chính sách của Chính phủ Trung Quốc đã phối hợp điều tra và thu được kết quả sau: Trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Trung Quốc có vốn đăng ký bình quân là 15,54 triệu NDT (khoảng gần 2 triệu USD), tài sản cố định bình quân là 31,30 triệu NDT (khoảng gần 4 triệu USD), mức thuế nộp trung bình là 1,64 triệu NDT, lợi nhuận trung bình là 3,85 triệu NDT, suất lợi nhuận bình quân là 9,7%. Có 41 doanh nghiệp có doanh thu vượt 100 triệu NDT (tức là trên 12 triệu USD). Nổi bật nhất là Tập đoàn Hy Vọng có doanh thu 166 triệu NDT (khoảng trên 20 triệu USD).           Trong cuộc khảo sát của Đoàn Chính phủ Trung Quốc tại tỉnh Triết Giang, nơi có doanh nghiệp NQD phát triển mạnh ở Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc sẽ kiên trì chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế nhà nước làm chủ thể. Song song với việc củng cố và phát triển kinh tế công hữu, Trung Quốc sẽ khuyến khích, ủng hộ và hướng dẫn kinh tế NQD phát triển ổn định. Chính phủ Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp NQD theo pháp luật; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn kinh tế NQD phát triển; tạo thị trường công bằng và môi trường huy động vốn thông thoáng cho các doanh nghiệp NQD; đồng thời xây dựng môi trường dư luận ủng hộ phát triển kinh tế NQD. Để thực hiện được chủ trương này, Trung Quốc đã có một số giải pháp tích cực như sau:

Sử dụng công cụ như vốn, thuế để thúc đẩy kinh tế NQD phát triển

- Từng bước mở rộng quy mô vốn dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ NQD; ủy ban Nhân dân các tỉnh và các thành phố, huyện của Trung Quốc có điều kiện dành riêng vốn cho các dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quyền hạn của mình; Nhanh chóng thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc gia.

- Doanh nghiệp NQD được hưởng quyền lợi bình đẳng như các doanh nghiệp nhà nước trong các hoạt động như: phát hành, niêm yết cổ phiếu trên thị trường vốn. Đồng thời, kiện toàn chức năng của công ty chứng khoán cũng như cơ chế chuyển nhượng cổ phần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp NQD sử dụng vốn thị trường và khuyến khích họ có điều kiện phù hợp, để có thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường.

-  Cho phép thành lập cơ quan bảo đảm tín dụng đề phòng rủi ro. Đối với doanh nghiệp NQD làm ăn có hiệu quả, Nhà nước thực hiện thí điểm cho vay bằng thế chấp vật chất với loại vốn vô hình như quyền sở hữu công nghiệp và bản quyền sở hữu sáng chế phát minh; Cho phép khu vực kinh tế NQD đầu tư thành lập ngân hàng tiền tệ, đầu tư ngân hàng cổ phẩn và các loại hình dịch vụ khác. Đồng thời cho phép doanh nghiệp NQD có điều kiện tham gia cải cách cơ cấu tiền tệ và ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm v.v…

- Cho phép các doanh nghiệp NQD đầu tư vào các công trình công cộng và xây dựng kết cấu hạ tầng; cho phép khu vực kinh tế NQD tham gia đầu tư và vận hành các công trình công cộng và cơ sở hạ tầng như: cung cấp nước, khí đốt,  giao thông công cộng, xử lý rác thải và nước thải công nghiệp. Đồng thời, đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng công nghiệp, khoa học công nghệ, quốc phòng, tham gia cạnh tranh lành mạnh về nghiên cứu khoa học và sản xuất công nghiệp, quân sự v.v…

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp NQD

- Nhà nước bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp NQD theo pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp NQD căn cứ theo pháp luật triển khai kế hoạch sản xuất-kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động. Một khi quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp NQD bị xâm phạm, mà doanh nghiệp đã có đơn kiến nghị, thì các cơ quan chức năng của Chính phủ phải kịp thời thụ lý, đối xử công bằng và ấn định thời gian giải quyết.

Hướng dẫn doanh nghiệp NQD nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh

  - Nhà nước ủng hộ doanh nghiệp NQD thông qua phương thức như: liên hợp, liên doanh liên kết để tăng cường năng lực hơn nữa giúp doanh nghiệp phát triển và trở thành công ty và tập đoàn lớn có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp NQD thực hiện chiến lược xây dựng phát triển thương hiệu, ủng hộ phát triển doanh nghiệp NQD có kỹ thuật cao, công nghệ mới hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật và khai thác sản phẩm mới,  khuyến khích năng lực sáng tạo và tinh thần tự chủ. Trong quá trình cải cách kinh tế, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật và vận dụng kỹ thuật tiến bộ vào các hoạt động thương mại đối ngoại và các lĩnh vực khác mà Nhà nước và các doanh nghiệp cùng quan tâm; Hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyên môn hóa sản xuất kinh doanh mang tính chất riêng theo hướng: chuyên, tinh, đặc biệt và mới. Khuyền khích doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với doanh nghiệp lớn thực hiện hợp tác kinh tế và kỹ thuật dưới nhiều hình thức, xây dựng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực cung ứng, sản xuất, tiêu thụ, khai thác kỹ thuật một cách ổn định. Thông qua việc nâng cao trình độ hợp tác, chuyên nghiêp hoá, để trở thành doanh nghiệp chủ chốt và tạo thương hiệu nổi tiếng, phát triển thị trường.

Tăng cường phối hợp, chỉ đạo và thực hiện chính sách phát triển kinh tế NQD        

- Tăng cường giám sát và phân tích tình hình phát triển kinh tế NQD; Xây dựng cơ chế xúc tiến phát triển kinh tế NQD.

- Tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước, khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn phát triển kinh tế NQD; Biểu dương những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất thuộc khu vực kinh tế NQD; Hình thành môi trường dư luận xã hội tốt có lợi cho phát triển kinh tế NQD, từ đó để xã hội thừa nhận vai trò và thành tựu của doanh nghiệp NQD.

  • Tags: