Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) được ra đời từ 1993, gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ giữa năm 2003 vừa qua, có thêm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Long An được Thủ tướng Chính phủ cho gia nhập. Tổng diện tích hiện nay khoảng 28.000 km2, chiếm 8,6% tổng diện tích quốc gia và 6% dân số các nước.
Các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đều thừa nhận, đây là khu vực kinh tế phát triển nhất và hiệu quả nhất trong cả nước. Đến nay, Vùng đã thu hút trên 40% tổng vốn đầu tư trong nước; 60% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài; tỷ lệ đầu tư trên GDP chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước… Trong nhiều năm qua, VKTTĐPN luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4 - 1,6 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chung cả nước. Với sự phát triển năng động và đa dạng, VKTTĐPN đã và đang thực sự đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực các tỉnh phía Nam nói riêng, và kinh tế cả nước nói chung.
Một nghiên cứu do Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thực hiện vào giữa năm 2003 cho biết, VKTTĐPN đã đóng góp hơn 30% GDP; 58% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cơ cấu kinh tế của Vùng trong 10 năm qua đã chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng khu vực II (công nghiệp, xây dựng); giảm mạnh tỷ trọng khu vực I (nông lâm, ngư nghiệp) và giảm dần tỷ trọng khu vực III (dịch vụ) trong cơ cấu GDP.
Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 14/1998/QĐ-TTg ngày 23/2/1998 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển VKTTĐPN đến năm 2010, nhấn mạnh mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phần đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn bình quân hàng năm từ 13,5% - 14,5%/năm, đi đầu trong một số lĩnh vực quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đề ra đã hầu như không đạt được. Đáng quan tâm hơn, trong Vùng đang phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, môi trường, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách, cơ chế quản lý phát triển VKTTĐ. Theo nhiều chuyên gia, sự phát triển của VKTTĐPN trong thời gian qua không đạt được mục tiêu quy hoạch do thiếu chính sách và cơ chế để khai thác, huy động tối đa mọi tiềm lực của VKTTĐPN.
TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để có sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ từng ngành kinh tế trên địa bàn, theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, phân bổ lại lực lượng sản xuất, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế như mục tiêu Chính phủ đã đề ra; nâng cao sức cạnh tranh cả vùng, đồng thời, tạo ra được các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đặc trưng của VKTTĐPN, tham gia vào quá trình cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Các chuyên gia đã chỉ rõ một số điểm yếu mà VKTTĐPN đang phải đối mặt, trong đó đáng chú ý là: Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm cả về lượng và chất, hiệu quả đầu tư chưa cao do đầu tư còn dàn trải, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, chưa tập trung mạnh cho ngành và sản phẩm mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh; chưa phát huy tốt lợi thế cạnh tranh của VKTTĐ; công nghệ, thiết bị trong công nghiệp còn lạc hậu; Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng chưa thực sự gắn với quy hoạch đã được phê duyệt, chưa có sự điều hoà, phối hợp đầu tư giữa trung ương và địa phương, chưa thể hiện đúng mục tiêu hàng đầu là đạt hiệu quả cao cho nền kinh tế. Tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm theo địa giới hành chính vẫn còn là phổ biến.
Nguyên nhân chủ quan của những tồn tại này cũng đã được xác định. Thứ nhất là hệ thống cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Vùng, nhất là những cơ chế chính sách có tính đột phá để khuyến khích mạnh mẽ các địa phương, các doanh nghiệp, người lao động phát huy tiềm năng, lợi thế của mình. Những chính sách về đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, xuất nhập khẩu, các cơ chế phân cấp, đầu tư, cơ chế phối hợp vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Tiếp theo là nguyên nhân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chưa tập trung và còn hạn chế. Về quy hoạch phát triển, đến nay, nhiều quy hoạch ngành và các lĩnh vực then chốt chưa được xây dựng xong hay chưa được phê duyệt (ví dụ Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh), một số quy hoạch đã phê duyệt lại không khớp với quy hoạch tổng thể, đến nay chưa được điều chỉnh…
Trong sự quản lý phát triển VKTTĐPN cũng tồn tại không ít vấn đề nổi cộm. Suốt thời gian qua, Vùng thiếu một cơ chế quản lý để điều phối sự phát triển, không bị ràng buộc và chia cắt theo địa giới hành chính. Chính vì vậy, nhiều quy hoạch chi tiết chưa tuân thủ quy trình để đảm bảo sự ăn khớp với quy hoạch chung của cả Vùng. Các kế hoạch phát triển kinh tế không bám sát và cũng không phản ánh được các nội dung quy hoạch đã được Nhà nước phê duyệt. Nguyên nhân của tình trạng này có thể có nhiều, nhưng trước hết - theo TS. Trần Du Lịch - là còn có nhiều vướng mắc trong quan điểm và tư tưởng về vai trò và bước đi của VKTTĐPN. Vẫn còn ảnh hưởng của chủ nghĩa bình quân, thiếu sự tập trung, nỗ lực từ trên xuống dưới và sự phối hợp giữa các địa phương trong Vùng. Các Nghị quyết và chủ trương để phát triển Vùng chậm được triển khai, gặp khó khăn do bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa phát huy được hết lợi thế của Vùng như một thể không gian kinh tế thống nhất. Những định hướng và mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể chưa được tập trung chỉ đạo thống nhất, thiếu sự phân công phối hợp và xử lý tổng hợp trên quy mô toàn Vùng. Mục tiêu và các định hướng phát triển của các tỉnh trong Vùng tương tự nhau, chưa thấy rõ sự phân công theo chức năng và lợi thế so sánh của từng tỉnh, từng vùng.
Nhiều nhà khoa học và chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, VKTTĐPN hiện đang là vùng dẫn đầu, nếu từ nay đến 2010 không tạo thành một mô hình cụ thể về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thì khó có thể đạt mục tiêu biến nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 Như thế có nghĩa là cần nhanh chóng khắc phục tập quán xơ cứng cũ, để tìm ra những cơ chế và chính sách mới, không chỉ cho VKTTĐPN mà còn cho các vùng kinh tế trọng điểm khác trong cả nước. Riêng đối với VKTTĐPN đang đòi hỏi trước tiên một hệ thống chính sách mở cửa và hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế khu vực và thế giới đang trong xu thế toàn cầu hoá. Điều này đã bộc lộ trong một số thành tựu kinh tế nổi bật về xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. PGS. TS Đặng Văn Phan, Trường Đại học Cửu Long, nguyên PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần nghiên cứu đề xuất hệ thống chính sách mở cửa và hội nhập cho phép vùng này tận dụng được thời cơ và đón nhận những thời cơ mới. Đặc biệt, cần dự báo và có biện pháp thích ứng với những chuyển động kinh tế tới đây, khi triển khai một loạt các thoả hiệp của ASEAN và AFTA, khi mở cửa hành lang kinh tế xuyên á và thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Mỹ.
Theo xu hướng đó, một số mục tiêu phát triển của Vùng cũng đang được làm rõ hơn với các chính sách hỗ trợ. Ví như, Vùng này phải nhanh chóng đạt được một số bước tiến kịp với khu vực ASEAN trong các lĩnh vực công nghệ mới, trong hệ thống cảng và sân bay quốc tế, và nhất là trong một số ngành dịch vụ hiện đại phục vụ thị trường tài chính viễn thông, du lịch. Một trọng điểm chính sách nữa cần nghiên cứu là hệ thống chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân và cụ thể hơn là với kinh tế tư bản tư nhân trong Vùng, quan hệ với các thành phần kinh tế khác nhau. Vì khác với các VKTTĐ phía Bắc hay miền Trung, tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân VKTTĐPN còn rất lớn. Đồng thời, rất cần nhanh chóng xây dựng cơ chế quản lý vùng với một hình thức hợp lý, một đầu mối thống nhất để quản lý và phối hợp phát triển vùng ở tất cả các địa phương./.