Điểm sáng của mô hình HTX

Là một HTX đã từng rơi vào tình trạng bế tắc, công việc ngừng trệ, xã viên không có việc làm, bỏ đi làm nơi khác, Hợp tác xã Cơ khí Lạng Giang hôm nay đã trở thành điểm sáng của mô hình kinh tế tập th

Hợp tác xã cổ phần đầu tiên ở Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tham, Chủ tịch HTX Cơ khí Lạng Giang đã bộc bạch với chúng tôi rất chân tình: Nếu như không có lời phê bình của đồng chí Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang, có lẽ chúng tôi sẽ không có được như ngày hôm nay. Số là, vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi mô hình HTX đi vào buổi ‘hoàng hôn”, trong một lần về thăm HTX, đồng chí Phó Chủ tịch Tỉnh đã nói: “Nếu các đồng chí không tìm ra cách đổi mới, không vực được SX-KD lên, mặc dù rất tiếc, song Tỉnh cũng không còn cách nào khác’.  Lúc đó, cảm giác “sực tỉnh” gần như đã chế ngự toàn thể Ban chủ nhiệm. Không thể “ôm” cách làm của những năm 60 - 70 áp dụng vào giai đoạn này, cần phải xây dựng điều lệ cho riêng mình và điều lệ đó phải được dựa trên cơ sở bình đẳng giữa xã viên với xã viên, có tính đến lợi nhuận. Thật bất ngờ, điều lệ đã nhận được sự chấp thuận và sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo. Có thể nói, trở thành HTX cổ phần đầu tiên ở Việt Nam, HTX Cơ khí Lạng Giang đã đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử mô hình kinh tế HTX. Bây giờ, xã viên đã có thêm một tên gọi mới, là cổ đông. Trong điều lệ mà HTX đặt ra qui định, mỗi xã viên phải đóng 5 triệu đồng cho 1 cổ phần, tuỳ từng người có khả năng mà mua nhiều hay ít cổ phần. Cách làm mới này đã được xã viên hưởng ứng, chỉ với 50 xã viên, đã có tới 125 cổ phần được đóng góp, làm tăng gấp đôi nguồn vốn của HTX. Cùng với nguồn vốn này, cộng với sự giúp đỡ từ Quĩ hỗ trợ giải quyết việc làm cho vay 1.468 triệu đồng, HTX đã đầu tư vào xây dựng hơn 300 mét vuông nhà xưởng, mua sắm hơn 20 loại thiết bị phục vụ cho sản xuất, đồng thời, đào tạo và nâng cao tay nghề cho xã viên và người lao động. Năm 1995, HTX đã đầu tư hơn 700 triệu đồng cho việc xây dựng một lò luyện thép trung tần, với công suất 250 tấn/năm bằng nguồn thép phế liệu được tận dụng ở địa phương, nên đã chủ động được phần lớn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất. Hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, nên HTX chủ yếu sản xuất các mặt hàng phục vụ đời sống và phục vụ nông nghiệp như đúc các lưỡi ben gạt đất, răng gầu xúc, công cụ trồng cây làm  vườn…, các chi tiết máy cho nhà máy xi măng, gạch tuy-nen…Từ việc chỉ sản xuất những chi tiết sửa chữa, HTX đã tiến tới sản xuất, lắp ráp thành công những máy móc loại nhỏ như: máy cày, máy tuốt lúa liên hoàn, máy chế biến nông sản, hệ thống sấy các loại rau, củ, quả.
Sản xuất, kinh doanh từng bước được nâng lên, HTX nhận được nhiều hợp đồng kinh tế, đồng nghĩa với việc xã viên có nhiều việc làm, thu nhập của bà con xã viên không còn là nỗi lo canh cánh nữa. Những thành quả đó đã được ghi nhận qua những lời khen tặng của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, khi ông về thăm HTX vào năm 1999: “Tôi thật vui mừng thấy rằng, bắt nguồn từ HTX kiểu cũ, trải qua rất nhiều đổi thay và trăn trở, các đồng chí đã sớm đi vào xây dựng HTX cổ phần theo định hướng HTX kiểu mới. Luật HTX được Quốc hội chính thức thông qua vào năm 1996, thì năm 1994, HTX chúng ta đã chuyển đổi rồi. Điều đó chứng tỏ rằng, HTX Cơ khí Lạng Giang đã đi đầu trong việc xây dựng mô hình HTX theo yêu cầu của cơ chế mới và phù hợp với Luật mới.”
Đối mặt với những khó khăn của thời kỳ kinh tế thị trường       
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, HTX tiếp tục phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, tăng cường đầu tư vốn để sản xuất nhiều loại máy công cụ có công suất nhỏ và các chi tiết máy để thay thế, sửa chữa. Phương châm hoạt động trong thời kỳ này vẫn là lấy thị trường nông nghiệp nông thôn làm chính. Tuy nhiên, HTX đã gặp phải những cản trở đầu tiên. Sự xuất hiện của những cơ sở sản xuất, sửa chữa tư nhân đang mọc lên như nấm ở các vùng quê nông thôn hiện nay đã làm ảnh hưởng rất nhiều lượng khách hàng của các HTX. ở huyện Lạng Giang có hàng nghìn cơ sở sản xuất như thế. Các cơ sở này có ưu thế hơn hẳn do cơ chế hoạt động linh hoạt, tiện lợi, không phải đóng thuế nên giá cả rẻ hơn, đã thu hút bà con nông dân đến đặt hàng hay sửa chữa những nông cụ bị hỏng. Rẻ, thì ai cũng muốn, nhất là đối với những người nông dân.
Đứng trước những khó khăn đó, Ban chủ nhiệm HTX nhận thấy những cách làm trước đây là mới, thì bây giờ lại trở thành cũ, không còn phù hợp với cơ chế thị trường. Cần phải tìm tòi những hướng phát triển mới. Lại thêm một lần đối mặt với khó khăn! Tuy nhiên, với kinh nghiệm và bản lĩnh đã trải qua nhiều thử thách, 50 con người ở đây không đầu hàng. Họ lập thành nhiều tổ, tổ máy khoan, tổ hàn…, chia nhau đi xuống các xã, thôn, phục vụ bà con đến tận nơi với giá cả phù hợp, đồng thời kiêm nhiệm luôn việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của HTX. Tận dụng thế mạnh nhiều vốn mà các cơ sở tư nhân không sẵn có, HTX đã trang bị thêm các máy móc như máy phay, bào, đồng thời, xây những lò đúc thép, gang, áp dụng những công nghệ mới, hiện đại, để sản xuất ra những sản phẩm có độ chính xác cao. Những chiếc máy thu hái, máy làm đất đa chức năng, dàn máy sấy hoa quả bằng năng lượng mặt trời đã lần lượt ra đời từ những bàn tay vàng và trái tim nhiệt huyết. Hiện nay, với cơ ngơi gồm có Xưởng Cơ khí 1 và Xưởng Sửa chữa dịch vụ đúc nằm ở tại Lạng Giang, xưởng Cơ khí 2 được đặt ở thị trấn Kép, HTX Cơ khí Lạng Giang ngày càng khẳng định vị trí của mình.
 Năm 2002, một may mắn đã đến, HTX được tham gia vào Dự án nghiên cứu sản xuất lò sấy vải với Viện Cơ điện Nông nghiệp thuộc Bộ NN và PTNT, Sở KHCN và Môi trường, đề tài có tên gọi “Sấy vải thiều và cải tiến máy thu hoạch của nông nghiệp”, với tổng số vốn là 229 triệu đồng. Chiếc lò sấy hoàn thiện, song giá thành của nó khá cao, lên tới 9 triệu đồng/chiếc. Ban Chủ nhiệm HTX đã đề đạt với Nhóm thiết kế xin được cải tiến lại lò sấy vải, sao cho vẫn đảm bảo chất lượng mà giá thành phải thấp hơn. Được đồng ý, họ bắt tay công việc với quyết tâm: đã làm là phải làm bằng được. Bệ lò làm bằng gạch chịu lửa được thay bằng xỉ; dầm thép thay bằng gỗ bạch đàn, vốn có rất nhiều ở Bắc Giang, mỗi cây chỉ mua có 15 nghìn, giá thành của chiếc lò sấy sau khi cải tiến đã giảm xuống gần 2 triệu đồng. Tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, bà con có thể tự mua giàn sấy, dầm, xỉ, ngoài thị trường, khi HTX xuống chuyển giao công nghệ chỉ việc xây lò, đặt dầm, và nan để cho vải lên sấy. Ngoài ra, còn giảm được thời gian mỗi mẻ sấy, tiết kiệm than đốt và đặc biệt là vải khô ít nhiễm khí Cácbonních từ nhiên liệu, người thao tác không phải tiếp xúc trực tiếp với khí nóng và chất độc của lò. Sản phẩm lò sấy được bà con trồng vải chấp nhận, năm 2003, HTX đã nhận được hơn 40 hợp đồng lắp đặt lò. Mùa vải năm nay, HTX nhận lắp đặt hơn 1.000 lò cho 4 huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn.
Những kinh nghiệm trong điều hành HTX
Chủ nhiệm HTX Cơ khí Lạng Giang- Nguyễn Anh Tham cho rằng, một trong những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để HTX tồn tại và luôn hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh là nhờ có được một tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật cao, theo sự điều hành thống nhất của Ban chủ nhiệm HTX. Thực hiện HTX cổ phần theo định hướng HTX kiểu mới đã tạo được sự bình đẳng, dân chủ giữa các xã viên. Các xã viên đều được sinh hoạt trong các đoàn thể. Hiện nay, HTX có 15 Đảng viên, sinh hoạt trong 3 tổ Đảng theo từng đặc điểm tổ chức sản xuất, Chi bộ luôn phát huy tốt vai trò lãnh đạo, gương mẫu trong mọi hoạt động, nhiều năm liền đều đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Tổ chức công đoàn cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống cho xã viên, xã viên được tập huấn về an toàn lao động, được cấp thẻ an toàn, các phân xưởng làm việc đều được trang bị đầy đủ mọi điều kiện để người lao động an tâm SX, hàng năm, xã viên được đóng Bảo hiểm XH và Bảo hiểm y tế, thường xuyên được khám sức khỏe định kỳ. HTX đã dành ra hàng trăm triệu đồng cho các chính sách XH như khen thưởng những xã viên có thành tích, sáng kiến và động viên kịp thời các gia đinh gặp khó khăn. Với nhiều biện pháp  kịp thời động viên tinh thần xã viên, đã thúc đẩy SX của HTX lên cao, chỉ tiêu SX hàng năm luôn tăng trưởng. Năm 2002, tổng số vốn tăng 2, 27 lần; tổng sản lượng tăng 1,48 lần. Đến năm 2003, tổng số vốn tăng hơn 2,4 lần và tổng sản lượng tăng 1,71 lần. Thu nhập bình quân của xã viên năm 2003 tăng 97%. Các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước hàng năm đều hoàn thành xuất sắc.
Ngoài ra, HTX còn luôn quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho xã viên có đủ kinh nghiệm, trình độ, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ KHKT, hàng năm, HTX tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm sản xuất và mời các giáo viên chuyên ngành của Tỉnh về giảng dạy, một số đảng viên được cử đi học các lớp quản lý ở trường Đại học, tiếp nhận nhiều đoàn cán bộ thực tập sinh từ nơi khác đến trao đổi kinh nghiệm học tập. Bằng cách tự đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho xã viên và người lao động, đến nay đã có 1 xã viên có trình độ kỹ sư, 8 xã viên có trình độ kỹ thuật trung cấp và nhiều thợ lành nghề khác, con em của xã viên cũng được đào tạo tay nghề tại chỗ và được làm việc theo chế độ hợp đồng.
Những công việc trước đây phải đi nhờ các cơ sở bạn, nay đã tự làm được và còn có khả năng đi giúp lại cơ sở bạn, nhiều xã viên đã có những sáng kiến trong sản xuất, làm  lợi cho tập thể hàng triệu đồng.
Với chặng đường hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, HTX đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quí: 5 Huân chương Lao động các loại, trong đó có 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 3 Bằng khen và 1 Cờ thi đua của Chính phủ, 2 Cờ thi đua của Liên minh HTX Việt Nam, cùng nhiều bằng khen, cờ của Tỉnh. Đặc biệt, ông Trần Anh Tham- Chủ nhiệm HTX được công nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Hơn 40 năm qua, HTX Cơ khí Lạng Giang luôn tạo sự đoàn kết trong Đảng và các tổ chức đoàn thể; mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo trong SX- KD, kế thừa và phát huy những thành quả trong quá trình xây dựng HTX và quá trình đổi mới, vận dụng sáng tạo những nguyên tắc quản lý doanh nghiệp, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao trình độ KHKT, đó vừa là nguyên nhân, vừa là kinh nghiệm để HTX tiếp tục vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của  mình.

  • Tags: