2- 21 nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC đến Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 tại Hà Nội trong 2 ngày 18-19 tháng 11 năm 2006, với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”. Hội nghị các thành viên APEC tập trung 4 vấn đề lớn: Tự do hóa thương mại đa phương, tự do hóa thương mại song phương theo tinh thần minh bạch, thúc đẩy chương trình hành động quốc gia và nâng cao hiệu quả hợp tác trong APEC.
Đây cũng là nơi gặp gỡ của hơn 1.100 lãnh đạo những tập đoàn lớn nhất thế giới, để cùng trao đổi kinh nghiệm và cơ hội giao thương. Hàng loạt hợp đồng hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực trọng yếu được ký kết với giá trị gần 2 tỉ USD.
3- 8,2% là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2006. Trong 2 năm liền Việt Nam giữ vững tốc độ tăng trưởng này. Điều này cho thấy vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước ngày càng được hoàn thiện hơn và đáp ứng nhanh trước những yêu cầu mới của hội nhập kinh tế quốc tế.
4- 10,2 tỷ USD là con số ấn tượng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2006. Từ khi nước ta ban hành Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài đến nay đã thu hút 797 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,5 tỷ USD và 439 dự án tăng vốn với tổng cộng 2,1 tỷ USD, tăng 45% so với năm trước và vượt 32% kế hoạch cả năm. Sự kiện này cho thấy, Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư ổn định, an toàn và thân thiện, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện sâu rộng, cởi mở hơn.
5- 4 tỷ 450 triệu USD là số vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA. Trong khuôn khổ Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần 14, các bên tham gia đã cam kết sẽ tài trợ hơn 4,45 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2007, vượt xa mức 3,7 tỷ USD của năm 2006. Đây là số vốn tài trợ ODA lớn nhất của nước ngoài đối với nước ta từ trước đến nay. Qua đó, thể hiện lòng tin của các nhà tài trợ quốc tế đối với công cuộc phát triển đất nước trong thời gian tới.
6- 6,6% - 6,8% là con số ước tính về tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm. Đây cũng là mức khả quan nhất trong vòng 3 năm qua (năm 2005 là 8,4%; năm 2004 là 9,5%).
Điểm nổi bật là thuế nhập khẩu và giá xăng trong nước được điều chỉnh theo biến động của thị trường thế giới, vẫn trợ giá giá dầu. Tình trạng giá vàng và đôla Mỹ trên thị trường khu vực tư nhân biến động và tăng mạnh, khiến nhiều người dân đổ xô vào mua vàng và đôla, tạo nên cơn “sốt giá” không đáng có, đã được nhanh chóng giải tỏa. Trên thị trường chứng khoán, tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, xấp xỉ 10 tỷ USD - bằng 15% so với tổng GDP, trong khi mục tiêu đặt ra chỉ là 6% GDP. Mục tiêu nâng quy mô thị trường chứng khoán lên tới mức khoảng 20-30% GDP vào năm 2010 đang dần trở thành hiện thực.
Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… cũng có nhiều biến động, nhưng được Chính phủ điều chỉnh kịp thời, bảo đảm cung cầu, không gây đột biến về giá cả.
7- 40 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất khẩu mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, tăng 22% so với mục tiêu 16% đề ra. Nhiều ngành hàng được chú trọng như gạo, cà phê, thủy sản, dệt may, giày da, đồ gỗ, cao su, dầu thô… trong đó dệt may 5,2 tỷ USD, giày da 3,2 tỷ USD, thủy sản 3,1 tỷ USD, đồ gỗ gần 2 tỷ USD, dầu thô 7,7 tỷ USD… Một số mặt hàng khác đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD như gạo, cao su…
Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung, các doanh nghiệp khối đầu tư nước ngoài chiếm 29,921 tỷ USD, doanh nghiệp 100% vốn trong nước đóng góp 15,184 tỷ. Với nước ta, trị giá kim ngạch xuất khẩu luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao tổng GDP hàng năm.
8- Từ vị trí 34 nhảy vọt lên vị trí số 9, đó là thành tích đáng kể của tỉnh An Giang trong danh sách xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngoài ra, Bình Định từ vị trí thứ 12 năm 2005 đã vươn lên đứng thứ 3 trong năm nay. Bên cạnh đó có những địa phương với điều kiện thuận lợi như Hà Nội lại rớt hạng từ 14 xuống 20, hay Hải Phòng từ 19 xuống 42.
Chỉ số PCI là chỉ số đánh giá năng lực điều hành của chính quyền địa phương với khu vực kinh tế tư nhân. Đây là cơ sở để các chính quyền địa phương đánh giá năng lực của chính mình và cũng làm quen hơn nữa với phương pháp tiếp cận khoa học định lượng để nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
9- 220.000 tỷ đồng, tương đương 13,8 tỷ USD là tổng mức vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006, tăng gấp hơn 20 lần so với cuối năm 2005 và bằng khoảng 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2006, vượt xa so với mục tiêu đạt 5% GDP mà các nhà quản lý đặt ra hồi đầu năm… Đến nay, đã có 68 cổ phiếu trị giá niêm yết gần 11,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn như FPT, VNM… Đây là sự kiện đáng nhớ đối với thị trường chứng khoán, được xem là lĩnh vực đầu tư mới mẻ đối với Việt Nam.
10- 4,7-4,8 tỷ USD là lượng kiều hối gửi về nước trong năm 2006. Đây là mức kỷ lục về kiều hối kể từ trước tới nay. Năm 2005, lượng kiều hối là 4,429 tỉ USD và con số này đã được coi là tăng đột biến ngoài dự đoán so với dòng kiều hối 3,1 tỉ USD năm 2004.
Nguồn kiều hối được hiểu ở đây không chỉ là nguồn tiền gửi về từ người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà bao gồm cả người Việt Nam lao động, học tập ở nước ngoài. Theo Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, số tiền gửi về của lao động Việt Nam ở nước ngoài hàng năm có thể lên tới 1,5-1,6 tỉ USD. Việt Nam gia nhập WTO và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, kiều bào sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội làm ăn ở trong nước hơn và đầu tư của họ về nước cũng sẽ tăng mạnh hơn.