Để thực hiện thắng lợi định hướng của tỉnh Quảng Nam, phấn đấu đến năm 2020, Quảng Nam cơ bản tỉnh công nghiệp, những năm qua ngành CN-TTCN thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có những chuyển biến đáng kể. Nếu như năm 1997, giá trị sản xuất toàn ngành theo giá cố định 1994, chỉ đạt 39,7 tỷ đồng thì đến năm 2006, giá trị sản xuất đã đạt gần 366,4 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần. Có được sự chuyển dịch mạnh mẽ như vậy, trong 10 năm qua (1997-2006), ngành CN-TTCN đã nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, đem lậi hiệu quả cao.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, quy hoạch ngành, ngành CN-TTCN Hội An đã xây dựng quy hoạch phát triển giai đoạn 20060-2015 và có tính đến năm 2020. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã và đang hình thành các cụm công nghiệp - đô thị – dịch vụ (CN-ĐT-DV) như cụm Thanh Hà, cụm CN -ĐT Cẩm Hà, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của thị xã. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ của người dân, Ngành đã tham mưu lập phương án chuyển đổi nghề sản xuất gạch, ngói, vôi nung tại phường Thanh Hà với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng, nhằm ổn định đời sống cho người lao động. Đời sống của các hộ sản xuất gạch, ngói, vôi nung thủ công đã từng bước ổn định, trả lại môi trường trong lành cho cư dân sống tại làng nghề, cảnh quan làng nghề ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Trong năm 2005, Ngành đã tiến hành điều tra, khảo sát đối với hai nhóm ngành nghề may và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Các số liệu điều tra đã thể hiện thực trạng để làm cơ sở cho Thị xã có những định hướng quan trọng phát triển 2 nhóm ngành này trong thời gian đến.
Thông qua việc tham gia các hội chợ, tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương, ngành CN-TTCN đã xây dựng định hướng phát triển một số nghề phù hợp với điều kiện thực tế của thị xã như nghề sản xuất gốm, mộc, cói, mây tre, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, năm 2005, ngành CN-TTCN đã phối hợp với UBND phường Thanh Hà và cơ sở sản xuất triển khai đề tài xây dựng một lò thủ công, cải tiến đốt lò gốm với khối lượng 15 m3/lò. Đề tài đã được nghiệm thu đạt kết quả tốt, chất lượng sản phẩm ổn định, tiêu hao nhiên liệu giảm và lượng khí thải rõ rệt.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất cũng đã có nhiều ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm đa dạng hóa chủng loại, kiểu dáng sản phẩm và tăng năng suất lao động như: Chế biến các sản phẩm hải sản khô tẩm theo công nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc; xây dựng lò sấy hải sản đốt bằng gaz ở các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Nghề sản xuất đèn lồng đã ứng dụng nguyên lý xếp mở của cây dù để thay thế chuôi tre bằng gỗ, nhằm tăng sự tiện tích, chất lượng và hạ giá thành. Việc ứng dụng cơ giới hóa thay thế các công đoạn lao động thủ công trong khắc chạm sản phẩm gỗ; trang thiết bị cơ khí và sơn tĩnh điện trong sản xuất hàng gỗ xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Cẩm Hà và Xí nghiệp mộc Việt Đức đã góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
Một số cơ sở sản xuất CN-TTCN đã tập trung đầu tư trang thiết bị chuyên dùng để nâng cap chất lượng, số lượng sản phẩm như Xí nghiệp May xuất khẩu Hội An, Công ty TNHH Đông An.
Trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ, những năm qua, ngành CN-TTCN đã vận động và phối hợp với 35 cơ sở sản xuất đèn lồng xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng đèn lồng và đăng ký công bố chất lượng đèn lồng cấp cơ sở. Trên cơ sở đó, ngành đã vận động các cơ sở sản xuất đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể đèn lồng Hội An, và hiện đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng bảo hộ sản phẩm để triển khai sử dụng tem nhãn hiệu hàng hóa tập thể trên sản phẩm đèn lồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực KH-CN , ngành CN-TTCN thị xã cũng cần khắc phục những hạn chế tồn tại. Đó là việc nắm bắt và ứng dụng các phương tiện về khoa học – công nghệ cho ngành nói chung và cơ sở sản xuất nói riêng còn nhiều yếu kém do chưa có cán bộ quản lý khoa học – công nghệ của ngành chưa có. Cơ chế khuyến khích các tổ chức, cơ sở sản xuất áp dụng khoa học – công nghệ, chưa tạo được phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nguồn kinh phí phục vụ công tác khoa học – công nghệ chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức.
Để thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thị xã, giai đoạn 2006-2010, ngành CN-TTCN cần tiếp tục huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển vững chắc cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành theo định hướng, tăng chất lượng và giá trị hàng xuất khẩu; duy trì và tạo thêm nguồn hàng hóa đa dạng đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, phục vụ kinh tế biển và kinh tế du lịch địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn, cơ cấu kinh tế của thị xã theo hướng CNH, HĐH. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến mẫu mã để đa dạng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác sản xuất – kinh doanh dưới nhiều hình thức thích hợp, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, việc tăng cường và củng cố bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học – công nghệ các cấp, nhất là đối với ngành CN-TTCN cần phải được quan tâm. Ngoài ra, cần phải chú trọng bố trí cán bộ KH-CN có trình độ chuyên môn và trang bị thiết bị cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ KH-CN . Tăng cường công tác thông tin KH-CN , nhất là cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh ngành CN-TTCN nhằm cải tiến, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Tranh thủ các nguồn vốn của trung ương, của Tỉnh cũng như nguồn kinh phí KH-CN của Thị xã để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhiều khó khăn, nhằm đưa tiến bộ KHCN vào phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh. Nghiên cứu hình thành các cơ sở dịch vụ KHCN chuyên ngành để giúp cho các ngành, các đơn vị, cơ sở sản xuất xây dựng và tổ chức thực hiện các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ.