Điểm sáng công nghiệp Tuyên Quang

Từ thị xã Tuyên Quang, qua cây cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô, rẽ trái đi sâu vào con đường đang làm dở 7 km, chúng tôi đã có mặt tại Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang (thuộc địa phận xã Tràng Đà - Yên Sơn

Từ một doanh nghiệp làm ăn hiệu quả…

Đá vôi là một trong những khoáng sản có giá trị nhất của tỉnh miền núi Tuyên Quang, trữ lượng của loại khoáng sản này lên tới hàng tỷ m3 và phân bố ở hầu khắp các huyện, thị trong Tỉnh, trong đó, có nhiều nhất là địa phận xã Tràng Đà, bên tả ngạn sông Lô. Đây là loại khoáng sản phục vụ cho sản xuất xi măng. Để tận dụng có hiệu quả tiềm năng này, năm 1979, Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang đã ra đời, nhằm khai thác và chế biến tại chỗ nguồn nguyên liệu này để phục vụ cho nhu cầu xây dựng của Tỉnh và các địa phương lân cận. Ngay trong năm đó, Xí nghiệp đã đi vào sản xuất xi măng trên hai dây chuyền lò đứng của Trung Quốc và đạt sản lượng 2.000 tấn xi măng thành phẩm với chất lượng đảm bảo.

Những thời điểm khó khăn nhất như giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường (1987-1989) hay giai đoạn xi măng cả nước rơi vào cuộc “khủng hoảng thừa” trầm trọng (1996-1998) rồi cũng nhanh chóng qua đi. Nhưng nó đã trở thành bài học đáng nhớ cho tất cả những đơn vị sản xuất xi măng trên toàn quốc, trong đó có Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang. Nền kinh tế thị trường cạnh tranh quyết liệt đã buộc những người quản lý của Xí nghiệp phải có những chiến lược được hoạch định rõ ràng.

Sau 24 năm xây dựng và trưởng thành, từ một cơ sở nhỏ bé, với đội ngũ ban đầu chỉ vài chục người, Xí nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc về cả quy mô, đội ngũ công nhân và năng lực sản xuất. Điều đó thể hiện qua những con số tăng trưởng đáng kinh ngạc. Nếu như năm 1995, sản lượng đạt 48.980 tấn thì năm 2002, con số đó đã lên tới 157.217 tấn. Công suất tối đa của 2 dây chuyền Trung Quốc và 4 dây chuyền của Việt Nam mà Xí nghiệp đang sử dụng là 160.000 tấn, đây cũng chính là sản lượng đặt ra cho năm 2003. Tính đến cuối tháng 6/2003, Xí nghiệp đã sản xuất được 85.000 tấn xi măng thành phẩm. Điều đó khẳng định rằng, kế hoạch năm 2003 chắc chắn sẽ hoàn thành trước thời hạn. Cái được lớn nhất của Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang chính là việc đã đảm bảo việc làm thường xuyên cho 1.185 cán bộ công nhân viên với mức lương bình quân 1,4 triệu đồng/người/tháng – cao nhất trong các doanh nghiệp của Tỉnh.

Ngoài sản phẩm chủ lực là xi măng lò đứng, Xí nghiệp còn tạo bước đột phá, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Xí nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất bộ barite dùng cho ngành Dầu khí. Dây chuyền này cũng sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương (Tuyên Quang có 3 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này). Doanh thu từ sản xuất bột barite ước tính đạt từ 8-10 tỷ đồng/năm. Đầu năm 2003, đã có một lô hàng bột barite của Xí nghiệp được xuất ra nước ngoài. Từ nay đến cuối năm, Xí nghiệp sẽ tham gia đấu thầu để xuất khẩu thêm một vài lô hàng nữa.

Doanh thu của Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang trong vòng 3 năm trở lại đây trung bình đạt 90 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước 9-10 tỷ đồng/năm.

Đến những yếu tố tạo nên thành công…

Theo kỹ sư Phạm Hồng Phong – Giám đốc Xí nghiệp thì “trong thời điểm này, thị trường vẫn đang thuận lợi, nên Xí nghiệp chưa phải lo lắng về khâu tiêu thụ”. Khi hỏi anh Phong về những ưu thế của Xi măng Tuyên Quang trong việc tiếp cận thị trường, anh tâm sự: “Hoàn cảnh buộc chúng tôi phải có những đối sách thích hợp để phát triển sản xuất và đảm bảo đời sống cho hàng ngàn lao động. Quan trọng hơn cả là chúng tôi đã nhận được sự quan tâm thiết thực của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân Tỉnh thông qua chính sách kích cầu”.

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, nhiều năm qua, cuộc sống của người dân khấm khá lên, nên nhu cầu xây dựng đã trở thành cấp thiết, thực sự là một thị trường rộng lớn. Xí nghiệp tập trung vào thị trường bán lẻ với giá bán “mềm” hơn những nhãn hiệu xi măng khác. Nhưng để có được sự tín nhiệm của khách hàng không phải tuỳ thuộc nhiều vào giá cả, mà chủ yếu là chất lượng. Theo đó, có thể thấy rằng, Xi măng Tuyên Quang đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường là phải nhờ vào cả hai yếu tố này.

Khi nói đến thị trường của Xi măng Tuyên Quang, phải nhắc tới vai trò của Uỷ ban Nhân dân Tỉnh trong việc hỗ trợ tiêu thụ hết sức hiệu quả. Nhãn hiệu xi măng Tuyên Quang đã có mặt trong chiến dịch kiên cố hóa kênh mương, xoá trường học tạm bằng tranh, tre, nứa, lá, xây dựng nhà văn hóa thôn bản… Đây là một cách hỗ trợ cụ thể và hiệu quả của Tỉnh đối với doanh nghiệp, cần được phát huy đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn Tuyên Quang.

Đó còn là tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt khó đi lên của lãnh đạo Xí nghiệp. Trong tình hình hiện nay, khi các dây chuyền sản xuất đã làm việc hết công suất, Xí nghiệp đã mạnh dạn đầu tư thêm, cải tạo nâng cấp bằng việc trang bị công nghệ hiện đại và tiên tiến hơn, nâng công suất trên 250 nghìn tấn/năm. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang sẽ cùng với Công ty Phát triển hạ tầng – Bộ Xây dựng và Tổng công ty Cơ khí – Bộ Xây dựng thành lập Công ty Cổ phần Xi măng lò quay với công suất 750 nghìn tấn/năm, đến nay đã cơ bản hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng, dự tính đến cuối năm 2005 sẽ ra sản phẩm.

Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang tự hào có một đội ngũ cán bộ công nhân viên được đào tạo cơ bản và giàu nhiệt huyết. An toàn và bảo hộ lao động trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Xí nghiệp. Các tổ chức đoàn thể Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên hoạt động có hiệu quả. Xí nghiệp rất quan tâm chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên, như hàng tháng, hàng quý, hàng năm đều có thưởng cho những lao động xuất sắc. Lao động nữ (chiếm 40% tổng số công nhân viên) được ưu tiên và thực hiện các chế độ theo đúng quy định… Chính những điều này đã tạo cho công nhân viên một tâm lý làm việc hăng say, tăng năng suất và chất lượng lao động.

Với tất cả những thành tích trong sản xuất kinh doanh, Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1986 và hạng Nhì vào năm 2000. Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang cũng vinh dự đã được đón các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, cổ vũ tinh thần lao động của cán bộ nhân viên.

Sản lượng hàng năm của Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang so với cả nước chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 0,01%. Nhưng với một tỉnh mà nông-lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế như Tuyên Quang, thì đây thực sự là một điểm sáng của ngành công nghiệp địa phương, góp phần rất lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng tới năm 2010 là: Công nghiệp – Nông, lâm nghiệp - Dịch vụ, du lịch./.

  • Tags: