Theo số liệu thống kê, cho đến nay có 7 triệu người hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), tức gần 10% dân số. Với tỷ lệ đó, Việt Nam được xếp vào nước có tỷ lệ người hưởng lương từ NSNN cao nhất thế giới (mức trung bình của thế giới là 2%). Lương và quỹ lương đang trở thành gánh nặng cho NSNN, chiếm 55% tổng chi thường xuyên, ứng với khoảng 1/3 tổng chi NSNN.
Ngân sách è cổ gánh... tiền lương!
Trong 7 triệu người hiện đang hưởng lương và trợ cấp, đội ngũ công chức đang làm việc có khoảng 1,4 triệu người; người nghỉ hưu, người mất sức lao động: 1,7 triệu người; đối tượng hưởng trợ cấp xã hội (thương binh, bệnh binh, tuất liệt sĩ) khoảng 2,7 triệu người. Trong 1,4 triệu công chức (bằng 1,8% dân số cả nước) đang làm việc có 64% công chức thuộc ngành giáo dục, 14,5% công chức thuộc ngành hành chính, 13,7% công chức ngành y tế, số còn lại là các công chức thuộc ngành tư pháp, thanh tra, tài chính, nông lâm nghiệp, văn hóa... Tỷ lệ người hưởng lương từ NSNN chiếm tỷ trọng quá lớn như vậy, khiến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vô cùng khó khăn.
Viện Nghiên cứu Tài chính (Bộ Tài chính), đưa ra con số giáo viên trực tiếp giảng dạy và hưởng lương giáo viên hiện nay là 896.000 người, tổng quỹ lương chiếm trên 60% tổng kinh phí cho ngành giáo dục đào tạo và chiếm 1/4 tổng quỹ lương NSNN. Nguyên nhân tăng lương ở khu vực sự nghiệp GD-ĐT là do biên chế của ngành mỗi năm tăng thêm 5-5,5 vạn người, đồng thời, Nhà nước có chính sách điều chỉnh tăng phụ cấp đến 20% cho đội ngũ giáo viên. Các khu vực sự nghiệp khác như y tế, văn hóa, thể dục thể thao... tuy đang có những thuận lợi để xã hội hóa, huy động sự đóng góp của cộng đồng để hỗ trợ trang trải các nguồn kinh phí, nhưng hiện nay vẫn là gánh nặng cho NSNN. Tỷ lệ những viên chức phục vụ như nhân viên bảo vệ, lái xe, tạp vụ, văn thư... chiếm tỷ lệ khá cao, bằng khoảng 18,7% tổng số công chức, cũng tạo nên sức ép cho NSNN.
Trong khi đó, tiền lương cho khu vực hành chính nhà nước lại chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đến nay, số lượng biên chế khu vực hành chính chỉ có khoảng hơn 200.000 người và chiếm bình quân trên 8% tổng quỹ lương.
Phải tăng cường công tác xã hội hóa đối với hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao, nhằm huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác ngoài NSNN đảm bảo tiền lương và thu nhập cho người lao động trong khu vực này, tạo điều kiện cho việc sử dụng NSNN tập trung cho 1 diện công chức nhỏ hơn. Cần rà soát, phân loại và sắp xếp lại đối tượng hưởng lương NSNN cấp; xác định phạm vi công chức hưởng lương, trong đó chuyển những người làm công tác phục vụ sang chế độ hợp đồng thuê khoán theo công việc
Cải cách hành chính và khoán quỹ lương
Hiện nay, cơ cấu chi ngân sách dàn trải, bao cấp cũng làm cho nguồn lực của NSNN bị phân tán, không tập trung cho việc chi lương. Định mức chi thường xuyên ở các đơn vị hành chính sự nghiệp thường được tính theo đầu người. Tổng quỹ lương của các đơn vị phụ thuộc vào biên chế được duyệt và hệ số lương ngạch bậc. Bởi thế, không những không thực hiện được giảm biên chế mà lại còn có tác dụng ngược lại là khuyến khích tăng biên chế để được chi nhiều hơn. Những khoản chi thường xuyên do không có định mức hoặc định mức không phù hợp đã dẫn đến hiện tượng lãng phí. Để tiết kiệm các khoản chi không cần thiết, hướng giải quyết là cần nghiên cứu xây dựng các định mức tiêu chuẩn, nhất là định mức chi tiêu hành chính sự nghiệp làm cơ sở cho việc lập kế hoạch tài chính hàng năm. Hoàn thiện định mức phù hợp với yêu cầu sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế trên cơ sở đổi mới chế độ định mức chi tiêu và định mức phân bổ NSNN, gắn liền cấp phát chi trả ngân sách với chất lượng và hiệu quả công tác, xóa bỏ tình trạng định mức ngân sách kích thích tăng biên chế và quỹ lương tại đơn vị cấp dưới.
Đi đầu trong việc cải cách hành chính, khoán quỹ lương là thành phố Hồ Chí Minh. Qua thời gian thí điểm khoán quỹ lương, cải cách hành chính vừa qua, hiện nay có rất nhiều đơn vị đăng ký được thực hiện theo phương thức này, bởi các đơn vị có thể tự chủ về quỹ lương và mức lương thực tế cho mỗi lao động đã tăng khoảng 50%. Các đơn vị tự giảm bớt các chi tiêu không cần thiết như tiền điện thoại, tiền điện, chi phí xăng xe, lái xe, tạp vụ...
Với những thực tế xã hội hiện nay, có thể thấy rõ ràng để cải cách tiền lương thực sự hiệu quả, trước hết là phải bóc tách đối tượng hưởng lương. Phần nào cần chi từ NSNN thì thực hiện chi, phần nào cần xã hội hóa thì phải có cơ chế, hướng đi rõ ràng. Việc cải cách hành chính, khoán quỹ lương cũng sẽ góp phần tăng lương cho người lao động. Vấn đề chủ chốt của cải cách tiền lương là tạo nguồn. Còn các bất cập khác như thang bảng lương có quá nhiều cấp bậc, thực hiện lên lương theo kiểu “đến hẹn” lại lên... sẽ chỉ là vấn đề thực hiện, là bước đi./.