Theo tin từ Văn phòng Chính phủ trong vòng 3 năm, 2001- 2003, GDP của cả nước đạt mức tăng trưởng 7,1%, thấp hơn 0,4% so với kế hoạch đề trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2001-2005; nhưng cao hơn so với kế hoạch 5 năm, giai đoạn 1996-2001.
Riêng trong 10 tháng đầu năm 2003, mặc dù tình hình thế giới diễn biến theo chiều hướng không thuận đối với một số ngành sản xuất trong nước, nhưng GDP vẫn tiếp tục có mức tăng trưởng khá, nhờ một số ngành trọng điểm đạt giá trị sản xuất cao, cụ thể:
Đối với ngành Công nghiệp: Trong 10 tháng đầu năm 2003, GTSXCN tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó DNNN tăng 12,2% (Trung ương tăng 12,6%, địa phương tăng 11,4%), khu vực NQD tăng 19%, khu vực có vốn ĐTNN tăng 17,7%. Đặc biệt, một số sản phẩm quan trọng thuộc lĩnh vực công nghiệp liên quan đến quốc kế dân sinh và an ninh quốc phòng đều có mức tăng trưởng cao như, than sạch tăng 18,7%, quần áo may sẵn tăng 46,1%, động cơ diezen tăng 69%, động cơ điện tăng 16,8%, ti vi các loại tăng 30,6% và ôtô tăng 37,3%... Bên cạnh đó, GTSXCN của một số tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm ở 3 miền đất nước đều có sự tăng trưởng khá: Hà Nội 27,2%, Vĩnh Phúc 37,9%, Hải Phòng 17,2%, Hải Dương 17,8%, Đà Nẵng 22,6%, Khánh Hoà 20,3%, TP. Hồ Chí Minh 14,9%, Bình Dương 35,5%, Đồng Nai 18,4%...
Đối với ngành Nông nghiệp: Riêng trong lĩnh vực khai thác thủy sản đạt gần 1. 273 triệu tấn, bằng 90,9% kế hoạch cả năm, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2002. Tổng sản lượng thuỷ sản 10 tháng ước đạt 2.186 triệu tấn, bằng 87,8% kế hoạch năm, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2002.
Đối với lĩnh vực dịch vụ: 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 11,9% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 16,8% tổng mức bán lẻ hàng hoá; kinh tế tập thể chiếm 0,9%, kinh tế cá thể chiếm 64,5%, kinh tế tư nhân chiếm 16%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8%. Điều đáng nói, là chính sách kích cầu và phát triển mạnh thị trường trong nước của Chính phủ đã có tác động tích cực tới thị trường, làm cho tốc độ tiêu thụ hàng hoá được đẩy mạnh.
Đối với lĩnh vực ngoại thương: Trong 10 tháng đầu năm, cơ cấu thị trường tiếp tục được dịch mạnh, thị trường Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục phát triển vững chắc và trở thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 16,55 tỷ USD, bằng 93% kế hoạch và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2002. Thế nhưng, kim ngạch nhập khẩu lại lên tới con số 20,3 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2002. Tính ra, trong 10 tháng qua, nhập siêu của Việt Nam vẫn ở ngưỡng khá cao, khoảng 3,77 tỷ USD, bằng 22,8% kim ngạch xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực đầu tư và huy động nguồn vốn: Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tập trung thực hiện 10 tháng qua, ước bằng 93% kế hoạch năm; trong đó, các bộ, ngành trung ương thực hiện bằng 101,9%, còn lại các địa phương chỉ thực hiện bằng 83% kế hoạch. Riêng về giải ngân từ nguồn vốn ODA, ước đạt 1.130 triệu USD, bằng 66% kế hoạch năm và cũng là năm có mức giải ngân thấp nhất trong giai đoạn gần đây (trong đó, vốn vay đạt khoảng 993 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 137 triệu USD). Tính chung, trong vòng 10 tháng, trên địa bàn cả nước có 504 dự án được cấp giấy phép đầu tư, với tổng số vốn đăng ký là 1.278 triệu USD, giảm 19,5% về số dự án và giảm 7,5% về số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2002. Một số lĩnh vực khác cũng đạt được những kết quả khả quan.
Như vậy, có thể khẳng định, trong 10 tháng đầu năm, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ngày càng nhanh cả về lượng lẫn và chất, nhất là khu vực công nghiệp NQD. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, mặc dù một số địa phương gặp nhiều khó khăn do thiên tai. Khu vực dịch vụ đang từng bước lấy được đà tăng trưởng; thị trường nội địa phát triển nhanh; hiện tượng ứ đọng hàng hoá đã giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao. Thực hiện vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách tăng khá; hoạt động tiền tệ và lãi suất ngày càng phù hợp với các hoạt động kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế....
Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan như trên, song, theo đánh giá của Chính phủ, thì trong 10 tháng qua, phát triển về chất vẫn chưa đạt so với yêu cầu, một số sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế vẫn trong tình trạng cung vượt cầu. Tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt mức quá thấp, nhất là giải ngân vốn ODA và vốn tín dụng nhà nước....
Vì vậy, để hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2003, tạo đà cho năm bản lề kết thúc kế hoạch 5 năm (2001- 2005), trong 2 tháng còn lại, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp để thực hiện; trong đó, chú trọng tới các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; phát triển nhanh thị trường trong nước, đi đôi với việc mở rộng thị trường nước ngoài để giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tìm các biện pháp giảm chi phí sản xuất và kinh doanh.
Thứ hai, Kiên quyết loại khỏi danh mục kế hoạch đầu tư những dự án đến hết tháng 9 vẫn chưa đảm bảo thủ tục đầu tư và xây dựng. Thực hiện điều hoà kế hoạch vốn đầu tư; điều chuyển vốn của những dự án không có khả năng thực hiện sang những dự án có khả năng thực hiện, nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2003. Đồng thời, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, nhất là các công trình có khối lượng vốn đầu tư lớn, như điện, giao thông, dầu khí... và khẩn trương nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành để thanh toán. Ngoài ra, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện ngay hồ sơ, thủ tục còn thiếu đối với những dự án đã được bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2003 mà đã khởi công xây dựng và đã có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, nhưng còn thiếu một số giấy tờ, thủ tục.
Thứ ba, Tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai ở các tỉnh miền Trung và các tỉnh ĐBSCL, cũng như tăng cường công tác dự báo thời tiết và nghiên cứu ảnh hưởng của các hiện tượng tự nhiên tới hoạt động kinh tế- xã hội, để có biện pháp chủ động đối phó, tập trung tổ chức tốt SEA Games 22...