Thị trường thép thế giới

* Cung cầu: Theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2004 sẽ là năm sản lượng thép thô vượt 1,02 tỷ tấn (Sản lượng thép thô 2 năm cao nhất gần đây là 962 và 902 triệu tấn.). Tuy nhiên, theo ông Ameling -

Sau một thời gian dài xuất khẩu phôi thép, từ năm 2002, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu phôi thép với số lượng lớn. Do tập trung đầu tư xây dựng các công trình phục vụ Olympic 2008, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng của Trung Quốc tăng vọt.
Năm 2003, nhu cầu thép của Trung Quốc lên tới 232 triệu tấn, tăng gần 30 triệu tấn so với năm 2002, nhưng khả năng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng hơn 150 triệu tấn. Năm 2003, Trung Quốc nhập 9,65 triệu tấn thép cán nguội (CR), tăng 37,59% so năm 2002.
Nguồn nhập khẩu CR của nước này chủ yếu từ Đài Loan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ucraina và Kazắcstan. Giá nhập khẩu thép lá cán nguội đầu năm 2003 là 397 USD/tấn, đến tháng 6, 7 tăng lên 448 USD/tấn, sau đó giảm dần và phục hồi lại còn 452 USD/tấn vào tháng 12/2003.
Trong khi đó, những quốc gia cung cấp phôi thép và các nguyên liệu thép chủ lực lại thực hiện chính sách siết chặt đầu ra. Vào cuối năm 2003, Nga - “mỏ thép” lớn nhất của thế giới - bắt đầu nâng mức thuế xuất khẩu phôi thép lên khoảng 30 USD/tấn so với mức dưới 10 USD/tấn như trước đây. Không chỉ tăng thuế xuất khẩu, sản lượng thép xuất khẩu từ Nga cũng giảm mạnh, một phần do nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi, nhu cầu thép cho xây dựng trong nước tăng, nhưng chủ yếu là do hàng loạt nhà máy sản xuất thép tại Nga đã phải đóng cửa vào những năm 1998-1999, khi giá phôi thép trên thị trường rớt xuống mức 160 USD/tấn.
Không chỉ Nga, một số quốc gia khác như Mỹ, úc... cũng siết chặt đầu ra đối với các loại nguyên liệu thép. “Nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến biến động trên thị trường thép thế giới. Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu phôi thép với số lượng lớn, do đó, dự báo giá phôi thép trên thị trường sẽ còn tiếp tục tăng...”, một chuyên gia ngành thép nhận định.
* Giá cả:
- Thép phế trên thị trường thế giới vẫn vững giá
.
Giá thép phế thế giới vẫn đứng ở mức cao, với giá thép phế loại 1 (HMS1) vào Hàn Quốc là 333.50 USD/tấn (CFR). Giá HMS1 FOB cảng Rotterdam hiện là 250-260 USD/tấn, cước vận chuyển từ cảng Rotterdam đến khu vực Đông á khoảng 90 USD/tấn. Một thương nhân tại Mỹ cho biết, vừa có một giao dịch lớn thép phế vụn được chuyển từ Mỹ vào Nhật Bản với giá 345 USD/tấn CFR, cước phí vận chuyển có thể lên đến 120 USD/tấn. Thép phế nấu chảy xuất từ cảng phía Đông nước Mỹ được chào hàng với giá FOB 240-250 USD/tấn. Nguồn cung thép phế vụn ngày càng khan hiếm hơn và giá tăng khoảng 20 USD/tấn (tháng 2/2004)
Tuy nhiên, hiện có nhiều quan điểm khác nhau về khả năng, liệu giá thép phế có tiếp tục tăng nữa không.
Một thương nhân tại Đông á cho biết, hầu hết các nhà máy lớn tại khu vực Đông á đều chấp nhận mua thép phế với giá 333 USD/tấn. Nhưng với giá giao dịch gang của Brazil hiện là 360 USD/tấn CFR, thì giá thép phế có thể vẫn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, một thương nhân tại Mỹ lại cho rằng, giá thép phế sẽ chững lại do một số các nhà máy ở châu á đã bắt đầu phản ứng gay gắt về giá thép phế cao hiện nay. Tuy nhiên, theo dự báo, giá này vẫn giữ ở mức cao vì tất cả nguồn nguyên liệu vẫn thiếu hụt so với nhu cầu.
Các nhà máy thép tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng gay gắt đề xuất của Hiệp hội Thép Mỹ về việc hạn chế lượng thép phế xuất khẩu với lý do nguồn cung trong nước đã cạn kiệt trước nhu cầu bùng nổ từ khu vực Đông á. Nếu việc cắt giảm này được thực hiện thì nó sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thép phế tại châu Âu vì khi đó, các khách hàng tại Đông á sẽ phải chuyển hướng tìm kiếm nguồn hàng tại châu Âu. Theo nguồn tin từ một nhà máy thép của Anh, nguồn cung tại châu Âu sẽ không thể đáp ứng bất kỳ sự gia tăng nhu cầu nào và điều này nếu xảy ra sẽ là cơn ác mộng và sẽ tác động mạnh đến giá thép phế trên thị trường.
Ông Veniamin Kramer, Hiệp hội Thép phế Ucraina cho biết: Chính phủ Ucraina vừa ngừng việc xuất khẩu thép phế bằng cách yêu cầu tái cấp lại giấy phép xuất khẩu thép phế và dự kiến việc này sẽ kéo dài từ 2 đến 3 tuần.
Tuy nhiên, một thương nhân cho biết, việc này có thể kéo dài hơn một tháng và đây là một biện pháp mà Chính phủ Ucraina thực hiện, nhằm hạn chế lượng thép phế xuất khẩu để dành cho các nhà sản xuất thép trong nước. Chính phủ Ucraina không thể áp dụng các biện pháp đánh thuế và cấm vận vì sẽ gặp phải sự trừng phạt của EU.
Khoảg 85.000 -100.000 tấn thép phế sẽ bị trì hoãn vì quyết định này và do vậy, sự quay trở lại thị trường của các khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ sau kỳ nghỉ lễ hành hương của người Hồi giáo, sẽ làm cho tình hình thị trường càng thêm nóng bỏng và giá thép phế sẽ còn tiếp tục tăng.
- EU có thể cấm xuất khẩu thép phế.
Các nhà máy thép Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ phản đối bất kỳ hành động áp đặt nào của Mỹ hạn chế lượng thép phế xuất khẩu khi mà thị trường này đang rất nóng bỏng.
Hiệp hội các nhà sản xuất thép Châu Âu Eurofer cho biết, họ đã thông báo lên Uỷ ban Châu Âu nhằm kiểm soát tình hình này. Ông Moffat, giám đốc Eurofer cho biết, ông nghi ngờ, liệu Mỹ có thật sự thiếu hụt thép phế hay không. Cũng theo Eurofer, mỗi năm Mỹ xuất khẩu khoảng 10-12 triệu tấn thép phế và một nửa trong số đó được xuất sang thị trường Đông á.
Giá thép phế thế giới đã tăng mạnh trong 2 tháng qua, hiện thép phế HMS1 của Mỹ khoảng 230 USD/tấn. Giá HMS1 và thép phế cắt giá FOB tại cảng Rotterdam đã lên đến 200 USD/tấn.
Theo nguồn tin từ Brussel, các nhà sản xuất thép EU có thể sẽ đưa ra đề nghị đối với Uỷ ban Châu Âu sớm đưa ra lệnh cấm xuất khẩu thép phế, đặc biệt nếu các nhà tiêu dùng thép phế Mỹ đưa ra yêu cầu tương tự đối với Chính quyền Washington.
Ông Pasini, Chủ tịch nghiệp đoàn thép ý Federacciai cho biết, ý dự định sẽ đưa ra đề xuất như vậy lên EU. Lệnh cấm trên có thể ảnh hưởng tới khoảng 5-6 triệu tấn/năm thép phế của EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Đại diện các nhà sản xuất thép châu Âu cho biết, thậm chí nếu Mỹ có quyết định không hạn chế xuất khẩu thép phế thì họ cũng không từ bỏ việc yêu cầu Uỷ ban Châu Âu ra quyết định cấm xuất khẩu thép phế. Việc này sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi và EU sẽ phải thông qua giải pháp này.
Giá giao dịch thép phế tại thị trường EU khoảng 180-200 Euro/tấn (231-257 USD/tấn) trong khi giá nhập khẩu vào thị trường Châu á đã tăng đến 340 USD/tấn C&F.
Khả năng châu Âu có thể ngừng cung cấp thép phế sẽ làm giá tiếp tục tăng lên trên thị trường này.
(Kỳ sau xem tiếp)
- Giá sản phẩm thép tăng mạnh
+ Châu á:
Nhu cầu tăng mạnh từ trung Quốc cùng với giá nguyên liệu đầu vào cao đã đẩy giá sản phẩm thép dẹt tăng từng ngày tại thị trường Đông Nam á. Các thương nhân đã lường trước giá sẽ tăng thêm 30-50 USD/tấn sau 3 ngày nghỉ Tết từ 22 đến 24/1 tại các thị trường thép lớn trong khu vực: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.
Các nhà máy thép tại Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thông báo, việc tăng giá thép khi thị trường mở cửa trở lại vào 26/1/2004. Theo một thương nhân Hàn Quốc, giá thép đã lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Giá giao dịch thép cán nóng (HRC) trong tuần ở mức 450 USD/tấn C&F cảng Trung Quốc, CRC 520-530 USD/tấn cho các đơn hàng giao tháng 3, trong khi, giá các lô hàng giao tháng 1 chỉ khoảng 390-400 USD/tấn đối với HRC và 480-485 USD/tấn đối với CR.
Giá chào thép tấm 480 USD/tấn C&F Viễn Đông, đã tăng thêm 50 USD/tấn so với trước kỳ nghỉ Tết do nhu cầu tăng mạnh, đặc biệt trong ngành Đóng tàu.
Nguyên nhân khiến giá tăng mạnh là do nhu cầu cao từ Trung Quốc trong khi nguồn cung ứng nguyên liệu thô như quặng sắt, thép phế, coke, than ngày càng khan hiếm, cộng thêm cước phí vận chuyển tăng.
 Giá các sản phẩm thép dẹt tiếp tục tăng tại thị trường Đông á, mặc dù phần lớn các khách hàng Trung Quốc hiện đang tạm ngừng giao dịch để nghe ngóng thị trường. Nguyên nhân của sự tăng giá này là do sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhu cầu trong khu vực tăng cao, đặc biệt tại Việt Nam và ấn Độ.
Trong khi đó, các nhà máy thép Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu nguyên liệu thép ra thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, một thương nhân tại Thượng Hải cho biết, giá thị trường bên ngoài Trung Quốc mặc dù rất hấp dẫn, nhưng chi phí vận chuyển hiện lại quá cao, nên việc xuất khẩu có thể không đem lại hiệu quả.
Hiện giá thép lá cán nguội của Nhật và Nga xuất vào thị trường Trung Quốc ở mức 480-500 USD/tấn C&F trong quý I/2004, và dự đoán, giá có thể lên 530-550 USD/tấn C&F vào quý II/2004.
Tại thị trường Châu á, giá HRC được bán với giá 515 USD/tấn (C&F hàng từ Brazil) và giá giao dịch hiện tại giao động từ 510-540 USD/tấn C&F và nguồn hàng cũng rất hạn chế. (giá tháng 2/2004).
Đài Loan vẫn là thị trường thép phôi dẹt lớn nhất khu vực Châu á và giá bán mới nhất tại đây là 460 USD/tấn C&F.
Theo Hiệp hội Sắt Thép Nhật Bản (JFE) cho biết, họ đã tăng giá các sản phẩm thép dẹt xuất khẩu do nhu cầu tăng mạnh trong khu vực, chi phí nguyên liệu thô tăng và sự thiếu hụt nguồn hàng tại thị trường Châu á.  Mức giá tăng này sẽ áp dụng cho các đơn hàng giao từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2004 và giá đối với HRC là 450 USD/tấn; CRC 550 USD/tấn và thép mạ 650 USD/tấn.
Theo một quan chức của JFE, thì do nhu cầu thép dẹt tăng mạnh từ thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, khiến họ tin rằng việc đàm phán tăng giá sẽ thành công.
Các thương nhân tin rằng, JFE có thể đẩy giá thép dẹt lên như vậy đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng với các thị trường khác thì không chắc chắn.
Một thương nhân cho biết: “trong quý I/2004, giá FOB cho thị trường Trung Quốc đối với HRC đứng ở mức 400 USD/tấn và hi vọng, giá sẽ tăng thêm ít nhất 20-30 USD/tấn vào quý II, đặc biệt khi nguồn cung ứng từ Nhật Bản đã gần như hết. Tình hình cũng sẽ tương tự đối với CRC và thép mạ.”
Các nhà máy ấn Độ vừa ra thông báo, tăng giá HRC thêm 1.400-1.600 Rs/tấn (31-35 USD/tấn) áp dụng từ 2/1 /2004 do sự leo thang giá chi phí nguyên liệu đầu vào và xu hướng giá thế giới tiếp tục tăng. Chi phí sản xuất đã tăng bình quân 14% chỉ trong 2 tháng vừa qua.
Sự tăng giá mấy tháng vừa qua đã đẩy giá HRC tại thị trường Bombay lên 22.000 Rupi/tấn. Trong suốt quý IV/2003, các Cty thép đã phải trì hoãn việc tăng giá do áp lực từ Chính phủ và các ngành công nghiệp.
Nhưng hiện nay, các công ty này cho rằng, bất kỳ một sự trì hoãn nào đối với giá cả sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của họ, do sự tăng giá liên tục nguyên liệu thô như quặng sắt, than coke, gang đúc và cước vận chuyển. Từ tháng 11 đến tháng 12/2003, giá than coke đã tăng 23% từ 1.150 Rs/tấn lên 1.350 Rs/tấn; giá thép phế tăng 14% từ 1.100 Rs/tấn lên 1.250 Rs/tấn và sắt xốp tăng 16% từ 9.500 Rs/tấn lên 11.000 Rs/tấn. Trong khi đó giá quặng sắt tăng gấp đôi trong năm 2003, giá cước vận chuyển đã tăng 150%.
Tuy vậy, sự tăng giá thép ở ấn Độ vẫn còn thấp so với mức tăng giá 10-12% tại Mỹ và Châu Âu trong những tháng qua.

- Châu Âu:
Giá chào hàng của các nhà máy sản xuất thép tại các nước thuộc cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tăng 10 USD/tấn mỗi ngày khi các nhà sản xuất tiếp tục găm hàng tới tuần sau trước khi có giá chào hàng mới cho các lô sản xuất tháng 3.
Ngày 10/2, Tập đoàn Magnitogorsk đã từ chối đơn đặt hàng HRC của một khách hàng với giá FOB 470 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với tuần trước. Khách hàng này cho biết, giá hôm nay có thể lên 480 USD/tấn và rất sẵn sàng mua với mức giá này.
Ngày 9/2, Tập đoàn Novolipetsk đưa ra giá chào CRC là 555 USD/tấn giá FOB, hàng thép phôi dẹt 433 USD/tấn ngày 11/2 và cho biết sẽ tăng giá lên 450 USD/tấn FOB cho các giao dịch mới.
Một thương nhân tại London cho biết, các khách hàng Mỹ đã trả giá CR ở mức 595 USD/tấn giá CFR.
Giá HRC của Ucraina đang chào hàng ở mức 450 USD/tấn FOB, tuy nhiên còn nhiều lô hàng sản xuất trong tháng 3 chưa được giao dịch.
Thép mạ tại các nước thuộc Công đồng các quốc gia độc lập (CIS) cũng tăng giá lên tới 630 USD/tấn FOB Biển Đen.
Giá phôi thép đã vượt mức 400 USD/tấn FOB, phôi thép của Nga vào thị trường Trung Quốc có giá 445-450 USD/tấn CFR. Giá thép cuộn của Nga cũng lên 470/480 USD/tấn CFR.
Các lô hàng HRC sản xuất trong tháng 3 của các nhà máy ở Nga và Ucraina đều đã được đặt hàng với mức giá cao.
Giá xuất khẩu HRC của ba nhà sản xuất lớn của Nga là Severstal, Magnitogorsk và Novolipetsk đã lên đến 460-500 USD/tấn FOB. Các nhà sản xuất HCR của Ucraina cũng sẽ tăng giá lên 390-460 USD/tấn FOB, tăng 70 USD/tấn so với giá bán các lô hàng sản xuất trong tháng 2. Một số lô hàng xuất sang EU đang được chuyển đổi từ đồng đôla sang đồng Euro.
Các thương nhân cho biết, thị trường thép cán CR trong tuần này tương đối trầm lắng, có thể do ảnh hưởng thuế chống phá giá của Trung Quốc đánh vào CR của các nước CIS. Giá chào hàng CR của các nhà máy ở mức 520-550 USD/tấn FOB.
Phôi thép tuần trước đã lên đến 400 USD/tấn, tuy nhiên hiện nay giá phôi thép đang chững lại ở mức 385-390 USD/tấn, mặc dù nguồn nguyên liệu vẫn đang rất khan hiếm.
Một thương nhân tại Thuỵ Sĩ cho biết, hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá sẽ xuống; nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng. Việt Nam và Inđonêxia đang có nhu cầu mua hàng
 + Mỹ:
Các tập đoàn Nucor, Charlotte, N.C đã công bố kế hoạch nâng giá thêm 40 USD/tấn vào tháng 3 tới và đã kéo theo sự hưởng ứng của hầu hết các nhà sản xuất thép tấm Bắc Mỹ, trong đó có Citisteel USA Inc., Claymont, Del., và Ipsco Inc., Lisle, Ill. Trong khi đó, Corus Tuscaloosa Inc., Tuscaloosa, Ala., tuần trước đã công bố tăng thêm 30 USD/tấn đối với các lô hàng giao trong tháng 2, cho biết họ sẽ tính thêm 20 USD/tấn nguyên liệu đối với các lô hàng giao trong tháng 1 này.
 
Các công ty kể trên chiếm khoảng 70% lượng đặt hàng thép tấm trên thị trường Mỹ. Hiện vẫn chưa có thông báo gì từ tập đoàn International Steel Group Inc. (ISG), Cleveland - một nhà sản xuất thép tấm lớn khác – tuy nhiên rất có thể ISG cũng sẽ áp dụng mức tăng giá tương tự khi họ nhận đơn đặt hàng cho tháng 4.
 
Theo các nhà sản xuất thép tấm khác, thì đây là thời điểm thích hợp để tăng giá bán do áp lực từ thị trường và giá nguyên liệu tăng cao.
 
Ông J. Campo, Phó TGĐ phụ trách Marketing của Tập đoàn Corus Tuscaloosa cho biết “giá thép tấm đã tăng mạnh trong vòng khoảng 4-6 tuần trở lại đây. Nhu cầu từ phía các nhóm khách hàng - các hãng đóng tàu, các nhà máy sản xuất toa xe, các công ty sản xuất thiết bị công nghiệp - đều tăng mạnh”.
 
Giá bán thép tấm loại A36 giao tháng 1 đang đứng ở mức 380 USD/tấn chưa kể các phụ phí. Trong khi đó, giá giao tháng 2 là khoảng 400 USD và giao tháng 3 là 420 USD
 
Theo ông Campo và ông Joseph Rutkowski, phó TGĐ phụ trách kinh doanh của Nucor giải thích, việc tăng giá thép  này là do các khách hàng đang tăng lượng hàng tồn kho, dẫn đến tình trạng giảm cung và tăng cầu trong năm 2004.
 
Ông Rutkowski cho biết, thị trường thép đang sôi động trở lại do tác động tích cực của nền kinh tế Mỹ. Các công ty sản xuất thiết bị công nghiệp nặng đều đang mở rộng kinh doanh, và đó là tin tốt lành cho thị trường thép tấm. Các sản phẩm mà các công ty này mua hầu hết được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm tới. 
 
Việc Mỹ bỏ thuế nhập khẩu thép vừa qua đã dẫn đến nhu cầu thép ở nước này lên cao, tạo ra sự thiếu hụt trên thị trường thế giới và khiến một số hãng phôi thép lớn của Nga và Ucraina liên kết tăng giá bán. Vì vậy, các công ty thép ở Mỹ đã đồng loạt tăng giá thép bán ra để tránh lỗ do nhập phôi thép với giá quá cao.

(Còn nữa)

  • Tags: