Giá trị SXCN năm 2004 đạt 6.590 tỷ đồng, tăng 21,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Công nghiệp NQD tăng 63,61%, nguyên nhân do chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước ngày càng thông thoáng, môi trường đầu tư của Thành phố thuận lợi; Công nghiệp QDTW giảm, do không được đầu tư mới, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; Công nghiệp có vốn ĐTNN giảm do giá nguyên liệu tăng làm tăng giá thành sản phẩm, khả năng cạnh tranh kém; Công nghiệp QDĐP tăng chậm, nguyên nhân chủ yếu do thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Giá trị xuất khẩu năm 2004 đạt 304 triệu USD, so với năm 2003 tăng 27,4%.
Có thể thấy, năm 2004, ngành Công nghiệp của thành phố Cần Thơ phát triển rất nhanh, thu hút nhiều dự án mới, với khoảng 5.000 - 6.000 lao động, chiếm hơn 12% tổng số lao động tham gia vào nền kinh tế quốc doanh của Tỉnh. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 72 tỷ đồng, chiếm hơn 9% tổng mức đầu tư toàn Thành phố. Nguồn vốn này chủ yếu đầu tư vào khu Công nghiệp tập trung Trà Nóc II, điện nông thôn, Trung tâm CN - TTCN Thốt Nốt. Do môi trường đầu tư của Thành phố Cần Thơ rất thuận lợi, nên năm 2004 đã có 148 dự án mới đăng ký với tổng vốn đầu tư lên tới 1.767 tỷ đồng. Trong đó, có 18 dự án đầu tư vào khu Công nghiệp tập trung với tổng vốn 877 tỷ đồng và 15 dự án mở rộng sản xuất với tổng vốn 392 tỷ đồng.
Tình hình đầu tư XDCB và phát triển lưới điện, điện khí hóa nông thôn được chú trọng đầu tư và đã triển khai sâu rộng trên địa bàn. Dự án cải tạo và xây mới lưới điện thành phố Cần Thơ cũ, nay thuộc quận Ninh Kiều, Bình Thủy, một phần quận Cái Răng và huyện Phong Điền đã hoàn thành với tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng. Đối với lưới điện hạ thế nông thôn, do Thành phố đầu tư theo kế hoạch, đã đầu tư xây dựng 09 tuyến điện hạ thế với tổng chiều dài là 275,6 km, đang được đưa vào sử dụng. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 04 công trình đầu tư xây dựng lưới điện trung áp nông thôn, cơ bản đã được hoàn thành. Đồng thời, đang triển khai xây dựng trạm biến áp Hưng Phú, công suất 40 MVA với tổng vốn đầu tư là 45 tỷ đồng.
Công tác tổ chức, quản lý, đào tạo, thanh tra... được quan tâm chỉ đạo sát sao, tăng cao hiệu lực quản lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án.
Tuy nhiên, ngành Công nghiệp Cần Thơ phát triển với tốc độ nhanh nhưng vẫn chưa ổn định, chủ yếu là công nghiệp chế biến, gia công qui mô nhỏ, chưa có dự án công nghiệp nặng, qui mô lớn. Đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối lớn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, các dịch vụ công nghiệp còn yếu. Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn tín dụng đầu tư cho ngành Công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, các ngân hàng chuyên doanh chủ yếu cho vay ngắn hạn, “ngại” cho vay dài hạn đối với các dự án công nghiệp lớn.
Trước thực trạng trên, ngành Công nghiệp Cần thơ đã xác định mục tiêu năm 2005 phấn đấu giá trị SXCN đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 21,37% so với cùng kỳ năm 2004. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt từ 350 đến 400 triệu USD. Trước mắt, tập trung đầu tư cho khu Công nghiệp Trà Nóc II, Thốt Nốt, khu Cái Sơn Hàng Bàng, sớm triển khai xây dựng hạ tầng khu Hưng Phú I và Hưng Phú II. Tiếp tục ứng vốn cho ngành Điện đầu tư phát triển lưới điện trung áp nông thôn khoảng 17,8 tỷ đồng với 24 công trình, tổng chiều dài 83 km. Đầu tư 14 tuyến điện hạ thế với tổng vốn đầu tư là 21,413 tỷ đồng, chiều dài tuyến dây là 306 km, sẽ cung cấp điện cho 6.160 hộ dân, nâng tổng số hộ có điện trên toàn Thành phố lên 237.083 hộ, đạt 98,01% tổng số hộ dân toàn địa bàn thành phố Cần Thơ. Xây dựng chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố. Xây dựng quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020. Thực hiện xây dựng dự án “Quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện thành phố Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2010, có tính đến 2015”. Mở rộng Trung tâm CN - TTCN Thốt Nốt lên 150 ha và triển khai Trung tâm CN - TTCN Cái Sơn Hàng Bàng, tiếp tục quy hoạch các khu, cụm công nghiệp ở các quận, huyện còn lại. Phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Trường Công
(Xem tiếp trang 56)
Công nghiệp Cần Thơ...
(Tiếp theo trang 54)
nhân kỹ thuật Cần Thơ, đào tạo, bồi dưỡng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Cán bộ, công nhân ngành Công nghiệp Cần Thơ thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công nghiệp sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 134 về khuyến công; Khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn và khu Công nghiệp khí, điện, đạm Ô Môn; Triển khai mở rộng Nhà máy Bia Sài Gòn - Cần Thơ, công suất từ 24 triệu lít / năm lên 50 triệu lít / năm; Sớm triển khai dự án đóng tàu, lắp ráp ô tô, dệt may ở khu Công nghiệp Trà Nóc II và Hưng Phú. Đề nghị UBND thành phố Cần Thơ chú trọng việc tăng biên chế cho Sở Công nghiệp; Tập trung vốn đầu tư cho các Trung tâm CN - TTCN Cái Sơn Hàng Bàng khoảng 10 tỷ đồng và Trung tâm CN - TTCN Thốt Nốt 15 tỷ đồng; Cấp kinh phí cho hoạt động khuyến công và một số mặt công tác khác. Sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Công nghiệp Cần Thơ ngày càng phồn thịnh và đứng vững trong xu thế hội nhập và mở cửa.