Đôi điều bàn về Văn hóa công ty

Văn hoá công ty hay còn gọi là văn hoá doanh nghiệp hiện đang là vấn đề được đông đảo doanh nghiệp quan tâm, vì sự tác động thường xuyên của nó tới hoạt động kinh doanh của đơn vị. Trong bài viết này,

1. Quan niệm về văn hóa công ty.

Mỗi xã hội đều có nền văn hoá của nó, và một công ty cũng có văn hoá của công ty. Con người bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá trong đó họ sống. Mỗi người sinh ra và lớn lên trong một gia đình, sẽ được giáo dục về những điểm cơ bản của nền tảng đạo đức như các giá trị, niềm tin, và những hành vi cư xử, những mong muốn khát khao vươn tới Chân, Thiện, Mỹ. Khi con người tham gia vào một công ty, họ mang theo những giá trị và niềm tin mà họ đã được học. Tuy nhiên, như một lẽ thường tình, những giá trị và niềm tin đó chưa đủ để giúp các cá nhân thành công trong một công ty. Con người cần phải học cách thức giải quyết các vấn đề cụ thể của công ty đó. ở các công ty trên thế giới ngày nay, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với họ là làm cho người lao động hiểu biết những mục tiêu của công ty, các giá trị, niềm tin, cũng như những mong đợi trong công ty.

Edgar Schein - một nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất về văn hoá công ty đã định nghĩa: Văn hoá công ty là một dạng của những giả định cơ bản, được sáng tạo, khám phá hoặc được phát triển bởi các nhóm, khi họ học về cách thức giải quyết những vấn đề thích ứng với môi trường bên ngoài và hội nhập bên trong công ty. Những giả định cơ bản này đã vận hành tốt và được coi là giá trị, vì vậy, được hướng dẫn cho những thành viên mới như những cách thức đúng để nhận thức, suy nghĩ và hành động trong nội bộ công ty.

Trong khi đó, Joan Martin chú trọng vào những viễn cảnh khác nhau của văn hoá trong các công ty, đã định nghĩa như sau: “Khi một cá nhân liên hệ với một công ty, họ liên hệ với những chuẩn mực, những câu chuyện mà mọi người kể về những điều đang diễn ra, những thủ tục và nguyên tắc chính thức của công ty, những nghi lễ, nhiệm vụ, hệ thống trả công lao động, những biệt ngữ mà chỉ những người trong chính công ty đó mới hiểu rõ nhất. Những yếu tố này là nội dung cơ bản của văn hoá công ty”.

Mặc dù có những sự không thống nhất giữa các nhà nghiên cứu về khái niệm này, song phần lớn các định nghĩa đã nhận biết tầm quan trọng của những chuẩn mực và giá trị chung chỉ dẫn các hành vi của các cá nhân trong công ty. Những giá trị và chuẩn mực này không chỉ được dạy cho những người mới được tuyển dụng, và những người mới tuyển dụng này cũng phải cố gắng học hỏi và hoà nhập với văn hoá công ty của họ.

Văn hoá công ty ở Việt Nam hiện nay còn là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, còn đang được đưa ra thảo luận và xây dựng tiêu chí để thực hiện một cách có hiệu quả trong các doanh nghiệp.

Có một nhận thức sai lầm là từ trước đến nay, người ta thường  quan niệm các công ty có văn hoá giống nhau. Thực chất, tất cả các tổ chức đều có văn  hoá riêng của nó. Song, văn hóa của mỗi công ty gắn liền với văn hóa của xã hội trong đó công ty tồn tại. Theo quan niệm này, văn hoá công ty được chi phối bởi các thành viên của công ty. Tất cả thành viên của một công ty  phải chia sẻ và có chung nhận thức này. Tuy nhiên, mức độ chia sẻ là không giống nhau, và vì thế, có văn hoá chính thống và văn hoá nhóm trong các công ty.

Văn hoá chính thống là những giá trị cốt lõi được chia sẻ bởi đa số các thành viên trong công ty. Ví dụ, nhiều công ty trên thế giới hiện nay đã tạo ra được những giá trị cốt lõi, được chia sẻ giữa các thành viên trong công ty như: trung thành với công ty, có trách nhiệm với những nhu cầu của khách hàng, sáng tạo trong công việc, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm... Những giá trị này tạo ra văn hoá chính thống trong công ty, chỉ dẫn các hành vi hàng ngày của người lao động, tạo ra sự đồng tâm, nhất trí trong toàn công ty. Đó chính là yếu tố tạo nên sức mạnh và khả năng cạnh tranh của một doanh nghiệp.

Văn hoá nhóm trong công ty là những giá trị được chia sẻ bởi một số thành viên trong công ty. Văn hoá nhóm có thể làm yếu hoặc xói mòn văn hoá công ty, nếu nó mâu thuẫn văn hoá chính thống và các mục tiêu tổng thể của công ty. Tuy nhiên, các công ty thành công đã chỉ ra rằng, không phải bao giờ cũng vậy, mà phần lớn các văn hoá nhóm được hình thành để giúp các thành viên của một nhóm cụ thể trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể hàng ngày họ phải đối mặt.

Có thể nói, văn hoá công ty là hệ thống phức tạp, những tiêu chuẩn giá trị, niềm tin, biểu tượng và những nhận định của mọi người trong công ty - là những yếu tố mang tính đặc trưng của công ty. Thực chất, văn hoá công ty được thể hiện qua những quan điểm, thái độ và những hành vi ứng xử; trong mối quan hệ giữa công ty với môi trường bên ngoài; trong mối quan hệ giữa con người với công việc và trong mối quan hệ giữa con người với con người trong công ty. Chính văn hoá công ty sẽ hình thành nên đặc trưng và bản sắc riêng của từng công ty.

2. Tác động của văn hoá công ty tới doanh nghiệp.

Văn hoá công ty có tác động nhiều mặt tới hoạt động của doanh nghiệp, như là một động lực thúc đẩy cho việc hoạch định và thực hiện mọi hoạt động của công ty, nhưng cũng có thể là yếu tố gây cản trở các hoạt động đó. Các công ty có văn hoá lành mạnh, tích cực, sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn so với các công ty khác.

Nếu nhìn từ góc độ quản trị doanh nghiệp, thì sự thành công thường phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của khía cạnh văn hoá đối với hoạt động của công ty. Nếu các hoạt động của công ty được hỗ trợ bằng những “sản phẩm” văn hoá như: giá trị, niềm tin, lễ nghi, thủ tục, biểu tượng, ngôn ngữ của các nhà quản trị... thì doanh nghiệp có thể tạo ra sự đồng tâm, nhất trí hay có thể huy động được tối đa sự sáng tạo và tâm huyết của mọi thành viên trong công ty, có thể thực hiện được những thay đổi một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, văn hoá công ty có thể trở nên đối nghịch với các ý tưởng mới, chiến lược mới và có khi lại dẫn đến sự lẫn lộn và mất phương hướng hoạt động của công ty. Vì thế, đối với các công ty, điều hết sức quan trọng với các nhà quản trị là, làm sao xây dựng được một văn hoá lành mạnh, một nền nếp tốt, khuyến khích nhân viên tiếp thu được các chuẩn mực đạo đức và có thái độ hưởng ứng, hành động tích cực, nhằm đạt được các mục đích của công ty. Sự thành công hay thất bại của mỗi công ty còn phụ thuộc vào tính sắc sảo trong quản trị và khả năng thay đổi văn hoá hiện tại của công ty đúng lúc, đồng bộ và phù hợp với sự biến động của môi trường kinh doanh.

3. Đôi điều suy nghĩ về xây dựng văn hoá công ty trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

ở nước ta, một tổ chức kinh tế, dù hình thành dưới dạng nào cũng được coi là một chủ thể xã hội, là một xã hội thu nhỏ. Xã hội đó có các thành phần xã hội, ở các lứa tuổi, khả năng nghề nghiệp và năng lực khác nhau, xuất xứ xã hội khác nhau, hoàn cảnh và mức sống khác nhau. Nếu một tổ chức kinh tế không quan tâm đến đặc điểm xã hội trong doanh nghiệp của mình, để xây dựng những cơ chế và chính sách thích hợp, thì sẽ không bao giờ tạo ra được sự ổn định về mặt xã hội trong công ty. Như vậy, công ty đó sẽ không huy động được tối đa sức lực, trí tuệ và tâm huyết của người lao động, để tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, đồng thời sẽ khó vượt qua được những khó khăn và thất bại có thể xảy ra. Do đó, khó tạo ra uy tín và sự tồn tại, phát triển lâu dài, bền vững cho doanh nghiệp.

Vì thế, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc xây dựng văn hoá công ty còn là việc làm cần thiết, đang được các doanh nghiệp chú trọng thực hiện. Doanh nghiệp có thể đưa ra những chính sách nhất quán đối với người lao động, được ghi nhận như là một quy chế, được cam kết trong thoả ước lao động. Chẳng hạn, công ty đặt ra chế độ thường xuyên hàng năm có thưởng đối với các cháu học sinh là con em người lao động đạt kết quả học tập giỏi và tiên tiến sau mỗi niên khoá. Như vậy sẽ khuyến khích các em học tập tốt, đồng thời cũng giúp bố mẹ an tâm làm việc đạt năng suất cao; ¦u tiên tuyển dụng lao động đối với con em của những người lao động giỏi; xây dựng các quỹ bảo trợ người lao động nghèo, quỹ bảo trợ và khuyến khích tài năng.... Đó là những biện pháp rất hữu hiệu, như là một động lực, một chất keo gắn bó suốt đời giữa người lao động với doanh nghiệp, để xây dựng một công ty hoàn thiện, từ đó sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự thành đạt của công ty trong kinh doanh, nhất là trong cơ chế thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

  • Tags: