Ấn tượng về một cán bộ ngành Điện

Lần đầu tôi gặp chú tại buổi lễ trao giải Nét văn hoá người thợ điện sáng ngày 10/8/2012 tại thành phố Huế do Công đoàn EVN tổ chức. Tôi là cô bé ngoài 20 tuổi từ Phú Thọ vào nhận giải nên rất ngỡ

Tôi để ý thấy chú ghi tên Nguyễn Xuân Tư dưới bài viết. Thì ra cái tên thân quen và là tác giả của nhiều bài viết, bài thơ, bức ảnh tôi từng đọc, từng xem bây giờ là người thực ngồi bên cạnh tôi.

Với ấn tượng ban đầu về một người lạ nhưng thân thiện và rất nhiệt tình, tôi đã nhờ người khổng lồ google giúp sức để hiểu thêm về chú. Qua các trang báo mạng chính thống tôi được biết chú Nguyễn Xuân Tư sinh năm 1955, quê ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; cử nhân kinh tế từ tháng 10/1980; sau đó được đào tạo thành sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và nhập ngũ 5 năm, trong đó có hơn 3 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia; tháng 8/1985 chú chuyển ngành với quân hàm thượng úy. Chú có trên 20 năm làm việc trong ngành Điện, hiện công tác tại Ban QLDA lưới điện miền Trung thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Điều ấn tượng nhất của tôi: Tuy là cán bộ ngành Điện nhưng với những đóng góp của mình thể hiện qua các tác phẩm báo, thơ và ảnh nên chú đã được các Hội nghề nghiệp vinh danh hàng chục năm nay, trở thành Hội viên hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, Hội viên Hội Nhiếp ảnh thời sự thành phố Đà Nẵng… Những cái ngoại đạo này đã làm nên tên tuổi Nguyễn Xuân Tư.

Được biết, ngoài công tác chuyên môn, chú còn cộng tác với nhiều báo và tạp chí trong và ngoài ngành, là cộng tác viên tích cực và xuất sắc của Tạp chí Điện lực, Tạp chí Công nghiệp, Bản tin Công đoàn Điện lực Việt Nam, Bản tin Điện lực miền Trung, Tạp chí Điện và Đời sống. Tin, bài, ảnh của chú đăng tải đều đặn trên các phương tiện thông tin đại chúng từ địa phương đến Trung ương, phản ánh sinh động và đa dạng các hoạt động của ngành Điện từ nông thôn đến miền núi, từ miền Tây Bắc xa xôi đến vùng đất Tây Nguyên. Qủa thực chú là người làm công tác truyền thông rất hiệu quả đối với ngành. Cái quý ở chú là mặc dù không được đào tạo bài bản về viết báo, làm thơ và nhiếp ảnh nhưng nhờ đam mê và chịu khó học hỏi nên thông qua các tác phẩm chú đã khẳng định được mình. Tôi thích thú tìm đọc các bài viết của chú ở nhiều thể loại: Kinh tế, kỹ thuật, xã hội, đời sống, văn hóa nghệ thuật, du lịch… thể loại nào tôi cũng cảm nhận được sự hiểu biết rộng, cách viết lôi cuốn, hấp dẫn. Nhờ làm tốt công tác truyền thông của ngành, chú tham gia và vinh dự đoạt giải thưởng thơ ngành Công nghiệp năm 1999, sau đó là giải thưởng các cuộc thi: “Gương sáng ngành Điện”; sáng tác thơ, bài viết, ảnh với chủ đề “ vầng sáng người thợ điện Việt Nam”; “Tâm hồn người thợ điện Việt Nam”; “Nét văn hoá người thợ điện” do Tạp chí Điện lực, Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động; Giải thưởng các cuộc thi “Tuyên truyền tiết kiệm điện (năng lượng)” do Bộ Công Thương, Đài Tiếng nói Việt Nam, EVN, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh phát động. Chú còn vinh dự được Thường vụ Công đoàn EVN chọn là một trong ít cộng tác viên xuất sắc của Bản tin Công đoàn EVN được mời đi tham quan Singapo và Malaysia trong một tuần vào cuối tháng 8 năm 2007; được mời đọc thơ, ghi hình trong đêm giao lưu Câu lạc bộ Thơ ngành Điện (31/11/2009) tại trường quay S9 do Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức… Theo chú, đó là điều hạnh phúc, góp phần làm thăng hoa cảm xúc và cuộc sống. Ngoài ra, chú còn vinh dự nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Giải thưởng cuộc thi viết về Gương người tốt, việc tốt công nhân; được Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp Bằng chứng nhận Giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc và một số giải thưởng các cuộc thi tìm hiểu khác. Tháng 7/2005, chú Tư được Bộ Văn hoá - Thông tin trao tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hoá thông tin”; là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ điện Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhiệm kỳ 2 và 3 (2008 - 2011 và 2011 - 2014)…

Tôi và chú thuộc hai thế hệ khác nhau, cách nhau trên 30 năm. Nếu như ngày trước có một sinh viên kinh tế yêu thích viết báo và trở thành tác giả Nguyễn Xuân Tư ngày nay, thì bây giờ có cô bé là “dân kỹ thuật điện” như tôi cũng đang yêu thích viết báo. Tôi mới vào công tác ở ngành Điện vài năm, rất mong muốn bằng các bài viết của mình phản ánh về công viêc, nghề nghiệp, cuộc sống của những người thợ điện và một số lĩnh vực khác mà tôi quan tâm. Tuy nhiên, tôi chưa được đào tạo kỹ năng viết bài, đưa tin nên niềm yêu thích của tôi đang là mong ước. Đôi lúc tôi thấy nản lòng. Thế rồi nhờ cuộc gặp gỡ nói trên, nhờ chú tận tình hướng dẫn nên tôi như người đang đi trên sa mạc khô khát gặp được dòng nước mát lành. Trong tôi, niềm ước mơ hằng ấp ủ đang có điều kiện để trở thành hiện thực. Tôi nhớ mãi câu trích dẫn của chú “Mình thường nhìn mình bằng con mắt mù” (MacximGooc ki). Câu nói đó đã theo chú suốt cuộc đời, giúp chú thành công và bây giờ tôi cũng đang phấn đấu để làm theo câu nói đó. Một phần lớn nhờ sự giúp đỡ của chú, tôi trở thành cộng tác viên tích cực của Công ty mình. Ngoài ra, tôi còn cộng tác với một số báo, tạp chí ngành điện khác. Thành công bước đầu của tôi có phần đóng góp quan trọng của chú – lớp cha chú đối với lớp trẻ mới tập tễnh vào nghề.

Giữa tôi với chú không có họ hàng, không cùng quê, chỉ một lần gặp tình cờ vậy mà chú đã giúp đỡ tôi thật nhiều. Nhớ lại lời phát biểu của chú Chủ tịch Công đoàn EVN trong buổi trao giải cuộc thi “Nét văn hoá người thợ điện ” - Tri ân đồng nghiệp, thấp thoáng ánh nhân văn – Tôi càng quý trọng hơn sự sẻ chia và chỉ bảo mà một người đi trước như chú Tư đã dành cho tôi.

Tôi được biết, ngành Điện có nhiều người tài, nhiều tấm gương sáng để lớp trẻ như tôi học tập và noi theo. Riêng đối với tôi, chú Nguyễn Xuân Tư đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng, không phải vì những danh hiệu, thành tích chú đạt được mà ở cái tâm, cái tình và tấm lòng của chú. Tôi đang học tập chú về niềm đam mê, bởi tôi biết ở đâu có sự đam mê, ở đó sẽ có những điều diệu kỳ.