Cả xã Hoằng Lý (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá), ai cũng biết hoàn cảnh mẹ con chị Lam. Dù nghèo nhưng chị vẫn nuôi hai con ăn học nên người. Thức và Tùng năm nay đã học lớp 10 và lớp 7, năm nào cũng là học sinh tiên tiến. Chị Lam phải đi bán hàng ở rất xa, hai con chị ở nhà tự lo mọi việc gia đình và học tập. Một tháng chị chỉ ở nhà 10 ngày, sau đó lại đi. Hôm trước, gặp 2 anh em ngoài đồng, tôi hỏi thì chúng cho biết “... còn phải giúp mẹ chăn bò, chỉ học thêm vào buổi tối thôi”. Trẻ em nông thôn thì thế, người lớn ra Hà Nội kiếm sống cũng chẳng hơn gì. Họ phải lo tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền dành dụm mang về quê... Khi mang cả gia đình ra thành phố, do không có hộ khẩu nên nhiều người khó cho con cái tới trường, con họ phải học trái tuyến và phải đóng nhiều tiền hơn. Chị Hoa thuê nhà ở xóm lao động phố Vân Đồn cho biết: “Chồng chị làm bảo vệ cho một công ty tư nhân, chị thì bán hoa quả ở chợ, hai con, một đứa năm nay lên lớp 7 và một đứa chuẩn bị vào lớp 1. Cả nhà tiết kiệm dành dụm cũng chật vật mới có thể cho thằng lớn học. Năm nay, đứa thứ hai lại vào lớp một nữa không biết lấy đâu ra tiền. Chị nói thêm: “Bây giờ tất cả đều học thêm, con mình không học thì không được mà học thêm một tháng bằng đến nửa tháng tiền ăn cả nhà”. Chị Hà ở xã Thanh Trì một mình nuôi hai con, đứa lớn học lớp 10, đứa bé mới 5 tuổi nhưng không được đi mẫu giáo vì mẹ không có tiền, vì “tất cả tiền dành cho chị nó học rồi” như lời chị kể.
Ngoài hai khoản thu chính là học phí và cơ sở vật chất là bắt buộc thì các em học sinh còn phải đóng vô số những khoản khác. Những khoản này luôn có khung thu để các trường lựa chọn cho phù hợp với đặc điểm của địa phương. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường đều chọn mức thu cao nhất. Học sinh bán trú phải đóng thêm tiền quản lý bán trú 30.000đ-50.000đ/tháng tuỳ cấp học, tiền vệ sinh bán trú 5.000đ/tháng. Cơ sở vật chất bán trú 150.000đ/năm. Có nhiều trường còn cảm thấy chưa đủ và đã nâng tiền quản lý bán trú lên 80.000đ. Còn chuyện các cháu học trường mầm non nhưng vẫn phải dùng đồng phục đến cả ba lô thì cũng là nỗi khó khăn cho các gia đình nghèo nên người nghèo thì đành cho con “dốt”, vì không có tiền đưa con đến trường. ở nông thôn tình trạng này cũng phổ biến. Tiền trường, tiền sách vở, tiền gì cũng trông cậy vào hạt thóc, củ khoai, vụ nào thất bát thì cả nhà chẳng đủ ăn, nói gì tới chuyện học hành. Người nông dân phải bán đi bao nhiêu kilôgam thóc mới đủ mua sách cho con em mình khi mà giá sách ở mức cao và luôn thay đổi tuỳ theo từng năm, nên bắt buộc phải mua mà không dùng được sách “cũ” vừa xuất bản năm học trước! Chỉ cần lấy ví dụ đơn giản là tất cả các khoản tiền phải đóng của một học sinh lớp 5 vào đầu năm học là khoảng 300.000đ thì đã là một khoản không nhỏ đối với người nông dân. Mẹ của em Ngần ở Tĩnh Gia - Thanh Hoá nhẩm tính: “Gia đình tôi là bữa nào ăn hết bữa ấy, lấy đâu ra lúc gần triệu bạc cho 3 con đi học. Mỗi ngày, tôi cố gắng bỏ ống được 500 đ thì cả năm cũng trả đủ. Năm nay tôi cho đứa lớn nghỉ học thôi”.
Bà nội em Quang Anh ở huyện Vĩnh Lạc - Vĩnh Phúc năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng vẫn phải nuôi 2 cháu, đứa lên 8, đứa lên 5 vì “bố nó mất sớm, mẹ nó bỏ đi lấy chồng”. Già như thế, nhưng bà vẫn phải ra đồng làm việc cả ngày. Bà than thở: “Nghe mấy cô giáo nói việc học rất cần cho tương lai của các cháu. Nhưng tôi chẳng có tiền nên đành chịu, may ra cũng chỉ cho cháu đi học để biết đọc chữ là phải nghỉ thôi”. Nhìn căn nhà tranh rách nát, trống huơ trống hoác của ba bà cháu, ai chũng chạnh lòng. Chỉ biết mong cho những rủi ro không ập đến với họ, để bà có sức khoẻ đi làm nuôi hai đưa cháu mồ côi.
Khi mà miếng cơm, manh áo vẫn luôn là nỗi lo thường nhật của những gia đình nghèo, thì việc cho con đi học không đơn giản chút nào. Dù biết cho con đi học là sau này chúng không khổ như họ, nhưng “cái khó” bó tay họ. Học sinh nông thôn bỏ học ngày càng nhiều, số lượng học sinh ở nông thôn ngày càng giảm. Nhiều học sinh nghèo cũng rất cần nhận được ngay sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, cũng như lòng hảo tâm ở mọi miền đất nước.