Trong khi đó, kinh tế châu Á đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong năm 2006. Trung Quốc và Ấn Độ gây “chóng mặt” với tỷ lệ tăng trưởng cao. Sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế Trung Quốc không ngừng tăng trưởng. Ngân hàng Công thương Trung Quốc phá kỷ lục thế giới về phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng với 22 tỉ USD. Trong khi đó, Nhật Bản đánh dấu giai đoạn tăng trưởng kinh tế lâu dài nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Trong “thế giới mới”, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục đi lên, sẽ làm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu. Tiến bộ công nghệ và toàn cầu hóa sẽ tăng nhẹ trong những năm sắp tới, GDP tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của các nước châu Á sẽ nhanh hơn. Nhật Bản sẽ mạnh trở lại, lướt trên làn sóng Trung Quốc. Rồi đây, năm 2007, Mỹ sẽ chuyển cây gậy chỉ huy sang cho phần còn lại của thế giới như các nhà kinh tế của Ngân hàng Đầu tư Mỹ Merrill Lynch dự đoán.
Ngân hàng Fortis nhấn mạnh rằng, cách đây 5 đến 10 năm, các thị trường mới nổi chiếm gần 50% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng nay con số đã là 70% - phần lớn nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc sau khi nước này gia nhập WTO. Nền kinh tế thứ tư thế giới này đã và sẽ tăng trưởng ở mức trên dưới 10%. Ấn Độ cũng theo sát gót Trung Quốc.
Không riêng gì châu Á, các quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro cũng bắt đầu tăng tốc cùng với sự khởi sắc của đầu tàu kinh tế Đức gọn nhẹ và hiệu quả hơn.
Còn nhiều phụ thuộc...
Tuy nhiên, viễn cảnh kinh tế châu Á khá lạc quan, nhưng cũng có nhiều thách thức đang chờ đón. Nhất là giai đoạn hiện nay, tuy Trung Quốc có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm 10%, dự trữ ngoại tệ hơn 1.000 tỉ USD và kim ngạch ngoại thương 1.500 tỉ USD, nhưng nước này đã có nhiều dấu hiệu bộc lộ sự mất cân bằng xã hội. Tỉ lệ giàu-nghèo đang có sự chênh lệch rất lớn giữa những người được đào tạo sống ở các đô thị, với nông dân và lao động nhập cư vào thành phố. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố tháng 12-2006 cho thấy, 20% dân số là người nghèo nước này chỉ sở hữu 4,7% tổng thu nhập quốc gia, trong khi 20% dân số giàu chiếm tới 50% tổng thu nhập. Sự mất cân đối xã hội là vấn đề chính mà Trung Quốc sẽ phải đương đầu.
Trong khi đó, “thế giới mới” Ấn Độ lại đang đối phó với nạn lạm phát. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ năm ngoái đã tăng lãi suất vài lần và đầu tháng 12-2006 yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để khống chế lạm phát. Nền kinh tế trị giá 780 tỉ USD của Ấn Độ được dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2007. Tuy nhiên, lạm phát gia tăng là vấn đề đáng lo ngại. New Delhi có kế hoạch chi 20 tỉ USD cho các dự án kết cấu hạ tầng trong tài khóa bắt đầu vào tháng 4/2007.
Một tác động ngoại quan nhưng ảnh hưởng không ít đến nền kinh tế châu Á, là giá đồng đô-la giảm mạnh so với đồng baht Thái và won Hàn Quốc, gây khó khăn cho một số nền kinh tế châu Á vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Các nước này có thể sẽ gây áp lực lên Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn với kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, có khả năng tác động đến tỷ giá đồng đô-la.
Bên cạnh đó, các thương hiệu xe ô tô đang phất lên ở châu Á như Nissan, Honda và Mazda vừa tiếp tục tăng thêm thị phần tại Mỹ, thì bị hãng Toyota đặt ở Mỹ “soán ngôi”, vì đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.