Ngoài nguồn vốn khuyến công của Tỉnh, các huyện, thị xã đều trích ngân sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ trên địa bàn. Đây là những cố gắng rất lớn của các cấp chính quyền trong Tỉnh, góp phần tạo nên mức tăng trưởng ở khu vực công nghiệp dân doanh và nhờ đó, hàng năm, tỷ trọng công nghiệp dân doanh luôn ở mức 55 - 59% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Ngành.
Ngày 11/8/2004, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN. Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2005, với nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp; tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh; tổ chức hội chợ triển lãm và giới thiệu sản phẩm; tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham quan khảo sát; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và thực hiện dịch vụ tư vấn khoa học - công nghệ... Với đội ngũ nhân viên mỏng, địa bàn và lĩnh vực hoạt động tương đối rộng, thêm nữa, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chưa thật đầy đủ, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, khối lượng và chất lượng công việc của Trung tâm.
Năm 2006, Trung tâm xây dựng chương trình khuyến công dựa trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh địa phương về tài nguyên nông, lâm nghiệp và một số nghề truyền thống, cùng các kinh nghiệm học tập được từ các tỉnh bạn. Nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng mục đích, chính sách pháp luật, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, xóa đói giảm nghèo, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong Tỉnh.
Công tác thông tin, tuyên truyền phát triển công nghiệp, các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT), hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thông qua các hội chợ đạt chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực. Ngay từ đầu năm, Sở Công nghiệp đã chỉ đạo Trung tâm hướng dẫn các huyện, thị xã, các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn xây dựng kế hoạch và lập đề án đăng ký hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công Tỉnh năm 2006 và tổ chức lựa chọn, trình UBND Tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 13 đề án với tổng số tiền hỗ trợ là 250 triệu đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia Hội chợ triển lãm hàng CNNT các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Quảng Nam (tháng 5/2006) và Hội chợ triển lãm làng nghề tại Hà Nội (tháng 11/2006). Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ đã tìm được đối tác liên kết, ký hợp đồng làm đại lý tiêu thụ sản phẩm. Cùng với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, các cơ sở sản xuất đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất và đào tạo công nhân tiếp nhận dây chuyền sản xuất mới.
Được sự giúp đỡ của Cục Công nghiệp địa phương, Trung tâm đã tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức, cung cấp những thông tin thiết thực, nhằm nâng cao năng lực hoạt động khuyến công cho hơn 30 cán bộ làm công tác khuyến công trên địa bàn Tỉnh vào tháng 8/2006; đồng thời, tổ chức 2 đợt khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm đến các tỉnh bạn. Sau đợt khảo sát, cán bộ quản lý ngành và các chủ cơ sở CNNT đã tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu, những thông tin thiết thực, tạo được nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp, đó chính là tiền đề để tạo ra mối liên doanh, liên kết sản xuất kinh doanh trong tương lai.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp có quyết định phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2006, Trung tâm đã ký hợp đồng với Cục Công nghiệp địa phương triển khai thực hiện 2 đề án “Đào tạo nâng cao kỹ thuật đúc các sản phẩm bằng gang và thép tại Công ty TNHH Khải Hoàn” và “Đào tạo nghề thêu ren xuất khẩu tại hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng”, với tổng kinh phí 87 triệu đồng, đào tạo nghề cho 145 lao động nông thôn. Đến nay, các lớp đào tạo nghề đang được triển khai thực hiện, học viên sau khi được đào tạo nghề sẽ có một công việc ổn định. Từ kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm cũng đã đào tạo nghề cho 345 lao động, tạo việc làm cho 350 người.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Quảng Trị còn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong Tỉnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006 - 2010. Tháng 6/2006, Trung tâm phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai một số dự án đào tạo nghề thêu ren ở Hải Trường (Hải Lăng), Cam Chính (Cam Lộ)...; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Tỉnh thực hiện dự án nhóm tương hỗ sản xuất chế biến thực phẩm do tổ chức UNIDO tài trợ.
Năm 2007, với kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia là 482 triệu đồng, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân Tỉnh thực hiện chương trình phát triển CN - TTCN ở khu vực nông thôn, tiến hành hỗ trợ từ 2 - 3 đề án, chủ yếu là trong lĩnh vực chế biến thức ăn ngành thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô nhóm hộ; phối hợp với Tỉnh Đoàn lựa chọn 1 - 2 đề án đào tạo nghề thêu ren, nghề cơ khí; phối hợp lồng ghép đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, tìm kiếm các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, hoạt động sản xuất trong lĩnh vực CN - TTCN để đề xuất giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển CN - TTCN bằng nhiều hình thức khác nhau; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tiếp tục thực hiện các dự án nhóm tương hỗ cho phụ nữ phát triển sản xuất chế biến thực phẩm trong khuôn khổ dự án do UNIDO tài trợ. Trung tâm tích cực huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, tổ chức, đơn vị kinh doanh trong và ngoài nước, đồng thời, kiến nghị UBND Tỉnh, Bộ Công nghiệp, Cục Công nghiệp địa phương quan tâm, bố trí nguồn kinh phí khuyến công hàng năm nhằm nâng cao năng lực thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tổ chức nhiều đợt tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh bạn, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thị trường tiêu thụ; tăng cường kiểm tra, giám sát khả năng thực hiện của các đơn vị được hưởng lợi từ nguồn kinh phí khuyến công; nâng cao trình độ quản lý, đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ làm công tác khuyến công, phấn đấu trở thành một địa chỉ tin cậy đối với hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Trị.