Quan hệ hợp tác Việt - Trung nâng lên tầm cao mới

Gần 30 năm thực hiện cải cách mở cửa (từ năm 1979), Trung Quốc đã thu được những thành tựu to lớn và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới. Từ năm 1979-2006, GDP bình quân hàng năm của Trung Q

Quan hệ hợp tác Việt - Trung:

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt - Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đến nay, hai nước đã ký 52 hiệp định ở cấp nhà nước, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước. Các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì đều đặn hàng năm. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 2/1999, lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.  Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc tháng 12/2000, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới, cụ thể hoá phương châm 16 chữ đó thành những biện pháp cụ thể phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng đã thoả thuận đưa hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Năm 2006, đã diễn ra chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào thăm Việt Nam tháng 11 nhân dịp dự Hội nghị ASEM 6.  Đặc biệt, kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh rất tốt đẹp, mở ra triển vọng hợp tác mới giữa hai nước. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có tín nhiệm hợp tác đầu tư vào Việt Nam. Trước mắt sẽ tập trung nỗ lực làm giảm bớt tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại với Việt Nam và thực hiện có hiệu quả các dự án đã thỏa thuận, nhất là Dự án bô xít Đắc Nông và Dự án xây dựng “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Đó là Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế thứ hai là Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Dự án này mở ra triển vọng hợp tác kinh tế rất lớn và cơ hội tốt đẹp để phát triển kinh tế của mỗi nước. Đồng thời, hai bên nhất trí cùng nhau nỗ lực, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành việc phân định cắm mốc biên giới trên đất liền vào năm 2008, thực hiện Hiệp định về phân định và hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ; đẩy nhanh tiến độ hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí vắt ngang đường phân định; hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản như khai thác sắt, nhôm, đồng, crôm... Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế-khoa học-kỹ thuật. Theo đó, Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam 50 triệu NDT để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và Ngân hàng xuất-nhập khẩu Trung Quốc đã ký hợp đồng về việc cung cấp vốn tín dụng 225 triệu USD để xây dựng giai đoạn 1 Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả với công suất 300 MW.

   Năm 2007, tiếp tục có các chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (5/2007), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (4/2007) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (3/2007). Trong các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh tình hữu nghị Việt – Trung là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần được hết sức giữ gìn và không ngừng vun đắp; khẳng định sẽ làm hết sức mình để đưa quan hệ đó ngày càng sâu sắc hơn, tin cậy hơn, cùng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, hai bên đã ký được một số văn kiện hợp tác và hợp đồng kinh tế trị giá 2,6 tỷ USD, trong đó có: Công hàm trao đổi giữa Chính phủ hai nước về việc Chính phủ Trung Quốc đào tạo cán bộ và chuyên gia Việt Nam; Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về việc thành lập Nhóm công tác hợp tác kinh tế để xây dựng Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung và đề xuất các dự án đưa vào khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa hai nước; Thoả thuận khung về việc sử dụng vốn vay tín dụng ưu đãi xuất khẩu bên mua giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc; Kế hoạch giai đoạn 2007- 2009 giữa Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam và Bộ Văn hoá Trung Quốc về việc thực hiện Hiệp định hợp tác về văn hoá giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc; Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Bộ Đường sắt Trung Quốc về việc sử dụng chung công- ten- nơ loại lớn của đường sắt Trung Quốc.    

Về hợp tác thương mại - đầu tư: Hiện Trung Quốc đứng thứ 15 trong tổng số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn 795,4 triệu USD. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ 1 hạng mục năm 1991 lên 330 hạng mục năm 2005. Trong những năm qua, Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Nam một số khoản viện trợ không hoàn lại, tín dụng không lãi suất và tín dụng ưu đãi để cải tạo, nâng cấp một số cơ sở công nghiệp do Trung Quốc giúp Việt Nam trước đây như Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Khu Gang Thép Thái Nguyên; Bộ Công nghiệp và Hiệp hội Chế tạo Thiết bị Giấy và Bột giấy Trung Quốc (CPPMA) đã hợp tác cung cấp thiết bị và đẩy mạnh đầu tư tại các khu vực sản xuất giấy của Việt Nam. Cụ thể, CPPMA cung cấp thiết bị cho các công ty giấy và bột giấy của Việt Nam như: Bãi Bằng, Việt Trì, Sài Gòn, Bình An, Thanh Hóa; Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc (CNCCC) và Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã ký hợp đồng sản xuất DAP với tổng trị giá 96 triệu USD; Hai nước đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư  xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép tại Việt Nam trị giá 500 triệu USD; dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả trị giá 280 triệu USD; Nhà máy Nhiệt điện chạy than 200 MW trị giá 173 triệu USD tại Đồng Rì (tỉnh Bắc Giang); đầu tư  mở rộng Nhà máy Kính Cẩm Phả trị giá 12 triệu USD; đầu tư vào một số dự án trị giá hàng trăm triệu USD bằng nguồn tín dụng ưu đãi như các dự án mở rộng Khu Gang thép Thái Nguyên, xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám ở tỉnh Ninh Bình; hợp đồng xuất khẩu sắn lát cho Trung Quốc trị giá 12 triệu USD; hợp đồng hợp tác về lĩnh vực điện tử, điện lạnh. Ngoài ra, hai bên đã ký thỏa thuận trong lĩnh vực ngân hàng với nội dung Trung Quốc cho Việt Nam vay 85 triệu USD dưới hình thức tín dụng ưu đãi và 40,5 triệu USD cho Dự án đồng Sinh Quyền. Các dự án của Trung Quốc tập trung tại 42 tỉnh, thành của Việt Nam như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh...

Cơ cấu hàng hóa: Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản. Về thị trường nhập khẩu của Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ nhất. Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc  thì Việt Nam luôn ở thế nhập siêu và mức nhập siêu ngày càng tăng.

Từ năm 1991 đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 mặt hàng, trong đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có khối lượng lớn, như: dầu thô, cao su, thủy sản, rau quả, than đá... Một số mặt hàng của Việt Nam đã có thị phần cũng như sức cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc như: giầy dép, đồ gỗ, máy tính và linh kiện máy tính. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng của Việt Nam như: Bánh kẹo, giầy dép, xà phòng bột, nước hoa, bánh đậu xanh Hải Dương, kẹo dừa Bến Tre, dầu thực vật… có xu hướng ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng do tính độc đáo, khác lạ so với hàng Trung Quốc. Các mặt hàng này đã có mặt ở hầu hết các siêu thị tại các thành phố lớn của Trung Quốc. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng: Xăng dầu, vải, phân bón, sắt thép và phôi thép, hóa chất, phụ liệu giầy dép, linh kiện điện tử và ti vi, máy tính, hàng rau hoa quả, sản phẩm bằng sắt hoặc thép, xe máy, phụ liệu may mặc, sợi dệt, lúa mỳ, động cơ đốt trong, tầu thuyền, sản phẩm plastic, thiết bị, phụ tùng dệt may, máy phát điện, động cơ điện và phụ tùng, thuốc trừ sâu, ô tô các loại, nhôm, nguyên phụ liệu dược phẩm... Cơ cấu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị gia tăng cao hơn cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2006, kim ngạch mậu dịch song phương đạt 10,42 tỷ USD (Việt Nam xuất 3,03 tỷ USD; nhập 7,39 tỷ USD). Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2007, kim ngạch mậu dịch song phương đạt 2,99 tỷ USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam xuất khẩu 722,7 triệu USD, giảm 2,29%; nhập khẩu đạt 2,27 tỷ USD, tăng 66,3%.

Tuy nhiên, kim ngạch buôn bán hai chiều Việt - Trung chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc, trong khi chiếm hơn 12% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Đáng chú ý là, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc với mức độ tăng rõ rệt. Hai bên thoả thuận phấn đấu đưa kim ngạch song phương lên 15 tỷ USD vào 2010 đi đôi với giảm dần mức nhập siêu của Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 4/2007, Trung Quốc có 437 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 1,182 tỷ USD, đứng thứ 14/77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tiềm năng phát triển của mối quan hệ Việt - Trung là rất lớn, với sự cố gắng chung của cả hai bên, mối quan hệ đó sẽ không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp hơn trong tương lai, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

  • Tags: