Thực trạng du lịch Như Thanh
Bến En hoang dã mộng mơ nằm trên địa bàn huyện Như Thanh, cách thành phố Thanh Hóa 36 km về phía Tây Nam, là một quần thể hội tụ nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, hứa hẹn thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Vườn quốc gia Bến En có một hệ thống núi - sông - hồ rộng hơn 16.000 ha với nhiều động, thực vật phong phú, quý hiếm như: voi, gấu, hổ, khỉ... và những cây lim ngàn tuổi nhiều người ôm không xuể, cùng hàng trăm loại cây khác như lát hoa, chò chỉ, ngù hương, lim xanh, săng lẻ... rất thích hợp với loại hình du lịch sinh thái.
Du khách có thể dạo thuyền trên 4.000 ha mặt hồ để ngắm nhìn 21 hòn đảo lớn, nhỏ và nhiều bán đảo với các đai rừng chen lẫn những mỏm núi đá vôi kỳ vĩ. Bên cạnh đó là dãy núi đá Hải Vân với nhiều cụm hang đẹp như hang Ngọc, Động tiên, đặc biệt có khu di tích lịch sử hang Lò cao kháng chiến Hải Vân mà tên tuổi đã gắn liền với Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Dưới sự chỉ huy của ông, nơi đây Việt Nam cho ra đời mẻ gang để sản xuất vũ khí, góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Đến với Như Thanh, bạn sẽ được chứng kiến những phong tục tập quán, lễ hội của các dân tộc Thổ, Mường, Thái... gắn với các đền Phủ Sung, Khe Rồng, Phủ Na... Tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây đã tạo cho Bến En nói riêng và Như Thanh nói chung một nét độc đáo của hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn mà ít nơi nào có được.
Thực tế cho thấy, những năm qua du lịch Như Thanh cũng đã đón nhiều lượt khách về thăm Bến En, mặc dù lượng khách đến tham quan vẫn còn khiêm tốn. Đặc biệt là những khách đã từng đến và quay trở lại là rất ít. Nói về nguyên nhân, ông Lê Minh Giao - Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Trong những năm qua, Huyện đã chú trọng khai thác tiềm năng kinh tế du lịch. Huyện đã kết hợp với Vườn quốc gia Bến En và một số công ty du lịch trên địa bàn để liên kết xúc tiến đầu tư khai thác, đẩy mạnh thu hút khách du lịch. Môi trường du lịch đã được cải thiện nhiều mặt, từ cảnh quan đến dịch vụ nhà hàng ăn nghỉ để thu hút khách tham quan. Tuy nhiên, sự nỗ lực, cố gắng từ riêng phía Huyện thì chưa đủ để phát tuy hết thế mạnh, tiềm năng du lịch vốn có. Hệ thống đường quốc lộ 45 từ thành phố Thanh Hoá đến huyện Như Thanh đã xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch. Việc lập dự án tổng thể đồng bộ để thu hút đầu tư vào các cụm điểm du lịch trong Huyện cũng vượt tầm khả năng của Huyện.
Chủ động phát huy nội lực
Trong khi chờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng từ các cấp chính quyền Tỉnh và Trung ương, huyện Như Thanh đã chủ động giao cho Công ty TNHH Nam Dương đóng trên địa bàn huyện chủ động lập dự án đầu tư để hoàn thiện môi trường du lịch. Đồng thời, Huyện sẽ phối hợp với Vườn quốc gia Bến En để liên kết xây dựng quy hoạh tổng thể và quy hoạch chi tiết để kêu gọi thu hút đầu tư du lịch vào huyện.
Ngay từ tháng 5/2005, UBND huyện Như Thanh đã phê duyệt dự án đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch tại các khu vực lòng hồ sông Mực, dự án này được giao cho Công ty Nam Dương là chủ đầu tư. Các hạng mục dự án phải làm là: Đầu tư làm bè nuôi cá lồng và nhà nổi phục vụ nhu cầu khách ăn nghỉ trên lòng hồ, sông Mực; làm đường và làm cầu khỉ để khách dạo chơi leo núi và thăm các hang động; đầu tư dịch vụ thuyền máy, thuyền nan, thuyền cánh buồm, thuyền thiên nga để du khách có thể lựa chọn khi dạo hồ. Tại các đảo khu vực lòng hồ bao gồm hồ Đồng Kênh, Bãi Trắng, Đồi Dẻ, Ao Bèo, núi Nhà Bè và Bãi Sim..., Công ty trồng cây xanh tạo thành khu nghỉ mát, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, xây dựng các bãi tắm tạo thác nước và điểm leo núi bằng thang dây, làm sinh động cảnh quan môi trường để hấp dẫn du khách. Ngoài ra, Công ty còn triển khai việc trồng rừng ven sông Mực với tổng diện tích trên 10 ha để bảo vệ, lưu giữ các loài động vật quý đang sinh sống ở Như Thanh. Bên cạnh đó, Công ty cũng xây dựng các dịch vụ ăn nghỉ, hướng dẫn cho khách du lịch thăm các trang trại, vườn đồi cây ăn quả trong vùng sinh thái và thăm các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng như hang Lò cao kháng chiến Hải Vân, đền Phủ Sung, đền Khe Rồng và đền Phủ Na.
Phát triển du lịch Như Thanh cần sức mạnh tổng hợp
Định hướng phát triển du lịch của huyện Như Thanh là đúng đắn. Thực tế, sau khi nhận được sự ủng hộ của Huyện, Công ty Nam Dương cũng đã bắt tay để xây dựng hoàn thiện từng hạng mục công trình theo kế hoạch dài hơi từ 5-10 năm. Tuy nhiên, như trên đã nói, phát triển bằng nội lực của Huyện là chưa đủ. Có thể nói, công trình xây dựng điểm du lịch Như Thanh là một tiềm năng lớn trong chương trình du lịch tỉnh Thanh Hóa và du lịch quốc gia, nếu chỉ phát huy từ cấp huyện thì việc xây dựng hoàn thiện các tour du lịch đến Như Thanh rất khó thành công. UBND Huyện hơn bao giờ hết cần sự quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông từ phía UBND Tỉnh và Trung ương. Việc khảo sát quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết khu du lịch Vườn quốc gia Bến En tại Như Thanh cũng cần phải có sự phối kết hợp với Sở Du lịch và tỉnh Thanh Hóa để triển khai đồng bộ, từ đó làm cơ sở khoa học giúp địa phương có kế hoạch định hướng thu hút đầu tư đúng đắn.
Tin rằng, với tiềm năng và nội lực sẵn có, cộng với sự quan tâm đúng đắn của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, Như Thanh sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng thành công điểm du lịch Bến En, thu hút ngày càng đông nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.