Tái cơ cấu công nghiệp nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế - xã hội đến 2020

Một số đánh giá về cơ cấu CN và quá trình tái cơ cấu Những năm qua, ngành Công nghiệp vẫn phát triển theo bề rộng, theo hướng gia công, lắp ráp là chủ yếu. Tốc độ tăng giá trị SXCN luôn cao hơn tốc

Bên cạnh đó, có một thực tế diễn ra đó là sự chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế. Trong ngành Công nghiệp, công nghiệp quốc doanh (QD) có xu hướng giảm, công nghiệp ngoài quốc doanh (NQD) có xu hướng tăng nhanh. Lẽ ra, sự dịch chuyển này sẽ cải thiện tỷ trọng VA/GO, nhưng kết quả không như vậy, vì việc xác định giá trị DN trong quá trình CPH thời kỳ đến 2005 thường dẫn đến đánh giá thấp giá trị thực tế, làm thất thoát đáng kể tài sản Nhà nước, các DN sau CPH nhờ lợi thế đó nên có tốc độ tăng trưởng nhanh, tốc độ VA cao, nhưng thực chất là thừa hưởng giá trị từ quá khứ. Mặc dù Chính phủ đã tích cực thúc đẩy quá trình CPH DNNN, về số lượng đã giảm mạnh, nhưng mức trang bị vốn, quy mô của khu vực này vẫn còn lớn song hiệu quả không cao, nên làm cho mức tăng VA chậm, trong khi GO lại lớn do đầu tư nhiều, nên đã “kéo” tỷ trọng VA/GO toàn ngành CN giảm xuống.

 Mặt khác, cuộc chạy đua về thu hút đầu tư cả ở phạm vi quốc gia, đặc biệt là ở các địa phương, sau khi được phân cấp đã đạt được những thành tựu khá cao, nhưng theo đó “chất lượng thu hút đầu tư” chưa thật sự được quan tâm. Hiệu ứng “chuyển dịch đàn sếu”, mà thực chất là “xuất khẩu sản xuất” công nghiệp hiệu quả thấp từ các nước phát triển sang các nước chậm phát triển đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Kết quả là, chúng ta đã, đang tiếp nhận quá nhiều công nghiệp VA thấp vào đất nước, làm tiêu tốn nhiều tài nguyên (đất đai, khoáng sản, nước...), đặc biệt là năng lượng (như luyện, cán thép, xi măng...); giá trị gia tăng thấp; ít chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ truyền thống ; thu hút ít lao động, lại chủ yếu là lao động phổ thông; gây tổn hại môi trường (cả chất thải khí, rắn, nước, bụi và tiếng ồn). Việc tiếp nhận dòng đầu tư công nghiệp đối với các nhóm ngành này không những chỉ gây giảm VA/GO trước mắt, mà còn là nguy hại cho sự phát triển bền vững trong dài hạn...

 Những giải pháp thực hiện

 Do sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp (CCCN) ở Việt Nam là một quá trình tất yếu, vừa mang tính khách quan, ngẫu nhiên, vừa thể hiện sự định hướng có chủ đích của Nhà nước, nên quá trình này ở Việt Nam thời gian tới không chỉ là ý đồ chủ quan của các định hướng mang tính áp đặt, mà còn là sự nhận thức khách quan trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, trên cơ sở các nguồn lực hiện có. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

 - Thứ nhất, cần thực hiện đồng thời các chính sách từ thu hút đầu tư, chính sách tài chính tiền tệ, chính sách lao động tiền lương..., để tập trung cho việc khuyến khích các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ít sử dụng tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm... Muốn thực hiện điều này, cần ban hành và công bố danh mục các ngành công nghiệp bị kiểm soát và hạn chế đầu tư, các ngành công nghiệp được khuyến khích; công bố danh mục các ngành CN được kích cầu đầu tư, những ngành hạn chế đầu tư và đặc biệt là những ngành cần tạm thời không cấp phép đầu tư. Chẳng hạn như, CN xi măng, cán thép đã vượt quá nhiều nhu cầu nội địa, đây là những ngành CN có VA thấp, ô nhiễm môi trường cao, tốn nhiều tài nguyên đất đai, năng lượng... cần phải kiểm soát chặt chẽ; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu công nghệ bằng các quy định chặt chẽ điều kiện, loại CN được phép nhập khẩu; khuyến khích áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, tiêu hao ít vật tư, năng lượng; hỗ trợ gia tăng mức chế biến sâu đối với các sản phẩm.

 - Thứ hai, tập trung quyết liệt vào việc phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ (CNHT) mà muốn phát triển nhanh, có hiệu quả CNHT, cần thành lập cơ quan đầu mối đủ mạnh để có chính sách, kế hoạch phát triển CNHT một cách nhất quán, hiệu quả; thiết lập nhanh hệ thống cơ sở dữ liệu cho CNHT; lựa chọn các nhóm ngành CNHT cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn; phối hợp chặt chẽ với đối tác Nhật Bản trong khuôn khổ Nghị định hợp tác kinh tế Việt - Nhật; dành quỹ đất cho các khu CNHT thí điểm, trước hết là ở các khu kinh tế trọng điểm.

 - Thứ ba, để bảo đảm phát triển mạnh sau khủng hoảng, cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành CN mới, đáp ứng nhu cầu của các ngành theo từng giai đoạn phát triển và có chính sách hỗ trợ các chương trình đào tạo nguồn nhân lực do các doanh nghiệp CN; xây dựng chính sách hỗ trợ về tài chính các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì nó hỗ trợ trực tiếp tạo ra lực lượng lao động có chất lượng, phục vụ cho các ngành CN có giá trị tăng thêm cao, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

 - Thứ tư, cần khuyến khích hình thành hệ thống vườn ươm doanh nghiệp, trong đó, tiếp nhận công nghệ hiện đại từ nước ngoài là chủ trương chính sách chủ yếu thực hiện từ nay đến năm 2020. Đây là hướng quan trọng nhất hiện nay để đổi mới và nâng tầm trình độ công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Do đó, phải có những biện pháp ưu đãi về thuế và tín dụng để thu hút nguồn công nghệ này; ưu tiên tiếp nhận chuyển giao các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường (không nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu); thành lập trung tâm thông tin, tư vấn về khoa học công nghệ; lập cơ sở dữ liệu về công nghệ theo các nhóm ngành kinh tế - kỹ thuật để DN có thể lựa chọn công nghệ phù hợp. Ngoài ra, cần ban hành chính sách hỗ trợ thuận lợi nhất cho việc hình thành hệ thống vườn ươm KHCN trong nước, với sự giúp đỡ của các tổ chức KHCN nước ngoài bằng việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN, có chính sách thu hút nhân lực KHCN chất lượng cao về làm việc tại các vườn ươm bằng những điều kiện cụ thể, hấp dẫn như thu nhập ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có chính sách hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm xã hội hợp lý; khuyến khích và tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ KHCN là người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chuyển giao những tiến bộ công nghệ về phục vụ trong nước.

 - Thứ năm, phải xác định, lựa chọn các đối tác chiến lược cho ngành, cho các DN, thúc đẩy DN tham gia vào chuỗi giá trị các MNC; rà soát, đánh giá lại, điều chỉnh kịp thời các quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành/lĩnh vực công nghiệp, các khu công nghiệp cả nước để bảo đảm tính hợp lý của các quy hoạch, chiến lược. Trên cơ sở đó, lựa chọn các đối tác chiến lược cho các ngành, cho các doanh nghiệp và xây dựng các phương án phối hợp đầu tư phù hợp. Căn cứ danh mục dự án quốc gia kêu gọi FDI, cần chuẩn bị kỹ một số dự án đầu tư quan trọng, chọn, mời trực tiếp một vài tập đoàn lớn trong ngành, lĩnh vực quan trọng được ưu tiên vào để đàm phán, tham gia đầu tư vào các dự án. Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng với công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí tuệ và giá trị gia tăng cao.

 - Thứ sáu, tái cấu trúc mạnh mẽ khu vực DNNN, trước hết là các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN), bởi đây là khâu đột phá quan trọng. Trong những năm qua, TĐKTNN ở nước ta đã có những vai trò hết sức quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, tuy vậy, sự phát triển đó hình như chưa tương xứng với vai trò, tầm vóc và sức mạnh thực tế của chúng. Về vấn đề này đã có quá nhiều phân tích, bình luận sâu sắc, tuy nhiên, chúng ta chưa xác định được vì sao lại cần có TĐKTNN? TĐKTNN nên có trong các lĩnh vực nào, ngành nào trong điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay? TĐKTNN là của ai, phục vụ ai và ai là chủ, ai chi phối nó? Tỷ trọng của các TDTNN trong nền CN nói riêng, nền kinh tế nói chung chiếm bao nhiêu phần trăm giá trị vốn, giá trị SXKD và dịch vụ đến đâu là vừa?... Việc trả lời đúng và đủ một số câu hỏi nêu trên, thiết nghĩ sẽ góp phần có giá trị cho việc tái cấu trúc TĐKTNN ở nước ta hiện nay.

 Bàn đến tái cơ cấu nền kinh tế và tái CCCN nói riêng là một vấn đề có tính chuyên môn cao, nó quyết định đến các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.