PV: Việc thiếu điện ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, đây là vấn đề hóc búa không thể giải quyết trong một vài năm, thậm chí trong nhiều năm tới. Theo ông, cần phải làm gì để giải bài toán an ninh năng lượng trong tương lai?
PGS.TS. Vương Hữu Tấn: Đảm bảo an ninh năng lượng là nhiệm vụ mang tầm chiến lược dài hạn của quốc gia, cần được các nhà hoạch định chính sách năng lượng quốc gia quan tâm giải quyết trước nhiều thập niên, thậm chí hàng thế kỷ, không thể để nước đến chân mới nhảy. Các nguồn năng lượng được phân thành hai loại: năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo. Năng lượng tái tạo gồm thủy điện, mặt trời, gió, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt. Năng lượng không tái tạo gồm dầu, than, khí tự nhiên và uran (thori). Trong số năng lượng không tái tạo thì than, dầu và khí tự nhiên là loại nhiên liệu hoá thạch, còn uran là nhiên liệu hạt nhân. Loại nhiên liệu hoá thạch được dùng phổ biến hiện nay thì tiềm năng rất có hạn, như dầu chỉ còn khoảng 40 năm, khí tự nhiên 62 năm và than 216 năm, chưa kể các loại nhiên liệu này, nhất là than, là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng trái đất nóng lên và ô nhiễm môi trường. Uran nếu tính đến cả quá trình tái chế thì có thể dùng được hàng ngàn năm.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, các quốc gia cần xây dựng chính sách năng lượng quốc gia trong đó có các giải pháp và chính sách cần thiết nhằm khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo để gìn giữ cho các thế hệ mai sau, khai thác các khả năng nhập khẩu năng lượng và sử dụng các giải pháp về công nghệ và quản lý để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm trong sử dụng năng lượng.
Trong thời gian qua, ngành năng lượng nước ta đã phát triển rất mạnh trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối, xuất nhập khẩu năng lượng, về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội. Quy mô của ngành năng lượng đã vượt hẳn 10 năm trước đây, khả năng tự chủ được nâng lên, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hoá. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn là nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người thấp xa so với mức trung bình của thế giới và kém nhiều nước trong khu vực. Với tốc độ phát triển kinh tế như dự báo, giai đoạn sau năm 2010, nguồn năng lượng trong nước đã được khai thác hết công suất, phải nhập khẩu năng lượng cung cấp cho nhu cầu trong nước. Theo tính toán vào năm 2020, tỷ lệ nhập khẩu năng lượng sẽ là 9-16% và vào năm 2050 khoảng 29-38% (chưa kể năng lượng hạt nhân).
Vì vậy cùng với việc khai thác tối đa các khả năng của nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng hợp lý nguồn nhiên liệu hoá thạch, xem xét các khả năng nhập khẩu năng lượng, áp dụng các giải pháp tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thì điện hạt nhân là một trong các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong giai đoạn sau 2015.
PV: Có ý kiến cho rằng, tính hiệu quả về kinh tế và xã hội của dự án điện hạt nhân (ĐHN) là không cao, nhất là độ an toàn, vậy cần phải hiểu thế nào cho đúng, thưa ông?
PGS.TS. Vương Hữu Tấn: Điện hạt nhân có suất đầu tư cao hơn (1700-2300 USD/kW) so với các loại nhiệt điện khác (600-1200 USD/kW) do các yêu cầu cao và đặc thù về an toàn. Tuy nhiên, xu thế hiện nay là chi phí đầu tư ĐHN đang giảm dần (ví dụ theo thông báo của các nước, công nghệ APR-1400 của Hàn Quốc khoảng 1000-1200 USD/kW, ACR của Canada khoảng 1000 USD/kW). Tuy giá thành xây dựng cao, nhưng nhà máy ĐHN lại có chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp. Cơ cấu giá điện của điện hạt nhân gồm 25% là từ nhiên liệu, chi phí vận hành và bảo dưỡng, còn lại 75% là từ chi phí đầu tư. Ngược lại, cơ cấu giá điện của nhiệt điện gồm 75% là từ giá nhiên liệu, chi phí vận hành và bảo dưỡng, còn lại 25% là từ chi phí đầu tư. Do đó nếu thời gian thu hồi vốn đầu tư dài thì điện hạt nhân rất có ưu thế. Ngoài ra, điện hạt nhân ít chịu ảnh hưởng của giá nhiên liệu, ví dụ, nếu giá nhiên liệu tăng gấp 2 lần thì giá điện hạt nhân chỉ tăng 2-4%, trong khi giá nhiệt điện khác sẽ tăng từ 60-70%. Do có số giờ vận hành cao (khoảng 7000giờ/năm), nên sản lượng ĐHN tạo ra nhiều hơn các loại nhà máy khác cùng công suất. Vì vậy giá thành ĐHN trong nhiều trường hợp rẻ hơn các dạng điện năng khác. Ví dụ ở Nhật Bản, ĐHN rẻ nhất trong tất cả các loại điện năng, vì ở Nhật Bản tất cả các loại nhiên liệu đều phải nhập ngoại. So sánh giá thành ĐHN với một số dạng phát điện khác của một số nước trên thế giới được thống kê trong bảng sau (đơn vị tính là USc/kWh, năm 1995). Số liệu năm 2003 của Mỹ cho biết ĐHN có giá 1,76 cent/kWh, còn nhiệt điện than 1,907 cent/kWh.
Để so sánh về tính kinh tế khi xây dựng ĐHN ở Việt Nam, các lọai hình phát điện sau đã được đưa vào so sánh với ĐHN gồm: các nhà máy chạy khí (tua bin khí hỗn hợp, nhiệt điện khí), nhiệt điện than miền Nam (than nội địa), nhiệt điện than miền Nam (than nhập). Khi tính toán đã sử dụng hệ số công suất của ĐHN là 75-85%, còn các loại khác là 65-70%; hệ số chiết khấu sử dụng 2 mức 5% và 10% theo khuyến cáo của Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA); suất đầu tư cho ĐHN có tính cả lãi xây dựng theo 3 mức 1690 USD/kWe, 1970 USD/kWe và 2260 USD/kWe. Kết quả tính đưa đến kết luận sau.
Trong trường hợp hệ số chiết khấu 10%, với suất đầu tư 1690 USD/kWe thì ĐHN có thể cạnh tranh với tất cả các loại hình khác; với suất đầu tư 1970 USD/kWe thì ĐHN có thể cạnh tranh với điện khí nhập và điện than nhập ở hệ số công suất tương ứng là trên 80% (7000 giờ) và 72,5% (6790 giờ); với suất đầu tư 2260 thì ĐHN chỉ có thể cạnh tranh được với điện khí hóa lỏng khi hệ số công suất lớn hơn 77,5%, còn không thể cạnh tranh được với nhiệt điện khí nhập và nhiệt điện than nhập.
Trong trường hợp hệ số chiết khấu 5% thì ĐHN sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn. ở cả 3 suất đầu tư ĐHN đều kinh tế hơn tất cả các loại hình phát điện khác thậm chí chỉ cần hệ số công suất ở mức trên 77,5% (đối với suất đầu tư 2260 USD/kWe).
Các tính toán trên được thực hiện với giả thiết nhà máy ĐHN chỉ hoạt động trong 30 năm, nếu thời gian sử dụng dài hơn (40-60 năm) thì tính cạnh tranh kinh tế của ĐHN còn cao hơn.
Về hiệu quả xã hội, phát triển ĐHN dẫn đến phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân với trình độ kỹ thuật và kỷ luật cao, thúc đẩy phát triển các cơ quan nghiên cứu triển khai và nhiều ngành sản xuất công nghiệp. Đây cũng là những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước. Các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Liên Xô (cũ) cũng như một số nước ở châu á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...) đều thông qua chương trình phát triển điện hạt nhân mà nâng cao tiềm lực KH-CN và công nghiệp quốc gia. Hàn Quốc là một thí dụ điển hình về việc phát triển ĐHN ngay ở giai đoạn đầu tiên của công cuộc công nghiệp hoá trong những năm 1960 với GDP trên đầu người khoảng 80 USD. Hiện nay, Hàn Quốc đã có 20 tổ máy ĐHN đang hoạt động. Các nhà máy ĐHN của Hàn Quốc đã cung cấp hơn 40% nhu cầu điện năng của nước này. Hiện nay sau gần 30 năm phát triển ĐHN, Hàn Quốc đã trở thành một nước xuất khẩu công nghệ ĐHN.
Về vấn đề an toàn, đây là vấn đề gây ra những lo ngại sâu sắc, đặc biệt là sau tai nạn hạt nhân Checnôbyl (Liên Xô cũ) và một số sự cố hạt nhân xảy ra trên thế giới.
Về nguyên tắc, bất cứ hoạt động nào của con người cũng tiềm ẩn những rủi ro và sự cố. Công nghiệp hạt nhân cũng như bất kỳ một ngành công nghiệp nào khác, không nằm ngoài quy luật chung này. Tuy nhiên do tính nhạy cảm và công khai của ngành công nghiệp hạt nhân, nên một sự cố dù nhỏ thế nào cũng gây ra sự quan tâm lớn của công chúng, trong khi đó những tai nạn rất lớn của các ngành khác làm chết hàng chục nghìn người cũng không được công luận biết đến.
Các sự cố hoặc tai nạn hạt nhân xảy ra là do các nguyên nhân sau:
+ Về kỹ thuật: Lỗi trong thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt
+ Về luật lệ: Quy phạm vận hành, bảo dưỡng, thanh tra, cấp phép.
+ Về con người: Trình độ kỹ thuật, kỷ luật trong xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng.
Tai nạn Checnôbyl là do những sai sót ngay trong bản thân thiết kế và sự vi phạm quy chế vận hành của con người. Thiết kế lò Checnôbyl không có vỏ bọc bằng bê tông cốt thép, nên khi sự cố xảy ra, một lượng lớn chất phóng xạ thoát ra môi trường, gây nhiễm bẩn phóng xạ trên một vùng rộng lớn. Hiện nay, các loại lò thương mại trên thế giới đều có vỏ bọc bê tông cốt thép, nếu sự cố xảy ra, các chất phóng xạ sẽ bị giữ lại trong vỏ bọc này. Hơn thế nữa, trong thiết kế các lò phản ứng hiện nay đã chứa đựng các yếu tố đảm bảo an toàn nội tại, cũng như giảm thiểu hậu quả của các sự cố nếu xảy ra. Theo đánh giá của các chuyên gia kỹ thuật, các lò phản ứng thương mại hiện nay đã đạt đến độ an toàn rất cao (xác xuất xảy ra sự cố nghiêm trọng là khoảng một phần triệu) và công nghệ lò phản ứng càng ngày càng được cải tiến, đảm bảo an toàn hơn, thời gian xây dựng được rút ngắn, và tăng khả năng cạnh tranh kinh tế.
Xét cho cùng thì lỗi của con người vẫn là quan trọng nhất. Tai nạn checnôbyl là do con người không tuân thủ quy phạm khi tiến hành thí nghiệm trên lò phản ứng. Sự cố xảy ra ở cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở Tokai (Nhật Bản) cũng do sự vi phạm các quy định và sự yếu kém trong hệ thống thanh tra cấp phép. Cơ sở này không phải là nhà máy ĐHN, mà là cơ sở chế tạo nhiên liệu hạt nhân.
Việc đảm bảo hoạt động an toàn của các cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy ĐHN, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có kỷ luật và hệ thống luật lệ đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong hơn 20 năm qua đã khẳng định trình độ của đội ngũ cán bộ Việt Nam trong quản lý, vận hành và bảo dưỡng lò phản ứng hạt nhân- một mô hình thu nhỏ của nhà máy ĐHN. Từ nay đến khi có nhà máy ĐHN ở Việt Nam, chúng ta còn khoảng 15 năm cho việc đào tạo và học hỏi kinh nghiệm từ những bài học thành công và thất bại trên thế giới.
Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý rằng, Chính phủ Trung Quốc đã cấp phép cho xây dựng 7 GWe điện hạt nhân mới và lập kế hoạch tăng cường phát triển điện hạt nhân từ mức 6.587 MWe hiện nay lên mức giữa 32.000 MWe và 40.000 MWe vào năm 2020, tương đương với việc có từ 32 đến 40 lò phản ứng 1000 MWe vào năm 2020. Việc xây dựng các nhà máy ĐHN phía Nam Trung Quốc thực sự đã đặt Việt Nam nằm trong phạm vi ảnh hưởng của các nhà máy ĐHN, (đặc biệt là miền Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc). Do đó, xét về phuơng diện vùng địa lý, thì trên thực tế, việc xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam chỉ bổ sung thêm một phần nào đó vào lo ngại của công chúng về an toàn hạt nhân. Điều này khẳng định rằng, vấn đề vận hành an toàn các nhà máy ĐHN không còn giới hạn ở trong phạm vi một quốc gia, mà mang tính chất khu vực và quốc tế. Việc chuyển giao công nghệ nhà máy ĐHN sẽ phải được sự phê chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và nhiều tổ chức hữu quan khác, trong đó vấn đề luật an toàn hạt nhân, các quy phạm vận hành nhà máy điện hạt nhân, cũng như việc đảm bảo an toàn của nhà máy phải được xác nhận và phê chuẩn là một trong điều kiện tiên quyết. Trong quá trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình, chúng ta đã và sẽ tiếp tục ký kết các hiệp định, công ước quốc tế liên quan đến vấn đề an toàn hạt nhân, kiểm soát vật liệu hạt nhân, trách nhiệm dân sự về các tai nạn hạt nhân...
Nhà máy ĐHN đã có trên thế giới từ 50 năm nay, hiện nay đã có 441 lò phản ứng hạt nhân hoạt động ở 32 nước, trên thực tế chúng hoạt động rất an toàn ở nhiều nước cả nước phát triển và đang phát triển (cho đến nay, chúng ta chỉ nghe nói đến một vài sự cố). Tuy nhiên, do tính đặc biệt của nó, các sự cố hạt nhân dù ở bất kỳ mức độ nào cũng phải được thông báo nhanh trên toàn thế giới, theo hệ thống riêng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Sự cố hạt nhân là vấn đề nhạy cảm dễ gây ra lo ngại trong công chúng. Tuy nhiên, sự lo ngại này nhiều khi do không được thông tin đầy đủ về ngành công nghiệp này, thậm chí đôi khi do bị thổi phồng và lợi dụng. Ví dụ như sự cố rò rỉ 45 lít nước nặng tại Nhà máy điện hạt nhân Wolsong, Hàn Quốc ngày 4/10/1999. Khi sự cố xảy ra, nhiều hãng thông tấn đã đưa những tin về 22 nguời bị nhiễm xạ nặng, và xếp sự cố vào mức 4/7 của thang sự cố, trên thực tế 20 người đã quay lại làm việc ngay ngày hôm sau, và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế xếp sự cố này ở mức 0, dưới thang sự cố.
PV: Được biết ở Việt Nam đã có phương án triển khai xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân, vậy kế hoạch và tiến độ hiện nay đã triển khai ra sao (địa điểm, nguồn vốn, tiến độ,…)
PGS.TS. Vương Hữu Tấn: Chính phủ Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo việc xây dựng và phát triển ngành năng lượng nguyên tử từ rất sớm. Trong những năm chiến tranh, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã cử các cán bộ đi đào tạo về lĩnh vực này. Năm 1976, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, tiền thân để phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam sau này. Năm 1994, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam để giải quyết nhu cầu năng lượng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, năm 1999, Ban cán sự Đảng 2 Bộ Công nghiệp và Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ về chủ trương phát triển điện hạt nhân. Năm 2002, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo quốc gia về nghiên cứu phát triển điện hạt nhân. Dưới sự chỉ đạo của Tổ công tác, 2 nhiệm vụ quan trọng đã được triển khai thực hiện là Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 và Đề án tiền khả thi của Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Chính phủ đã nghe Chiến lược và đang chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện để có thể sớm ký ban hành. Đề án tiền khả thi đang được Bộ Công nghiệp hoàn thiện để trình Chính phủ. Trong Đề án, tất cả các vấn đề liên quan đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đã được xem xét giải quyết như công nghệ, an toàn, quản lý chất thải, nhiên liệu, địa điểm, kinh tế, đầu tư, tài chính, tiến độ,...
PV: Xin cảm ơn ông!