Làm cho nước Việt Nam ngày càng hùng mạnh trọng trách của doanh nghiệp Việt Nam thời hội nhập

Một đất nước trải qua ngàn năm phong kiến phương Bắc đô hộ mà không hề bị đồng hóa. Một đất nước trải qua 30 năm chiến tranh khốc liệt với những cường quốc của thế kỷ XX để vùng lên giành độc lập. Đó

 

Trong quá khứ hào hùng của dân tộc, Việt Nam          không hề là một nước nhỏ, nhưng Việt Nam hiện còn là một nền kinh tế ở trình độ thấp so với các nước trên thế giới và thua kém xa các nước trong khu vực về tiềm năng và trình độ phát triển trong vài thập kỷ trước đây. Nền tảng kinh tế thấp đó, cùng với một số yếu tố khác, khó tạo điều kiện cho nguồn nhân lực-vốn quý của đất nước phát huy. Và khi hiền tài cùng nguồn nhân lực chưa được phát huy sẽ làm cho nền kinh tế và các mặt của đời sống xã hội không thể phát triển cao được.

Mỗi người Việt Nam có lương tri đều thấy đau lòng và có trách nhiệm trước thực trạng này. Nếu người lính là nhân vật trung tâm trong thời chiến-những anh hùng làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc, thì trong thời bình doanh nhân phải là nhân vật trung tâm, là lực lượng xung kích đưa đất nước đi lên, theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thế giới ngày nay dần dần trở thành một “làng toàn cầu”, trong đó hàng tỷ người thuộc các quốc gia, các dân tộc khác nhau vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trong cuộc đua quyết liệt để phát triển và khai thác những thành quả lớn lao do khoa học công nghệ mang lại làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Trong cuộc đua tranh đó, thắng lợi sẽ thuộc về nước nào có môi trường thuận lợi cho nguồn nhân lực phát huy hết tài năng cũng như sức sáng tạo vô tận trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kinh doanh để xã hội phát triển ngày càng cao hơn.

Nước ta đang tiến bước trên con đường hội nhập quốc tế để tham gia vào “làng toàn cầu”. Cơ hội, thách thức mới đang đến với chúng ta. Cơ hội rất lớn để tham gia thị trường toàn cầu, khai thác và tạo thêm những lợi thế vốn có, đưa sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh và giành lấy vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Thời cơ rất lớn để tiếp cận những thành quả khoa học, công nghệ, những nguồn vốn, những kỹ năng quản trị và kinh doanh của các nước tiên tiến, kết hợp với nguồn lực sẵn có trong nước để tạo nên sức mạnh mới cho nền kinh tế. Thời cơ rất lớn để tự điều chỉnh, hoàn thiện mình về mặt thể chế, môi trường kinh doanh, xây dựng và nâng cao năng lực của toàn thể đội ngũ người Việt đang tham gia các khâu khác nhau trong guồng máy kinh tế của đất nước, làm cho guồng máy đó vận hành với năng suất ngày càng cao, chất lượng ngày càng tốt, đủ sức cạnh tranh với thị trường khu vực và trên thế giới. Đồng thời, thách thức càng trở nên gay gắt hơn trên cả sân khách lẫn sân nhà, khi những luật chơi ngày càng khắc nghiệt và phức tạp cùng những hàng rào tinh vi ẩn hiện đầy thách đố, khi chúng ta từ điểm xuất phát thấp, với năng lực còn nhiều hạn chế phải lao vào nhập cuộc, vừa chơi vừa học, vừa tự điều chỉnh để thích ứng và phát triển trong một thế giới đang chuyển động cực nhanh.

Nắm bắt những thời cơ, vượt qua những thách thức mới là nhiệm vụ hết sức nặng nề của Việt Nam trong thời gian tới. Nhất là trong những năm đầu hội nhập, khi thách thức ập đến rất nhanh và phải tự vượt qua nhưng thời cơ thì không đến nhanh và nhiều người cùng tranh giành lấy. Những năm đầu tham gia WTO cũng là những năm chúng ta mong muốn vượt lên nhanh để thoát khỏi ngưỡng nghèo, từ đó, cất cánh bay lên, xây dựng nền kinh tế nước nhà ngày một cường thịnh. Như vậy, nhiệm vụ của chúng ta trong mấy năm tới nặng gấp nhiều lần và trọng trách của doanh nhân Việt Nam trong thời hội nhập quốc tế cũng tăng gấp bội.

Để doanh nhân Việt Nam có thể làm tốt sứ mệnh của mình, nhà nước và xã hội rất cần hỗ trợ cho họ. Sự hỗ trợ quan trọng nhất, cần thiết nhất là tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, ổn định, trong đó mọi doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng và được đối xử công bằng. Môi trường đó phải bao gồm hệ thống luật pháp và chính sách tốt, hệ thống hành chính hữu hiệu, đội ngũ công chức có năng lực chuyên môn, tận tâm và trong sạch. Môi trường đó phải đảm bảo sự cung ứng các dịch vụ hạ tầng, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và các dịch vụ khác với chất lượng tốt, hiệu quả cao. Môi trường đó cũng cần bao hàm một xã hội lành mạnh, ham học hỏi và tiến bộ, cởi mở, tôn trọng và hợp tác với nhau, cùng nhau làm cho cuộc sống của mỗi người ngày càng văn minh, hạnh phúc.

Chúng ta luôn kỳ vọng giới doanh nhân của Việt Nam sẽ cùng giới trí thức và các tầng lớp khác làm nên sự nghiệp lớn cho đất nước trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế trong những năm tới. Nền kinh tế Việt Nam sẽ không còn nhỏ bé. Người dân Việt Nam sẽ không còn nghèo nàn lạc hậu. Rồi đây, những trí thức Việt, doanh nhân Việt tài năng sẽ sáng tạo ra ngày càng nhiều những sản phẩm mang trí tuệ Việt, thương hiệu Việt cạnh tranh, nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Làm cho nước Việt Nam ngày càng hùng mạnh, ngẩng cao đầu, sánh vai cùng các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới đi vào thời đại mới là trọng trách và niềm vinh hạnh của giới doanh nhân Việt Nam thời hội nhập. Đội ngũ doanh nhân nước ta đang ngày càng đông đảo, trẻ trung hơn, giàu trí tuệ và sức sáng tạo hơn, mang nặng lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, tràn đầy khát vọng vươn lên và chiến thắng trong cuộc chiến mới trên thương trường. Chắc chắn đội ngũ đó sẽ thành công trong sự nghiệp vẻ vang này.

  • Tags: