Từ đầu năm 2006, chưa có công ty nước ngoài nào tăng giá thuốc, nhà nhập khẩu cũng không tăng nhưng một số mặt hàng thuốc lại tăng giá. Vấn đề là giá thuốc tăng ở khâu trung gian và những thủ thuật nhằm làm tăng giá thuốc như ém hàng, cắt giảm khuyến mãi… Chúng tôi tôn trọng quyền công bố giá của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp phải trả lời được rằng giá đó là do đâu, khi tăng giá phải giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và chỉ được áp dụng giá mới khi được sự đồng ý. Giá thuốc chỉ đột biến khi “đứt” hàng trên thị trường, nhưng biện pháp dự trữ lưu thông 1305 loại thuốc thuộc dạng thiết yếu, cần cho nhu cầu điều trị, đang bị độc quyền, làm giá nhất đang phát huy tác dụng. Bộ Y tế đã ký giao cho 3 công ty dược lớn vay 330 tỉ đồng để dự trữ ban đầu gần 400 mặt hàng và khi cần sẽ sẵn sàng tung ra thị trường.
Sắp tới, các doanh nghiệp phải công bố giá nhập khẩu, giá dự kiến bán buôn, bán lẻ và công khai giá tham khảo lên Internet. Các nhà thuốc, bệnh viện, người tiêu dùng có thể lựa chọn mặt hàng thay thế có giá hợp lý nhất. Năm 2006 là mốc thời gian áp dụng những biện pháp cứng rắn nhất.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Công văn số 281/TTg-VX, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc triển khai các biện pháp bình ổn giá thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân năm 2006. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trên, đồng thời chỉ đạo thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động của các cơ sở kinh doanh thuốc, chống đầu cơ tích trữ, nâng giá thuốc bất hợp lý.