Ngành Công nghiệp có địa bàn hoạt động rộng khắp cả nước. Để phòng chống HIV/AIDS cho CBCNV trong ngành, Bộ Công nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo, phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm do một thứ trưởng làm Trưởng ban. Vừa qua, Ban đã tiến hành tổng kết tình hình lây nhiễm HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội trong ngành Công nghiệp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong CBCNV nhằm làm cho mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh, từ đó giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người có HIV/AIDS.
Đa số những người nhiễm HIV/AIDS (95%/98%) đều đang ở độ tuổi từ 15 đến 49. Đây là độ tuổi có đời sống tình dục mạnh và cũng là lực lượng lao động chính trong mỗi gia đình.
Xuất phát từ đặc điểm tình hình nhiễm HIV/AIDS của Việt Nam, thực hiện Quyết định số 150/2000/QĐ - TTg ngày 28/12/2000 về việc Phê duyệt chương trình hành động Phòng, chống ma tuý giai đoạn 2001- 2005 và Chỉ thị số 02/2003/CT-TTg ngày 24/2/2003 về tăng cường công tác Phòng, chống HIV/AIDS của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/8/2001, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã có Quyết định số 1852/QĐ-TTCB thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống HIV/AIDS và Phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm với sự tham gia của các Vụ chức năng, các phó tổng giám đốc các tcty nhà nước trực thuộc Bộ, với các nhiệm vụ chính là:
- Vận động tuyên truyền giáo dục CBCNV trong ngành nghiêm chỉnh thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút HIV/AIDS gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người.
- Căn cứ vào Chương trình hành động của Chính phủ, hướng dẫn của Uỷ ban Quốc gia, xây dựng chương trình hành động Phòng chống HIV/AIDS, Phòng chống các tệ nạn ma tuý, mại dâm và chỉ đạo hướng dẫn thực hiện trong toàn ngành.
Ngày 27/5/2003, Bộ Công nghiệp đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống các tệ nạn ma tuý, mại dâm; trong đó yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục củng cố ban Phòng, chống HIV/AIDS, xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức tuyên truyền rộng khắp trong CBCNV trong Bộ về luật Phòng, chống ma tuý.
Tháng 7/2003, Bộ Công nghiệp xuất bản cuốn sách “Một số văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn triển khai Phòng chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma tuý trong các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp”, đồng thời, giao cho Trung tâm Y tế Môi trường lao động Bộ Công nghiệp chủ trì đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở một số ngành nghề thuộc Bộ Công nghiệp”.
Hiện nay, số người nghiện hút, nhiễm HIV/AIDS trong Bộ Công nghiệp có nhưng không nhiều, tập trung chủ yếu ở vùng than Quảng Ninh, Công nhân xây lắp điện, đường dây 500KV dọc biên giới Lào, Trung Quốc và Campuchia. Tuy nhiên, nhận thức được mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của tệ nạn này, Bộ Công nghiệp đã tăng cường chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về HIV/AIDS cho tất cả CBCNV thông qua việc tổ chức những cuộc nói chuyện, tư vấn về phòng tránh HIV/AIDS trong giờ làm việc. Từ đó, những người lao động có kiến thức cần thiết để tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho bạn bè đồng nghiệp và người thân trong gia đình. Ngoài ra, CBCNV cũng được cung cấp bao cao su (theo hình thức bán tự giác) một cách thuận tiện và thường xuyên. Quan trọng không kém là xây dựng ý thức tự giác cho mỗi CBCNV trong đơn vị để thực thi nghiêm túc nghĩa vụ giúp đỡ những người bị nhiễm HIV/AIDS.
Trong ngành Công nghiệp, hầu hết CBCNV đều nhận thức rõ thực trạng, nguyên nhân và hậu quả liên quan đến HIV/AIDS. Từ đó, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với những CBCNV bị nhiễm HIV/AIDS đã không còn căng thẳng và nặng nề như trước. Không những thế, Bộ Công nghiệp còn chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là: Những người xin vào làm việc cũng như CBCN đang làm việc không phải xét nghiệm HIV/AIDS, trừ một số ngành nghề theo quy định của Nhà nước. Trong các trường hợp người lao động tự nguyện xét nghiệm hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu thì đơn vị sẽ hỗ trợ kinh phí
Hai là: Tuyệt đối giữ bí mật về kết quả xét nghiệm HIV. Chỉ những người có trách nhiệm theo quy định mới được biết về kết quả, tình trạng HIV dương tính, tình trạng nhiễm HIV/AIDS của lao động và có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin này. Ai làm lộ thông tin thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ba là: Phương hướng chỉ đạo về công tác thông tin tuyên truyền nhằm giảm thiểu sự kỳ thị và phân biệt đối xử, tẩy chay người lao động nhiễm HIV cần tập trung vào những vấn đề sau:
- Tổ chức giáo dục cho mọi người trong đơn vị, cảm thông với người nhiễm HIV theo tinh thần “sống chung với AIDS” bên cạnh việc giới thiệu đường lây, đường không lây và cách phòng tránh lây nhiễm HIV. Nếu tình trạng phân biệt đối xử xảy ra trong đơn vị, lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể, y tế của đơn vị sẽ tìm cách gặp gỡ động viên, giúp đỡ người bị nhiễm HIV và những người lao động cùng làm việc để giáo dục, không nên phân biệt đối xử. Ai cố tình sẽ bị kỷ luật.
- Về quyền lợi của người lao động mắc HIV/AIDS: Cần phải được đối xử bình đẳng và tôn trọng như những người bình thường, vẫn được tiếp tục làm việc mà không bị tách khỏi cộng đồng nếu sức khoẻ đáp ứng được yêu cầu công việc mà không có nguy cơ lây nhiễm. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ, đảm bảo chế độ nghỉ ốm cho người bị nhiễm HIV/AIDS theo quy định và hỗ trợ phần kinh phí khám chữa bệnh thông thường, dịch vụ tư vấn cho người bị nhiễm HIV/AIDS.
- Về trách nhiệm của người bị nhiễm HIV/AIDS: Tham dự đầy đủ các buổi tuyên truyền và tư vấn. Thu nhận các thông tin về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS, không được có hành vi làm lây truyền cho người khác, thực hiện các biện pháp phòng tránh lây truyền, không được cho máu, cho tinh dịch, cho mô, cơ quan hoặc một bộ phận nào ở cơ thể mình.
Bộ Công nghiệp cũng quyết tâm: Không để dịch HIV/AIDS lan tràn vào các đơn vị trong ngành. Vì vậy, các thông tin, tuyên truyền về nhận thức thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và giảm thiểu sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đối với người bị HIV/AIDS là công tác đặc biệt quan trọng và đang được tiến hành thường xuyên tại các đơn vị.
Phòng, chống nhiễm HIV/AIDS là một nhiệm vụ y tế lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Vấn đề huy động cộng đồng và các doanh nghiệp tham gia phòng, chống AIDS được xem như là một giải pháp quan trọng. Bộ Công nghiệp đã, đang và sẽ làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Riêng vấn đề giảm thiểu sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS sẽ là một trong những việc làm cần thiết cũng sẽ được triển khai ngay trong thời gian tới.
Ngành Công nghiệp chung sức cùng cộng đồng phòng chống hiv/aids
TCCT
Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, số người nhiễm HIV ngày một tăng: Năm 1990 – 1991, mỗi năm chỉ có một người nhiễm thì đến 30/8/2004 đã có 84.484 trường hợp bị nhiễm HIV