II. Tình hình sản xuất, tiêu thụ và thị trường than của Inđônêxia
Nhờ chính sách cho phép, các công ty nước ngoài đầu tư khai thác các mỏ than nên hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm phần lớn ngành công nghiệp than của Inđônêxia. Trong tương lai, đầu tư nước ngoài vẫn giữ vai trò quan trọng. Chính phủ Inđônêxia (GOI) vẫn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào việc thăm dò và phát triển các mỏ than nhằm cạnh tranh với các nước khác trong vùng châu á - TBD. (Xem bảng)
Về sản xuất: Hiện nay, toàn bộ sản lượng khai thác của Inđônêxia đều là than đá và được khai thác chủ yếu bằng phương pháp lộ thiên, sản lượng khai thác hầm lò chỉ chiếm dưới 1%. Như trên đã nêu có 4 loại hình DN sản xuất than ở Indonesia: DN nhà nước, các nhà thầu, công ty tư nhân (chủ mỏ) và các HTX địa phương, trong đó các nhà thầu là nhà sản xuất than chính, chiếm khoảng 74-76% sản lượng cả nước, riêng các nhà thầu nước ngoài chiếm khoảng 70%.
Để đáp ứng nhu cầu than trong nước và xuất khẩu gia tăng, các nhà thầu than hiện có, nhất là các nhà thầu thuộc thế hệ 1 dự kiến tăng năng lực sản xuất của mình. Theo dự báo đến năm 2005, sản lượng than của Inđônêxia sẽ tăng lên 112 triệu tấn và đến năm 2010, đạt 155 triệu tấn.
Về tiêu thụ than: Than của Inđônêxia chủ yếu để xuất khẩu, đạt khoảng trên dưới 70% sản lượng than khai thác hàng năm, và đứng thứ 5 trong các nước xuất khẩu, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng than xuất khẩu toàn thế giới. Các nước nhập khẩu than của Inđônêxia gồm có:
- Các nước châu á: gồm Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Xingapo, Malaixia, Philipin, Thái Lan, ấn Độ, Trung Quốc chiếm trên 3/4 sản lượng than xuất khẩu của Inđônêxia, trong đó chủ yếu là 4 nước đầu.
- Các nước châu Âu: chiếm tới 15% sản lượng than xuất khẩu của Inđônêxia, trong đó chủ yếu là Hà Lan và Tây Ban Nha.
- Các nước khác: chiếm gần 9% sản lượng than xuất khẩu của Inđônêxia, trong đó chủ yếu là Mỹ và Chi Lê.
Như vậy, hầu hết các nước này cũng là các nước nhập khẩu than chính của Việt Nam. Do đó, Inđônêxia sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường than xuất khẩu của Việt Nam. Có 2 nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu than bằng đường biển là chi phí vận tải biển và chỉ phí bốc dỡ. Do đó, để phục vụ việc xuất khẩu than với khối lượng lớn và ngày càng tăng cao, Inđônêxia đã phát triển mạnh hệ thống cảng biển than nước sâu, gồm 17 cảng đã đi vào vận hành, trong đó có 3 cảng cho tàu có trọng tải từ 60-240 ngàn tấn, 1 cảng cho tàu có chiều rộng < 32,1 m và tàu có trọng tải <60 ngàn tấn và 3 cảng cho tàu có trọng tải từ 45 - 50 ngàn tấn với tổng công suất vào năm 1997 là 60 triệu tấn/năm (cụ thể là 1 cảng cho tàu trọng tải 180 ngàn tấn, 1 cảng cho tàu 150 ngàn tấn, 3 cảng cho tàu 60 ngàn tấn, 3 cảng cho tàu 40 ngàn tấn, 1 cảng cho tàu 35 ngàn tấn, còn lại là cảng cho tàu  10 ngàn tấn). Inđônêxia đã và đang thực hiện chương trình mở rộng, hiện đại hoá các cảng hiện có, đồng thời xây dựng thêm một số cảng mới phục vụ cho việc nâng cao sản lượng than tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Than tiêu thụ trong nước chủ yếu tập trung ở đảo Java - nơi tập trung khoảng 60% dân số Inđônêxia. Các ngành tiêu thụ than chính gồm có sản xuất điện, xi măng, VLXD, giấy, gia dụng,v.v. Nhu cầu than cho các nhà máy sản xuất xi măng, VLXD, giấy, gia dụng,v.v.  hiện có đã được đáp ứng và chỉ tăng lên, nếu có sự mở rộng sản xuất hoặc xây dựng nhà máy mới. Bất kỳ sự gia tăng nào về nhu cầu than trong nước chủ yếu xuất phát từ ngành sản xuất điện. Đến năm 2000, tổng công suất các nhà máy điện chạy than là 9.690 MW và cần một lượng than hơn 29 triệu tấn/năm. Do khoảng cách từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ than rất xa, nên để mở rộng việc tiêu thụ than nội địa ở Inđônêxia đã phát triển mạnh hệ thống vận tải than nội địa gồm 4 loại: đường bộ, băng tải, đường sắt và đường thủy (xà lan).
Có thể rút ra một số nhận xét về ngành than nói chung và thị trường than nói riêng của Inđônêxia như sau:
1. Tiềm năng tài nguyên than tương đối lớn (38 tỉ tấn), song trữ lượng có thể khai thác chỉ trên 5 tỉ tấn, đòi hỏi phải tăng cường công tác điều tra và thăm dò để chuẩn bị tài nguyên đưa vào khai thác. Điều kiện khai thác than rất thuận lợi, phần lớn là khai thác lộ thiên với giá thành rất thấp.
2. Sản lượng than tăng rất nhanh trong thập kỷ cuối và tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới trên cơ sở thu hút đầu tư tư nhân, chủ yếu là đầu tư tư nhân của nước ngoài. Tham gia sản xuất than có 4 loại hình doanh nghiệp với hàng chục đơn vị khác nhau, trong đó, các nhà thầu than và các công ty nhà nước là những nhà sản xuất chính.
3. Sản lượng than chủ yếu để xuất khẩu (trên dưới 70% sản lượng than khai thác hàng năm). Các nước nhập khẩu than của Inđônêxia cũng là các bạn hàng của TVN. Có thể nói, Inđônêxia vừa là đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu của TVN, đồng thời cũng là nơi cung cấp than đáng quan tâm nhất đối với Việt Nam trong trường hợp Việt Nam cần nhập khẩu than.
4. Thị trường than Inđônêxia có nhiều yếu tố đảm bảo có tính cạnh tranh cao và lành mạnh (môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường pháp luật thông thoáng, rõ ràng, số lượng người sản xuất và số lượng người tiêu thụ đông, sự hội nhập khu vực và quốc tế, v.v.); đặc biệt có kết cấu hạ tầng của thị trường, nhất là hệ thống GTVT phục vụ tiêu thụ than trong nước cũng như xuất khẩu tương đối hoàn chỉnh.
5. Đầu tư tư nhân chiếm vai trò quan trọng không những trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh than mà cả trong việc phát triển kết cấu hạ tầng phân phối than.
6. Quản lý nhà nước và quản lý SX-KD đối với ngành than được tách bạch rõ ràng. Tuy thành phần tư nhân chiếm phần lớn sản lượng than, song Nhà nước vẫn giữ được vai trò chủ đạo trong việc quản lý và định hướng phát triển SX-KD than thông qua vai trò quản lý nhà nước và chính sách phát triển than của mình.

  • Tags: