Với nhận thức sâu sắc về vai trò của khoa hoc – kỹ thuật trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ngay trong quyết định thành lập Tổng Cục Dầu mỏ Khí đốt Việt Nam, ngày 3/9/1975, Chính phủ đã đưa Viện Dầu khí Việt Nam vào danh sách những đơn vị thành viên đầu tiên của tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh dầu khí thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên gần 3 năm sau, ngày 22/5/1978, Viện Dầu khí Việt Nam mới chính thức ra đời.

Năm nay, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ngành. Thành tích lớn lao không thể phủ nhận của tập thể CBCNV ngành Dầu khí là đã đưa nước ta từ một nước không sản xuất được một giọt dầu hỏa để thắp đèn, trở thành một nước xuất khẩu dầu thô đứng thứ 3 trong khu vực và đóng góp 15% vào tổng GDP của cả nước trong năm 2004. Trong thành tựu đó, Viện Dầu khí đã có những đóng góp rất có giá trị, vì tất cả các kết quả nghiên cứu của Viện là cơ sở xác định chiến lược cũng như kế hoạch phát triển Ngành. Viện cũng là nơi cung cấp phần lớn số lượng cán bộ quản lý, công nghệ các cấp trong Tổng Công ty và các liên doanh, các nhà thầu dầu khí nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Viện hiện nay có 240 cán bộ, trong đó 81% có trình độ từ đại học trở lên với doanh thu hàng năm khoảng 30 tỷ đồng, đóng góp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước.

Kết quả hoạt động nghiên cứu: Từ năm 1980 đến nay, Viện được giao chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước như 22.01, 22A, KT01, KT03, KHCN-09, KC.09… với khoảng một trăm đề tài, từ nghiên cứu cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí tất cả các bể trầm tích ở Việt Nam đến các phương pháp công nghệ dầu khí, các nghiên cứu bảo vệ môi trường và các vấn đề quản lý - kinh tế trong các hoạt động dầu khí.

Ngoài nhiệm vụ nói trên, Viện là cơ quan chủ yếu thực hiện trên 200 đề tài cấp Ngành do Tổng Cục Dầu khí trước kia và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam giao để giải quyết các vấn đề hẹp, chuyên sâu phục vụ cho quản lý, triển khai sản xuất – kinh doanh trong các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của Ngành. Bên cạnh các đề tài này, còn có các đề tài hợp tác nghiên cứu với CCOP hoặc các đơn vị nghiên cứu nước ngoài thuộc Liên bang Nga, Ukraina, Anh, Pháp, Nhật, Đan Mạch… Những đề tài nghiên cứu của Viện, ngoài giá trị khoa học còn thực hiện chuyển giao công nghệ tiến bộ, đào tạo nhân lực về kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ, đồng thời cũng mang lại một nguồn thu đáng kể.

Thông qua các công trình nghiên cứu nói trên, tập thể cán bộ của Viện thuộc nhiều thế hệ đã thu thập, phân tích, tổng hợp nhiều nguồn tài liệu khoa học – kinh tế - kỹ thuật để đánh giá tiềm năng trữ lượng các cấp từ một tầng sản phẩm đến một mỏ, một khu vực, một bể trầm tích đến cả thềm lục địa Việt Nam, góp phần cùng các đơn vị nghiên cứu khác kiểm kê tài nguyên của đất nước, định hướng phát triển tương lai cũng như bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải mà cả dân tộc ta qua nhiều thời đại đã xây dựng. Con số tiềm năng dầu khí 4 tỷ tấn tương đương rất khô khan, ngắn gọn được công bố trên các văn liệu của Nhà nước chứa đựng bao nhiêu trí tuệ, năng lượng của các nhà khoa học trong và ngoài ngành Dầu Khí Việt Nam đã bỏ ra khó mà có thể hình dung được hết.

Dịch vụ khoa học kỹ thuật: Được sự đầu tư của Nhà nước, của Tổng Công ty và nhất là bằng các nguồn viện trợ phát triển ODA của chính phủ Pháp, Đan Mạch, Viện Dầu khí đã trang bị được các phòng thí nghiệm, các thiết bị xử lý rất hiện đại. Ngoài việc phục vụ nghiên cứu trong nội bộ, Viện đã sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật này để dịch vụ cho các nhà thầu nước ngoài, mang lại doanh thu hàng năm đến hàng triệu USD. Các kết quả phân tích mẫu, phân tích địa chất – địa vật lý – hóa học – cơ lý v.v… cùng các báo cáo phân tích – tổng hợp đi kèm đã hỗ trợ các công ty thành viên của Tổng Công ty, các nhà thầu nước ngoài nâng cao hiệu quả thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất kinh doanh các sản phẩm liên quan đến dầu khí ở Việt Nam. Từ năm 1994 đến nay, uy tín về dịch vụ khoa học công nghệ của Viện Dầu khí được khẳng định và nâng cao nhờ liên doanh, liên kết với công ty Corelab, đơn vị phân tích hàng đầu của Mỹ, và Golden Pacific Group, một đơn vị rất có uy tín của Mỹ trong lĩnh vực xử lý số liệu địa chấn. Các hợp tác liên doanh này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu nội địa và bắt đầu mở rộng dịch vụ ra khu vực. Ngoài vai trò góp phần xây dựng lực lượng lao động có công nghệ cao ngang tầm thế giới, còn đảm bảo bí mật quốc gia, giảm thiểu tối đa lượng mẫu và tài liệu nguyên thủy liên quan đến tài nguyên phải đưa ra nước ngoài phân tích, xử lý như trước kia.

Dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học, Viện Dầu khí đã làm tốt công tác tư vấn cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển Ngành. Hầu như tất cả các công ty dầu khí nước ngoài có ý định đầu tư ở Việt Nam đều tìm đến Viện Dầu khí để tổ chức các hội thảo khoa học – công nghệ, tìm hiểu kiến thức địa chất dầu khí Việt Nam và đã đánh giá cao về sự đóng góp của Viện cho các hoạt động của họ. Các tư vấn và nghiên cứu thẩm định trữ lượng các mỏ, các đề án nâng cao hệ số thu hồi dầu, các dự án tự lực của các Công ty Phát triển Đầu tư dầu khí, Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí, các dự án đầu tư ở Irắc, Indonesia, Malaysia, Libya cũng như các dự án quy hoạch phát triển, sử dụng khí đốt ở Việt Nam, tổ hợp khí – điện – đạm Phú Mỹ v.v… đều rất được hoan nghênh.

Đào tạo nhân lực: Về phương diện đào tạo, Viện chưa thực hiện trọn vẹn chức năng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho toàn Ngành vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Đến nay Viện mới tổ chức được các lớp đào tạo ngắn ngày do các chuyên gia nước ngoài hoặc giáo viên các trường đại học trong nước giảng dạy hoặc các hội thảo chuyên ngành. Viện cũng là nơi hàng năm có rất nhiều sinh viên đến thực tập, làm luận án tốt nghiệp. Việc đào tạo cấp thạc sỹ - tiến sỹ dầu khí còn nằm trong kế hoạch định hướng tương lai.

Phương hướng phát triển:

Mục tiêu chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đến năm 2020 được xác định gồm xây dựng Tổng Công ty thành một tập đoàn dầu khí mạnh ở khu vực Đông Nam á, có khả năng điều hành các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến và phân phối dầu khí, gia tăng trữ lượng thu hồi khoảng 150 - 200 triệu tấn quy dầu vào năm 2005 và vào khoảng 250 – 300 triệu tấn quy dầu vào năm 2010, đảm bảo sản lượng khai thác từ 22 – 24 triệu tấn quy dầu vào năm 2005 và từ 27 – 30 triệu tấn quy dầu vào năm 2010.

Để đáp ứng mục tiêu đó, toàn Tổng Công ty còn phải vượt qua rất nhiều thách thức gian nan. Về phần mình, Viện Dầu khí xác định đến năm 2010 sẽ xây dựng Viện thành một Học viện, hoàn chỉnh về tổ chức với một số trung tâm chuyên ngành được trang bị thiết bị đồng bộ , cân đối, có các phần mềm hiện đại, đủ sức đáp ứng các yêu cầu về quản lý, điều hành, nghiên cứu, dịch vụ, đào tạo, đưa công tác khoa học – công nghệ đi trước một bước, làm cơ sở vững chắc để thúc đẩy toàn bộ hoạt động của Tổng Công ty đạt trình độ khu vực.

Viện đã xác định các nhiệm vụ của minh như sau:

• Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, giải quyết các vấn đề kỹ thuật phục vụ điều tra cơ bản, xác định tiềm năng dầu khí các khu vực đến nay chưa được nghiên cứu, gia tăng trữ lượng thu hồi và sản lượng khai thác ở các khu mỏ.

• Nghiên cứu chi tiết cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí ở các vùng nước sâu, xa bờ, các vùng chưa được nghiên cứu đầy đủ và các vùng chồng lấn.

• Tiến tới làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò tiên tiến của thế giới, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ khoan, khai thác, tăng khả năng thu hồi tại các mỏ đang và sẽ đưa vào khai thác, phát triển các mỏ dầu khí nhỏ hoặc chứa hàm lượng CO2 cao.

• Nghiên cứu các dự án về khí, các giải pháp phát triển thị trường khí đốt.

• Nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác và bảo dưỡng các công trình dầu khí, tiến tới thực hiện chức năng thẩm định các công trình dầu khí.

• Chế tạo các tổ hợp sinh hóa phục vụ khai thác, vận chuyển dầu khí đặc thù của Việt Nam.

• Nghiên cứu các vấn đề quản lý, kinh tế, tài chính dầu khí.

• Triển khai đào tạo cán bộ sau đại học và nâng cấp trinh độ chuyên môn, ngoại ngữ phục vụ nhu cầu trong Viện, trong Ngành.

• Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nghiên cứu, dịch vụ trong Ngành.

• Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ trong Viện và đẩy mạnh các hoạt động xã hội, mà Viện có khả năng tham gia.

Với một truyền thống tốt đẹp và một đội ngũ cán bộ được rèn luyện, có tâm huyết, Viện Dầu khí tin tưởng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thành công các mục tiêu của mình và góp phần xứng đáng để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành Dầu Khí Việt Nam cũng như của đất nước trong tuong lai./.

  • Tags: