Luật thuế thu nhập cá nhân liệu có khả thi

Sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 4-5 triệu đồng/tháng (thay vì 1 triệu đồng/tháng ở dự thảo luật lần 7) được khá nhiều người đồn

Chiết trừ gia cảnh

Phần chiết trừ đối với người nộp thuế cũng là mức khởi điểm tính thuế, dự kiến là 4-5 triệu đồng, thu nhập trên mức này thì mới phải nộp thuế. Trong khi đó, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc được chia thành ba mức: 50% đối với mỗi người phụ thuộc bị tàn tật; 40% đối với mỗi người phụ thuộc dưới 18 tuổi; 30% đối với mỗi người phụ thuộc khác. Theo tính toán của ban soạn thảo, giả sử mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng, người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng phải nuôi hai người phụ thuộc dưới 18 tuổi thì thu nhập chịu thuế là 2,8 triệu đồng. Với biểu thuế như dự kiến, trường hợp này phải nộp 180.000 đồng/tháng.

Cũng theo cách tính này, trong trường hợp qui định mức khởi điểm chịu thuế là 5 triệu đồng/tháng, người có thu nhập 10 triệu đồng nêu trên chỉ phải nộp 50.000 đồng/tháng, trong khi với qui định hiện hành, số thuế phải nộp là 500.000 đồng. Tuy nhiên, dự thảo luật cũng sẽ giới hạn mức trừ cho những người phụ thuộc không quá 10 triệu đồng/tháng (tương đương với trường hợp người nộp thuế nuôi 5 - 7 người).

Tuy vậy, vẫn có gì đó hơi “lấn cấn” trong phần chiết trừ gia cảnh. Theo dự luật, phần chiết trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc có 3 mức: 50%/mức khởi điểm chịu thuế đối với mỗi người tàn tật phụ thuộc; 40%/mức khởi điểm chịu thuế đối với mỗi người phụ thuộc dưới 18 tuổi; 30% đối với người phụ thuộc khác. Như vậy, các sinh viên (trên 18 tuổi)... sẽ phải chi tiêu ít hơn học sinh. Thực tế, chi tiêu để nuôi dưỡng con cái đang chiếm phần lớn thu nhập của các gia đình hiện nay. Nếu mức giảm trừ quá thấp, số thuế phải nộp sẽ tăng, vô tình cản trở người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đánh thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm

Theo ông Vũ Văn Ninh - Bộ trưởng Bộ Tài chính,  việc áp thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm mức trên 5 triệu đồng/tháng là để đảm bảo công bằng với các đối tượng nộp thuế khác, các nước khác cũng đã làm. Cứ thử tính những người bỏ công sức ra đi làm trong thời điểm hiện nay phải nộp thuế đối với phần thu nhập trên 4 triệu đồng thì tại sao những người gửi tiền tiết kiệm lại được miễn. Thực tế cho đến thời điểm này, số người có tiền gửi tiết kiệm cho số lãi từ 4 - 10 triệu đồng là khá lớn.

Tuy nhiên, phải lưu ý đến việc các nước có thu thuế TNCN đều đã vượt qua giai đoạn kinh tế tiền mặt, các nguồn thu, hoạt động chi tiêu, thanh toán đều thể hiện qua sổ sách, ngân hàng, trong khi ở Việt Nam chưa làm được việc này. Đặc biệt, tâm lý chung của người dân là muốn giữ bí mật về số tiền mà họ có. Khi bị thu thuế, có thể họ sẽ “xé lẻ” phần tiền của mình thành nhiều khoản tiết kiệm với số lãi không đến mức phải đóng thuế và gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau. Để kiểm soát được tổng số thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân, phải hệ thống lại thông tin của cá nhân từ các ngân hàng, điều này vi phạm qui định bí mật tài khoản. Đáng lo ngại hơn là có thể xảy ra tình trạng, người dân vì không muốn lộ thông tin cá nhân, sẽ rút tiền đầu tư sang các lĩnh vực khác. Trong trường hợp đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng thiếu vốn, đồng thời ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế do người dân đầu tư tự phát.

Theo PTS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM, một trong những vấn đề nhạy cảm mà ban soạn thảo cần tính đến là trường hợp những người hưởng lương hưu trí tích cóp gửi ngân hàng, lãi được hưởng không đủ bù đắp trượt giá. Do vậy, nếu không xử lý hài hòa, việc thu thuế TNCN từ tiền lãi gửi tiết kiệm lại có hại nhiều hơn lợi.

Thu thuế đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần, mua bán chứng khoán

Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường và trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, số lượng người nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp tăng lên nhiều, nên việc tính thuế đối với nhóm đối tượng này, ngoài mục đích động viên cho ngân sách Nhà nước, còn đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các cá nhân nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, điều này cũng phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển của kinh tế Việt Nam.

Dù thuế suất chỉ 5%/tổng lợi nhuận, nhưng khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn không khỏi phân vân. Một nhà đầu tư chứng khoán bày tỏ ý kiến: “Cơ quan thuế có trừ ra phần phí mà nhà đầu tư phải đóng cho công ty chứng khoán hay không? Trường hợp nhà đầu tư kinh doanh lỗ thì phần lỗ đó có được tính khi quyết toán thuế TNCN cuối năm hay không?”.

  • Tags: