Văn bản pháp luật về quản lý Nhà nước

1. Quyết định số 127/2007/ QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức làm việc vào ngày thứ bẩy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Theo quy định tại Quyết định, các cơ quan, đơn vị hành chính tổ chức làm việc vào ngày thứ bẩy hàng tuần (trừ ngày lễ, tết) để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính bao gồm: Công chứng; chứng thực; các thủ tục liên quan đến hộ tịch; cấp, đổi giấy chứng minh nhân dân; cấp, đổi, gia hạn hộ chiếu; cấp thị thực (visa) cho người nước ngoài; cấp, đổi, gia hạn giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện vận tải thủy, bộ; cấp giấy phép xây dựng; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu công trình xây dựng; thu thuế, lệ phí trước bạ liên quan đến nhà, đất và phương tiện giao thông; thu phạt vi phạm hành chính các loại; đăng kiểm phương tiện vận tải cơ giới; đăng ký các loại phương tiện vận tải, thiết bị thi công; thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu; hàng hóa quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Các đơn vị tổ chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính vào ngày thứ bẩy hàng tuần cần sắp xếp, bố trí lao động một cách khoa học để không tăng thêm biên chế, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường vào các ngày làm việc khác trong tuần, bảo đảm hiệu quả công việc. Cán bộ, công chức làm việc vào ngày thứ bẩy sẽ được bố trí nghỉ vào các ngày khác, bảo đảm làm việc 40 giờ trong tuần theo đúng quy định.

2. Quyết định số 129/2007/ QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.

   Quy chế quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, bài trí công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; ủy ban nhân dân các cấp.

Mục đích của Quy chế nhằm bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

3. Nghị định số 132/2007/ NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến cấp huyện; doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn; nông trường, lâm trường quốc doanh được sắp xếp lại theo quy hoạch của pháp luật. Việc tinh giản biên chế phải tuân theo các nguyên tắc: Tinh giản biên chế thực hiện trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, bố trí lại lao động trong cơ quan, đơn vị; việc tinh giản biên chế phải được thực hiện công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Việc chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng tinh giản biên chế phải bảo đảm kịp thời, đầy đủ và đúng thời hạn; Việc lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng phải bảo đảm chính xác, trung thực, rõ ràng; không áp dụng chính sách tinh giản biên chế đối với những người vì lý do cá nhân xin được vận dụng chính sách tinh giản biên chế.

Nghị định cũng quy định cụ thể chính sách, chế độ đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế bao gồm: Chế độ đối với những người về hưu trước tuổi; những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế thôi việc; những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp, kiện toàn về tổ chức bộ máy; cách tính trợ cấp và nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế.

Nghị định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2011.

  • Tags: