Là lãnh thổ thuộc Tây Nam Thái Bình Dương, cách ôtxtrâylia khoảng 2000 km, Niu Di-lân có diện tích 268.676 km2 với nhiều vịnh và núi lửa, suối nước nóng, rừng nhiệt đới, các di sản văn hóa nổi tiếng thế giới như các vườn quốc gia Te Wahirpounamu, Tongario...và các thành phố lớn như Auckland (1,1 triệu người), Wellington (346.000 người), Christchurch (341.000 người).

Niu Di-lân là nước quân chủ nghị viện, người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Hê len - lac.

Dân số của nước này là 3,8 triệu người với mật độ 14,1 người/km2, phần lớn người Niu Di-lân có gốc châu Âu và quần đảo Pô-li-nê-di. Khoảng 85% dân số sống ở các thành phố và thị trấn. Theo thống kê của Liên hợp quốc, Niu Di-lân là một trong những quốc gia trên thế giới có tuổi thọ trung bình cao: 77,2 năm. Mức sống của người dân Niu Di-lân tương đối cao với 3/4 số dân đều có nhà riêng và phần lớn các hộ đều có đầy đủ các tiện nghi như ô tô, ti vi, điện thoại, tủ lạnh, máy giặt...

Ngôn ngữ chính của Niu Di-lân là tiếng Anh, ngoài ra còn sử dụng tiếng Mouri.

Đất nước này có nền kinh tế khá phát triển, tổng sản phẩm quốc nội đạt 72,8 tỷ USD, thu nhập GDP bình quân đầu người đạt 19.104 USD/người/năm. Cơ cấu kinh tế theo tỷ lệ: Công nghiệp là 25%, nông nghiệp 9% và dịch vụ 66%, tỷ lệ thất nghiệp: 5,7%.

Nông-công nghiệp: Là nước nổi tiếng thế giới về sản xuất các mặt hàng nông sản. 1/2 doanh thu xuất khẩu là từ mặt hàng này. Ngành chăn nuôi rất phát triển với 9 triệu gia cầm và 45 triệu con cừu được sử dụng hiệu quả trong nông nghiệp, đồng thời cho sản lượng thịt và len chất lượng cao.

Tài nguyên khoáng sản chủ yếu là dầu, khí đốt và than đá. Do có nhiều sông ngòi và nhiều vịnh núi lửa nên đất nước này có tiềm năng lớn về thủy điện và địa nhiệt. Các ngành công nghiệp gồm có công nghiệp rừng và sản phẩm rừng, ngư nghiệp, thuộc da, xi măng, phân bón, thủy tinh, thép, lọc dầu...

Ngoại thương: Nền kinh tế Niu Di-lân phụ thuộc nhiều vào buôn bán quốc tế. Các mặt hàng xuất khẩu gồm sữa bột, bơ, pho mát, thịt và sản phẩm thịt, gỗ, sản phẩm gỗ, hải sản, hoa quả, len, máy móc...trong đó, hàng nông sản chiếm tỷ trọng lớn. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là dầu và các sản phẩm dầu, đường, quần áo và hàng điện tử. 

Quan hệ quốc tế: Niu Di-lân đã thiết lập quan hệ kinh tế, văn hóa với nhiều quốc gia ở Nam Thái Bình Dương và ốtxtrâylia. Ngoài ra, còn mở rộng buôn bán với các nước châu Mỹ La Tinh, Trung Cận Đông, châu Phi, Nga, Trung và Đông Âu. Niu Di-lân còn là thành viên của Liên hợp quốc và các tổ chức trong khu vực như Diễn đàn Nam Thái Bình Dương, WTO và OECD.

Niu Di-lân thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 19/6/1975, trong năm qua, Chính phủ Niu Di-lân đã viện trợ ODA cho Việt Nam trị giá trên 9,2 triệu USD, chủ yếu cho các dự án đào tạo cán bộ, hiện đại hóa mạng lưới thông tin đường sắt, phát triển nông nghiệp. Đến nay, Niu Di-lân chỉ có 9 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 40 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sữa, chế biến gỗ... Kết quả này còn thấp so với tiềm năng nổi bật về vốn và công nghệ trong các lĩnh vực ngư nghiệp, khai thác chế biến gỗ, và sản xuất sữa và pho mát của Niu Di-lân. Năm 2002, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước đạt trên 90 triệu USD. Những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu  sang Niu Di-lân là giầy dép, dệt may, đồ gỗ, cà phê, ca cao...Trong đó, hàng may mặc, giầy dép của Việt Nam được xuất khẩu mạnh sang thị trường Niu Di-lân. Trong những năm tới, bên cạnh những mặt hàng truyền thống, Việt Nam có thể đẩy mạnh hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Niu Di-lân. Tuy nhiên, phía Niu Di-lân  cần cung cấp thông tin về hệ thống hàng rào tiêu chuẩn nhập khẩu hàng thực phẩm, giúp đỡ trong công tác giám định chất lượng hàng xuất khẩu và xây dựng các quy trình kiểm tra và cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế...Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Niu Di-lân Hê Len-Clac tháng 10/2003 vừa qua, đã góp phần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mà hai nước có tiềm năng như thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục-đào tạo...Tại các buổi tọa đàm, hai bên cũng đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế mà hai nước tích cực tham gia như ASEAN, APEC, ARF...Đồng thời, hai nước đã ký hiệp định hợp tác vận chuyển Hàng không Việt Nam - Niu Di-lân; xúc tiến đàm phán để ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần...

Để tăng cường mở rộng hợp tác với các nước châu á và nhận viện trợ từ Niu Di-lân, Cơ quan Viện trợ phát triển châu á (ADAF) là bộ phận của Tổ chức viện trợ phát triển chính thức của Niu Di-lân, có vai trò tài trợ cho các dự án phát triển thông qua quan hệ đối tác giữa các nước châu á với Niu Di-lân, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của ADAF là:

- Hỗ trợ cho phát triển bền vững và tiến bộ xã hội bằng các hình thức: Đáp ứng các nhu cầu phát triển được xác định tại địa phương; Đưa ra các đề xuất tập trung vào công tác giảm nghèo và xây dựng năng lực nội sinh; Phát triển khả năng tham gia, đặc biệt quan tâm đến các nhóm người chịu thiệt thòi; Lập các chiến lược kinh tế hợp lý, giúp duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên.

- Hỗ trợ các sáng kiến phát triển thông qua việc lập kế hoạch thiết kế và thực hiện dự án

- Hỗ trợ cho việc thiết lập các quan hệ đối tác hữu hiệu và hai bên cùng có lợi với các doanh nghiệp của Niu Di-lân. ADAF tài trợ không hoàn lại cho 3 loại hoạt động: Xây dựng năng lực nội sinh (100.000 USD; Phát triển dự án (500.000 USD) và đầu tư (500.000 USD). Trong những năm gần đây, hoạt động của ADAF tập trung vào các lĩnh vực: Đào tạo nhân viên y tế, đào tạo lâm nghiệp cộng đồng, trồng rừng, trồng cây công nghiệp; Nghiên cứu nhu cầu đào tạo, duy tu đường nông thôn; Thiết lập các chương trình hợp tác đào tạo giữa các trường đại học; Lập bản đồ lâm nghiệp; củng cố thể chế cho các cơ quan Chính phủ; Nghiên cứu khả thi cho việc quản lý rừng, sản xuất cà phê hộ gia đình, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hiện đại hóa thông tin đường sắt, sản xuất chăn len, cấp thoát nước nông thôn, tăng cường khả năng tham gia thẩm định và quy hoạch; Phục hồi rừng và nâng cấp cảnh quan; Kế hoạch thực hiện liên kết năng lượng; Du lịch.... Các doanh nghiệp Việt Nam  và doanh nghiệp Niu Di-lân cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc soạn thảo đề án để xin tài trợ ADAF. Mọi thông tin chi tiết, các doanh nghiệp cần tham khảo ADAF theo địa chỉ Internet: http: // www. Mft. Govt.nz/nzoda/adaf.html.    

Bên cạnh những kết quả hợp tác đã đạt được giữa hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam với Niu Di-lân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do xa cách nhau về địa lý, thị trường Niu Di-lân còn nhỏ với số dân ít, nên sức tiêu thụ thấp, các quy định về nhập khẩu hàng rất chặt chẽ và đây là thị trường mới, ít thông tin nên chưa hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam.  Với những thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ của hai nước, chúng ta tin tưởng rằng, triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Niu Di-lân sẽ phát triển hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của hai nước

  • Tags: