Bàn về chính sách thuế đối với ngành Thép

Trong những năm gần đây, ngành Thép phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là việc tập trung đầu tư sản xuất phôi thép. Nếu như trước năm 2005 chỉ có Công ty Gang thép Thái Nguyên là đơn vị duy nhất sản xuất đư

 

Trước năm 2008, nền kinh tế thế giới luôn tăng trưởng ở nhịp độ cao nên nhu cầu về sắt thép rất lớn. Giá sắt thép luôn biến động theo chiều hướng đi lên. Các năm từ 2004 đến 2007, giá phôi thép tăng từ 220USD/tấn lên tới 750USD/tấn. Chính vì vậy, ngành Thép thu được lợi nhuận cao. Năm 2007, Thép Hoà Phát lợi nhuận đạt 642 tỷ đồng, Phôi thép Đình Vũ lợi nhuận đạt 81tỷ đồng. Diễn biến của thép xây dựng cũng không phải là ngoại lệ. Giá tăng liên tục từ mức 8.000đ/kg vào tháng 7/2007 lên 16.000đ/kg vào tháng 4/2008. Sở dĩ giá thép tăng vì giá phôi thép thế giới cũng liên tục tăng từ mức 500 USD/tấn tháng 7/2007, lên 900 USD/tấn vào tháng 5/2008. Ngành Thép đã xảy ra một hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Một lượng thép lớn phôi thép và thép tấm được xuất ngược ra nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ tính 7 tháng đầu năm 2008, ngành Thép đã xuất 391.826 tấn phôi thép và 880.633 tấn thép tấm lá các loại.

Tuy nhiên, đến năm 2008 thì tình hình trở nên rất khó khăn đối với ngành Thép. Nếu như đầu năm, các công ty thép đều có lãi thì đến hết năm 2008, phần lớn các công ty sản xuất phôi thép đều bị lỗ. Thép Hoà Phát lỗ 113 tỷ đồng, Phôi thép Đình Vũ lỗ 246 tỷ đồng. Do khủng khoảng thế giới, giá phôi giảm mạnh từ 1.100 USD/tấn xuống còn 310-410 USD/tấn, kéo theo giá thép phế cũng bị rơi từ USD 700/tấn xuống còn 190-280 USD/tấn. Do việc giảm giá quá nhanh trong thời gian ngắn, lượng tồn kho cả phôi và thép phế nhiều làm cho các đơn vị bị lỗ rất lớn. Ngoài nguyên nhân chính là khủng khoảng kinh tế thế giới, một phần còn do chính sách thuế xuất nhập khẩu bất hợp lý cũng làm cho các đơn vị sản xuất phôi thép bị thiệt đơn thiệt kép. Việc tăng thuế xuất khẩu từ 2% lên 10% và sau đó là 20% làm cho các đơn vị sản xuất và kinh doanh sắt thép không thể xuất được hàng. Nhiều đơn hàng đã ký hợp đồng với khách hàng buộc phải huỷ, vì bên mua không chấp nhận tăng giá. Và hậu quả là, phần lớn nhà sản xuất phôi đều bị lỗ nặng. Có thể khẳng định, nếu không tăng thuế xuất khẩu đối với phôi thép, hàng trăm nghìn tấn phôi và thép đã được xuất khẩu, mức độ thua lỗ của ngành Thép sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng.

Đứng trước tình hình đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có dự báo giá thép còn tăng cao và e ngại phải nhập khẩu thép với giá cao trong những tháng tiếp theo, ảnh hưởng đến mục tiêu bình ổn giá. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu, trình phương án giải quyết. Bộ Công Thương có văn bản gửi Tổng công ty Thép VN và Hiệp hội Thép VN, yêu cầu báo cáo giải trình và đề xuất. Tổng công ty Thép và Hiệp hội Thép cùng có văn bản kiến nghị áp dụng mức thuế xuất khẩu đối với phôi thép là 5%, sau đó 10% và 20%. Tiếp đó, Bộ Tài chính liên tục có chính sách nhằm hạn chế triệt để việc xuất khẩu thép. Quyết định áp thuế xuất nhập khẩu phôi cụ thể như sau:

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sử dụng giấy phép xuất khẩu tự động để kiểm soát việc xuất khẩu mặt hàng này. Đương nhiên, với những biện pháp mạnh như trên, không doanh nghiệp nào có thể xuất khẩu được. Câu hỏi đặt ra là, tại sao có việc xuất khẩu ngược? Có thể lý giải bằng các nguyên nhân chính sau đây:

- Chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Nhu cầu sắt thép giảm đã làm gia tăng chêch lệch giá thép trong nước và thế giới lên khoảng 100-120 USD/tấn.

- Lượng phôi thép, thép tấm, thép lá được nhập khẩu khá nhiều so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Việc nhập khẩu này có yếu tố đầu cơ để chờ tăng giá

- Các doanh nghiệp đến thời kỳ phải trả nợ ngân hàng.

Nếu biết được bản chất việc xuất khẩu ngược mặt hàng thép, thì có lẽ Nhà nước không cần thiết phải hạn chế xuất khẩu, mà thậm chí cần phải khuyến khích xuất khẩu thép. Vì vào thời điểm thàng 6/2008, thâm hụt cán cân thương mại rất lớn. Trong khi GDP của nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 1 con số thì lượng sắt thép nhập khẩu năm 2007 so với 2006 tăng 56,6%, chỉ 6 tháng đầu năm 2008 số lượng thép nhập khẩu bằng cả năm 2007. Ai cũng thấy sự bất thường ở đây.

Rõ ràng, nhu cầu thực về thép cho nền kinh tế không đến mức đó. Có thể lý giải, khi giá thép liên tục tăng, cứ mua vào là có lãi, nên rất nhiều công ty vay vốn mua thép để kinh doanh ăn chênh lệch (giống như hành vi buôn chứng khoán vào những năm 2004-2006) mang tính đầu cơ rất cao. Đầu cơ thì luôn tiềm ẩn độ rủi ro cao. Đáng lẽ ra, trong giai đoạn này, Nhà nước phải có khuyến cáo, hạn chế nhập mà khuyến khích xuất để cải thiện cán cân thương mại, thu hồi vốn kinh doanh, giảm bớt rủi ro thì chúng ta làm ngược lại. Hơn nữa, việc xuất khẩu không ảnh hưởng đến chính sách bình ổn giá, vì lúc này đã có dấu hiệu rõ nét nhu cầu về sắt thép trong nước đã giảm. Chỉ có công trình xây dựng dở dang mới có nhu cầu về thép. Với chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cao, ít có dự án sẽ khởi công.

Khi đưa ra chính sách này, các cơ quan quản lý đã không tính hết mọi khả năng có thể xảy ra. Những người làm công tác quản lý mới chỉ giả thiết, giá tăng thì ảnh hưởng đến chính sách bình ổn giá. Họ chưa tính đến vấn đề ngược lại là nếu giá giảm thì sao? Lúc đó ai là người bị thua thiệt và hậu quả xử lý như thế nào? Ngoài ra, còn phải kể đến độ trễ thời gian ra quyết định quá lớn, làm cho chính sách không phù hợp với hoàn cảnh thực tế, không phù hợp với đặc thù biến động rất nhanh của thị trường. Thật vậy, khi thị trường thế giới đã có dấu hiệu khủng khoảng thì Bộ Tài chính cũng không có phản ứng kịp thời là giảm thuế xuất khẩu. Trong bối cảnh thế giới khủng khoảng, các nước đều lo cơn bão hàng phá giá tràn vào và họ đã nhanh chóng dựng lên hàng rào bảo hộ thì chúng ta không những không dựng hàng rào thuế quan lên mà còn đánh thuế xuất khẩu. Việc áp thuế xuất khẩu ở mức cao được duy trì ngay cả khi khủng khoảng thế giới xảy ra. Trong khi đó thuế nhập khẩu phôi là 0%.

Năm 2008, ngành Thép mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phôi trong nước. Trong giai đoạn nền kinh tế vận hành bình thường, chúng ta chỉ cần đưa ra chính sách duy trì giá sắt thép tương đương giá thế giới là được. Không nhất thiết phải bắt các đơn vị sản xuất thép gánh vác những công việc vượt quá sức. Việc đánh thuế này rõ ràng không phù hợp với định hướng phát triển của ngành Thép.

Mặt khác, rất nhiều công ty sản xuất phôi là thành viên Hiệp hội Thép đều không hiểu tại sao và hết sức ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi Hiệp Hội Thép lại gửi công văn đề nghị tăng thuế xuất khẩu phôi thép khi không tham khảo ý kiến của các đơn vị sản xuất phôi. Và cơ sở nào để Hiệp hội Thép đề nghị mức thuế 10%, sau đó là 20%.? Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, Hiệp hội Thép làm việc theo ý chí chủ quan nhiều hơn là nói lên tiếng nói của các thành viên và dựa trên cơ sở thực tế. Hoạt động Hiệp hội Thép trong thời gian qua chưa bảo vệ đựơc quyền lợi hợp pháp của các thành viên. Mặt khác, bản thân các đơn vị kinh doanh thép cũng rất thụ động trong việc tham gia vào việc hoạch định chính sách, đôi khi còn bàng quan. Và chỉ khi chính sách đã ban hành và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của mình, các doanh nghiệp mới cuống cuồng kiến nghị điều chỉnh chính sách, nhưng đã trễ.

Từ những phân tích trên đây, để ngành Thép phát triển bền vững và tham gia bình ổn giá lâu dài theo chỉ đạo chung của Chính phủ, khi ra chính sách thuế đối với ngành Thép cần phải lưu ý một số điểm sau:

- Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa khi đưa ra các chính sách giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp trong ngành Thép.

- Hơn ai hết, vì quyền lợi sát sườn của ngành, Hiệp hội Thép phải là người có tiếng nói trung thực, khách quan trên cơ sở phân tích các chỉ số vĩ mô để tham mưu cho Chính phủ. Việc kiến nghị lên Thủ Tướng Chính phủ cần phải có sự tham gia tích cực và chủ động của các thành viên Hiệp hội. Hiệp hội cũng cần xây dựng lại qui trình xin ý kiến và đóng góp ý kiến cho Chính phủ.

- Cần phải nhìn nhận sự việc theo đúng bản chất của nó trên cơ sở phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô và vi mô. Chính sách tiền tệ, tài khoá, cán cân thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu của mặt hàng, nhu cầu thực tế (có so với nhu cầu của những năm trước), bối cảnh của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của ngành so với thế giới, khi đưa ra các con số về thuế xuất cần có căn cứ rõ ràng.

- Phân tích tác động của chính sách trên các khía cạnh khác nhau. Các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách là gì. Cần đề ra các kịch bản giải quyết nếu chính sách tác động theo chiều hướng tiêu cực. Có phương án khi nền kinh tế vĩ mô thay đổi.

- Thời gian để ra chính sách phải rất kịp thời và duy trì chính sách như thế nào để chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất theo mục đích ban đầu phù hợp với tình hình kinh tế trong mỗi giai đoạn.

  • Tags: