Làm gì để tăng sức cạnh tranh của ngành cơ khí?

Hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng. Nhận thức được vấn đề này, trong mấy năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều c

PV: Xin Ông cho biết quá trình phát triển của Hội Cơ khí Việt Nam?

Ông Đào Phan Long: Hội KHKT Cơ khí Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1988, tại Hà Nội, với gần 300 cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo, công nhân bậc cao... hoạt động trong ngành cơ khí của đất nước. Và cũng từ đó, Hội KHKT cơ khí Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.

Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên (1988 -1993), Hội đã có một số hoạt động để liên kết ngành Cơ khí thực hiện sản xuất một số máy phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng khoán sản phẩm và bước đầu tổ chức sản xuất thiết bị toàn bộ như chế tạo thiết bị cho Nhà máy thủy điện Phú Ninh, các nhà máy mía đường cỡ vài trăm tấn mía/ngày... Cũng trong thời gian này, Hội đã nhận được sự hỗ trợ và phối hợp hoạt động của một số doanh nghiệp sản xuất cơ khí, Viện nghiên cứu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Cơ khí & luyện kim và một số Bộ ngành, địa phương trong cả nước. Đồng thời, Hội đã thu hút được các hội cơ khí thành viên tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Hồ Chí Minh, Hội cơ khí nông nghiệp, Hội cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội và một số chi hội..., nâng  số lượng hội viên trong toàn quốc lên khoảng 2000 người.

Nhiệm kỳ II (1993 -1998), ngành cơ khí cả nước gặp rất nhiều khó khăn trong cơ chế kinh tế chuyển đổi, cho nên Hội cũng gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động và phát triển Hội. Song Hội vẫn nhận được sự hỗ trợ và phối hợp của Bộ Công nghiệp Nặng và vẫn duy trì tốt mối quan hệ mật thiết với các Hội thành viên. Năm 1997, sau Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ Khoá VII quyết định đưa đất nước thực hiện sự nghiệp CNH,HĐH đất nước, cũng là năm cuối nhiệm kỳ II của Hội, Thường vụ TW Hội đã chủ động chuẩn bị những ý kiến tư vấn, nhằm đánh giá rõ thực trạng ngành Cơ khí Việt Nam và đề xuất phương hướng nhận thức lại vai trò, vị trí của ngành đối với sự nghiệp CNH đất nước. Ngoài ra, cũng từ những hoạt động tập hợp trí tuệ, thu thập nguyện vọng của những người làm cơ khí trong toàn quốc, Hội coi đó là một hoạt động quan trọng để từng bước xác định lại vị trí, vai trò của ngành cơ khí trước vận hội cũng như những thách thức mới của đất nước. Chính vì vậy, cuối nhiệm kỳ II với những ý kiến, tư vấn quan trọng để phát triển ngành Cơ khí Việt Nam , Hội KHKT Cơ khí Việt Nam đã được nhiều doanh nghiệp hoan nghênh xin gia nhập Hội, Hội đã phát triển mạnh với 14 hội thành viên, đại diện trên cả nước cho lực lượng cơ khí trong Xây dựng, Giao thông vận tải, đóng tầu thủy, toa xe hoả...

Có thể nói, hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ III ( 1998 - 2003) rất có hiệu qủa và uy tín, từ những kiến nghị tâm huyết đầy tinh thần trách nhiệm của Hội với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về sự cần thiết nhận thức lại vị trí quan trọng của ngành, Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển cơ khí, và đã tạo điều kiện cho nhiều Tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất cơ khí trong nước có cơ hội để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, tăng sản phẩm chiếm lĩnh thị phần trong nước và từng bước xuất khẩu các sản phẩm của mình trong ra các nước khu vực và quốc tế.

PV: Vậy theo Ông, để nâng cao vai trò hoạt động của Hội thì cần có những biện pháp gì?

Ông Đào Phan Long: Nhìn lại 3 nhiệm kỳ hoạt động đã qua, có thể rút ra một số bài học trong hoạt động của Hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp phi chính phủ như sau:

Do đặc thù hoạt động Hội khác hoạt động quản lý, cho nên mục tiêu và tổ chức triển khai công tác phải được mọi người đồng tình trên tinh thần dân chủ và vì sự nghiệp chung. Đã là Hội, có nghĩa là vui vẻ, cho nên Ban Thường vụ, Thường trực lãnh đạo Hội và Ban CHTW phải thật sự đoàn kết, tôn trọng nhau, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhau để tạo sự thống nhất cao trong công tác. Ban lãnh đạo Hội cần có đủ uy tín và năng lực để đại diện Hội triển khai công tác và thường xuyên xây dựng mối quan hệ tốt, tin cậy đối với các cơ quan, cá nhân có liên quan.

Một yếu tố rất quan trọng để Hội hoạt động có hiệu quả và nhiệt tình trách nhiệm cao, sáng tạo của cơ quan thường trực gồm Chủ tịch, Tổng thư ký và văn phòng Hội. Nếu bộ phận thường trực không năng động, sáng tạo, chủ động trong công việc thì sẽ không đem  lại kết quả cao. Hội không chú trọng và khuyến khích hoạt động kinh tế mà khuyến khích các hoạt động thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học do các Bộ, Liên hiệp Hội và các Doanh nghiệp giao cho Hội. Thường xuyên tổ chức các Hội thảo khoa học, định kỳ tổ chức Hội chợ triển lãm chuyên ngành, khuyến khích các hoạt động đào tạo chuyên môn.

Trong sự nghiệp CNH,HĐH đất nước, vai trò của Hội KHKT cơ khí Việt Nam là khá cần thiết, để góp phần tập hợp lực lượng những người làm cơ khí trong cả nước, nhằm góp phần thúc đẩy sự hợp tác hóa cao trong sản xuất cơ khí, bảo vệ thị trường, tăng sức cạnh tranh hội nhập kinh tế quốc tế.

Cuối năm 2003, Đại hội nhiệm kỳ IV của Hội KHKT cơ khí Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội, sau đại hội, Hội CKVN sẽ có Ban lãnh đạo mới và chương trình hành động mới phù hợp với tình hình mới của đất nước. Những lớp cán bộ của Hội cơ khí VN đi trước sẽ luôn có trách nhiệm tạo điều kiện để khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ kế cận của Hội. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của Hội CKVN đã có từ nhiều năm qua.

PV: Để ngành Cơ khí phát triển, dưới góc độ Hội ngành, theo Ông biện pháp nào mang tính chất đột phá?

   Ông Đào Phan Long: Theo kiến nghị tư vấn của Hội Cơ khí Việt Nam, từ đầu năm 1998 đến nay, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ký nhiều quyết định quan trọng để hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phát triển các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Và cũng chính nhờ có chính sách mới của Nhà nước, cộng với sự chủ động dám làm của một số Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cho nên có thể nói, cơ khí Việt Nam đang từng bước khởi sắc. Điển hình là một số ngành hàng, sản phẩm cơ khí của Việt Nam nhờ các dự án vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi đã đầu tư chiều sâu hoặc đầu tư mới cơ sở vật chất - kỹ thuật và tạo ra được các sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh ngay trên "sân nhà" và từng bước xuất khẩu.

Mặc dù đây mới là những thành quả bước đầu, song rất quan trọng để khích lệ và vực dậy tiềm năng nội lực của ngành cơ khí Việt Nam. Có thể nói, cơ khí Việt Nam muốn phát triển nhanh và vững chắc, vẫn còn phải tiếp tục được ưu đãi bằng một số chính sách thích ứng, cộng với sự nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp để triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

Ngoài ra, chúng ta cần lựa chọn các sản phẩm, nhóm sản phẩm cơ khí chế tạo máy, sản phẩm cơ khí trọng điểm để cung cấp máy móc trang thiết bị cho các công trình  xây dựng mới của các ngành kinh tế... để nhà nước ưu tiêu đầu tư, bảo hộ phát triển bền vững, tránh được đầu tư dàn trải, không đem lại hiệu quả chung cho toàn ngành.

Đồng thời, khi xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển các ngành kinh tế công nghiệp ở các vùng miền, các ngành kinh tế trên cả nước cần gắn với hướng đầu tư phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Như vậy sẽ tạo cho ngành cơ khí nước nhà có được thị trường ngay trên đất nước mình, giảm thiểu hiện tượng người nước ngoài kiếm lợi rất nhiều và biến doanh nghiệp cơ khí trong nước thành đối tác đi làm thuê như hiện nay.

Theo tôi, mục tiêu thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế là nhằm tạo nên cái lợi cho các bên hợp tác, muốn vậy, cơ khí Việt Nam phải cần có đủ "trí lực" để bước vào hội nhập. Chính vì thế, Nhà nước đã có một số chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước có khả năng tham gia, song có lẽ còn chưa thật sự đồng bộ, giữa các nhà sản xuất cơ khí trong nước với các hộ được nhà nước cho đầu tư. Trong khi đó, có một thực tế là hiện nay vẫn còn không ít các doanh nghiệp cơ khí trong nước chưa chủ động xây dựng con đường riêng cho mình để hợp tác và chuyên môn hóa sản xuất có hiệu quả, dẫn đến để tồn tại còn khó, chứ chưa nói tới việc phát triển theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì thế, việc đào tạo nhân lực có kiến thức, tay nghề đáp ứng nhu cầu cho ngành cơ khí đang là vấn đề bức xúc, vì cơ khí ngày nay đang ứng dụng nhiều thành quả của công nghệ điện tử, tin học, vật liệu mới... do đó cũng cần có sự phối hợp tốt giữa các ngành để giải quyết.

PV: Xin cám ơn Ông!

  • Tags: