Trao đổi kinh nghiệm triển khai Quyết định 497/QĐ-TTg

Với mong muốn thu nhận được những ý kiến đóng góp và kinh nghiệm của các địa phương sau khi triển khai Quyết định 497, sáng ngày 11/8/2009, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm tri

Đến nay, sau hơn 03 tháng triển khai Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn và Quyết định 2095/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc ban hành Danh mục chi tiết hàng hoá sản phẩm trong nước được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 497/QĐ-TTg, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 2.083 khách hàng tiếp cận được nguồn vốn, với tổng dư nợ 89,840 tỷ đồng, trong đó, khách hàng có nhu cầu vay mua máy móc thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất chiếm đáng kể với 1.770 người, số dư nợ đạt 78,355 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các đại biểu, kết quả này vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ có 0,7% số hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn, do đó, dư nợ của “gói kích cầu” 497 mới chỉ chiếm 1,67% tổng dư nợ các vốn vay kích cầu của Chính phủ. Phân tích về các nguyên nhân làm hạn chế kết quả triển khai QĐ 497, các đại biểu cho rằng còn nhiều vướng mắc trong giải quyết các hồ sơ vay vốn, như thiếu hoá đơn cho vay vốn theo quy định của Bộ Tài chính, thiếu phiếu nhập kho… nên không chứng minh được mục đích sử dụng tiền vay, gây khó khăn trong việc xác định việc mua bán hàng. Bên cạnh việc cho vay bằng chuyển khoản, một bộ phận khá lớn khách hàng yêu cầu được nhận khoản vay bằng tiền mặt, nên đã gây không ít khó khăn cho Ngân hàng trong việc giám sát, kiểm tra sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, người dân lại khó vay vốn do thiếu tài sản thế chấp. Nhiều hộ dân đang nộp “bìa đất” để chuyển đổi đất không thế chấp nhà, nên không tiếp cận được nguồn vốn vay. Đối với khoản vay mua vật tư nông nghiệp do diện tích canh tác ít, định mức vay 7 triệu đồng/ha, nên trung bình mỗi hộ chỉ được vay 1- 2 triệu đồng, do đó, trong tổng số hơn 2.000 hộ nông dân được vay vốn, chỉ có 37 khách hàng có đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất mua vật tư nông nghiệp. Như vậy, đối tượng này chiếm tỷ lệ khá nhiều, nhưng số được vay lại rất ít, nên đã làm hạn chế tính hiệu quả của chính sách.

                      Các đại biểu tham dự tại Hội thảo

Để chính sách hỗ trợ nông dân đi vào cuộc sống, các đại biểu đề xuất Chính phủ tiếp tục cho triển khai QĐ 497 vào các năm sau này. Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đủ nguồn lực thực hiện gói hỗ trợ lãi suất, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không nên áp dụng bình quân cho tất cả các tỉnh, thành, mà cần có chính sách ưu tiên cung ứng đối với các tỉnh nghèo, thuần nông và đang có điều kiện phát triển như Hà Tĩnh. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng, giá cả các loại máy móc, thiết bị cung ứng được hỗ trợ lãi suất và các hàng hoá tiêu dùng khác; đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép nông dân vay vốn theo QĐ 497 có thể mua máy móc phục vụ sản xuất của liên doanh hoặc có tỷ lệ nội địa hoá từ 60% trở lên để đảm bảo tính cạnh tranh, hạ giá thành và đáp ứng đủ nhu cầu, chủng loại. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đánh giá cao thực tế triển khai Quyết định 497 của Hà Tĩnh. Kinh nghiệm triển khai của Hà Tĩnh cần được nhân rộng toàn quốc. Đó là:

 

Thứ nhất, để làm tốt việc triển khai Quyết định 497, cần có sự chuyển biến nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương. Trong quá trình thực hiện, phải nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, nhất là về thủ tục vay vốn cho nông dân.

Thứ hai, để huy động lực lượng vốn cho vay kích cầu, không chỉ bó hẹp tại các ngân hàng thương mại nhà nước, mà cần mở rộng cho vay ở các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng khác…

Thứ ba, cần chú ý đến tập quán mua vật liệu xây dựng của người dân ở nông thôn để tránh những thủ tục phức tạp, nếu các khoản vay nhỏ có thể giải quyết nhanh chóng cho dân.

Thứ tư, việc mở rộng đối tượng cho vay là không cần thiết, vì qua thực tế, đối tượng mở rộng cho vay là các hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất lại không vay nhiều. Chủ yếu là các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn.

 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, những vướng mắc nêu ra qua các ý kiến trong Hội thảo cần được chú ý để điều chỉnh chính sách trong quá trình thực hiện. Vấn đề đặt ra là chính sách hỗ trợ cần trúng đối tượng, trúng mục tiêu và có tính khả thi. Mà mục tiêu của Quyết định 497 là phải hỗ trợ cho người nông dân, khu vực nông thôn chứ không phải doanh nghiệp.

 

Xem:

Thông tư số 09/2009/TT-NHNN ngày 05/5/2009 quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.

Quyết định 2095/QĐ-BCT về việc ban hành Danh mục chi tiết hàng hoá sản phẩm trong nước được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định số 497/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất vốn vay máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.