Ngày Tết, nói về… nghệ thuật chơi Xuân

Nghỉ Tết, ăn Tết, bao giờ cũng gắn liền với chơi Tết. Với mỗi người Việt Nam, nhiều thú chơi ngày Tết đã trở thành một nghệ thuật, gắn liền với nét văn hóa truyền thống. Mỗi trò chơi, mỗi thú chơi ngà

Nghệ thuật kết trái cây ngày Tết

Kết trái cây - môn nghệ thuật độc đáo ở châu Á mà Việt Nam là một trong số ít nước còn giữ lại được. Kết trái cây thành hình thú là việc làm rất công phu, từ việc chọn từng loại quả (phù hợp, tươi lâu, đẹp và bắt mắt) đến việc kết thành hình - đòi hỏi phải có tay nghề cao thì mới tạo được hình dạng cân đối và hài hòa.

Vào ngày Tết, bàn thờ Tổ Tiên ở hầu hết các gia đình thường chưng cặp Song - Phụng hoặc mâm trái cây ngũ quả (gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung - với dụng ý: “Cầu vừa đủ xài, gia đình sung túc”), trong khi ở các đình, miếu thường chưng mâm quả Tứ Linh gồm Long, Lân, Qui, Phụng. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, 4 con vật thiêng này được thể hiện sống động và đẹp mắt mà chất liệu là những loại trái cây quen thuộc (hoặc những loại quả rất thông dụng trong các món ăn hằng ngày) của Việt Nam: Những quả ớt chín dùng làm vây, làm móng, làm râu; Còn đuôi Rồng được làm bằng những quả đậu bắp cùng dáng vẻ oai nghiêm, hùng dũng của con vật này khi được tạo thành từ những quả đậu đũa dài, lá thơm…

Những mâm quả Tứ Linh này, thông thường bao gồm 2 loại trái: bưởi, thơm, táo, nho, thanh long, xoài, quýt (loại chính) và dừa nước, khổ qua, trái điều, đậu bắp, ớt, cà (loại phụ). Đặc biệt, các loại trái cây hỗn hợp được nối lại với nhau để tạo thành tác phẩm xuất sắc này, các nghệ nhân thường phải chuẩn bị từ 10 ngày trước, lặn lội vào nhà vườn lựa từng món thật tươi, đẹp (không dùng những loại trái cây mua ở chợ vì có thể… mau héo) để đem về kết và tạo thành hình.

Đặc thù của loại hình kết trái cây nghệ thuật đòi hỏi sự công phu, khéo léo của đôi bàn tay và óc thẩm mỹ sáng tạo, nên những mâm quả Tứ Linh thường chỉ được các nghệ nhân tạo ra và trưng bày ở những cuộc thi tài, được tổ chức hàng năm tại các công viên, nhà văn hóa nhân dịp lễ hội Hương sắc miền Nam, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền nhằm tô thêm vẻ đẹp cho bản sắc dân tộc của nước nhà.

Nghệ thuật… điêu khắc trong  ẩm thực

Những đóa hoa hồng, chiếc lá xanh, đôi thiên nga trắng muốt,… được gọt tỉa tỉ mỉ bằng các thứ rau củ. Chính những chi tiết này đã tạo nên những nét chấm phá cho món ăn thêm phần đặc sắc.

Để trang trí trên món ăn, phương pháp tỉa rau củ truyền thống thường dùng đu đủ xanh là chất liệu chính để tạo hình các loại hoa lá. Ngày nay, hầu hết các loại rau củ đều được sử dụng để cắt tỉa. Với sự tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân đã phát triển từ những phương pháp tạo hình hoa - lá sang các loại thú và hướng đến một bước cao hơn trong nghệ thuật là cắt tỉa được hình người.

Những tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc gồm nhóm thiếu nữ ba miền, nữ thần tình yêu, thằng Bờm,… Những hình tượng có màu xanh ngọc của su hào, đỏ cam của cà rốt, trắng cẩm thạch của củ cải,… Cái khó của cách tạo hình này là luôn bị bó buộc trong giới hạn của hình dạng củ mà người tỉa đang sử dụng. Tuy nhiên, đối với những hình dạng phức tạp có thể dùng các loại củ để ghép lại.

Đồng thời, với nhu cầu của những buổi chiêu đãi - nhất là các loại tiệc đứng (buffet) - ngày càng trở nên phổ biến ở thành phố, nhằm phục vụ cho những bàn tiệc dài với nhiều khay thức ăn xen kẽ khay đồ chua, rau củ. Cho nên, những mô hình bằng hoa, trái, rau, củ được bố trí sao cho khung cảnh của buổi tiệc trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Thực khách có thể dừng ở đĩa này để gắp vài miếng chả phụng, cạnh bên là mô hình long phụng được kết bằng trái cây như để minh họa. Chỗ kia là đàn thiên nga đang nhởn nhơ bơi lội cạnh vách núi làm bằng những củ khoai mỡ đen đủi, sần sùi.

Để tạo được những mô hình hoàn mỹ theo một ý tưởng nào đó, người thực hiện phải biết kết hợp giữa nghệ thuật cắm hoa, cắt tỉa trang trí trái cây và rau củ sao cho thật nhuần nhuyễn, hài hòa. Tất cả như toát lên cái vẻ đẹp của đời sống, của thiên nhiên qua sự kết hợp này.

Ăn uống là thẩm mỹ, do đó món ăn phải ngon, đẹp. Càng nhìn, càng ngắm, càng thích thú; muốn nếm thử nhưng tiếc, phạm đi cái tác phẩm công phu, tỉ mỉ nhưng đầy sáng tạo và đẹp tuyệt vời của người đầu bếp. Đó chính là cái đẹp đích thực của nghệ thuật nấu ăn, phần thưởng tinh thần mà người nghệ nhân được vinh dự nhận từ thực khách.

Thú chơi câu đối Tết ngày Xuân

Mỗi năm khi Xuân đến, từ thành thị tới các làng quê, cùng với việc mua sắm hàng Tết, dựng cây nêu, người ta không quên mua dăm quả cau, bao chè tới xin câu đối của cụ Nghè, cụ Cử. 

Câu đối thơ viết trên giấy đỏ dán ở cột, ở cửa nhà, nội dung thường bày tỏ lòng biết ơn của cháu con đối với tổ tiên:

“Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ,

Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên”

(Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa Xuân,

Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết).

Ở làng tranh Đông Hồ, câu đối trên đã được cải biên chút ít và đưa vào bộ tranh chủ treo ở bàn thờ gia tiên, hai bên là chữ Phúc, chữ Thọ và đôi câu đối:

“Từ thời xuân tại thủ

Ngũ phúc thọ vi tiên”.

Những chữ Hán được trang trí cách điệu: Một bên là con rồng, một bên là con phượng trên nền giấy điểm xuyết hoa, lá, chim muông.

Những câu đối này thường kèm theo mấy chữ đại tự cũng viết trên giấy đỏ treo thành bức hoành: “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước sông nhớ đến nguồn), “Đức lưu quang” (Đức chan hòa ánh sáng).

Dịp Tết còn có các câu đối tức cảnh Xuân của các bậc văn hay chữ tốt, cũng được viết trên giấy đỏ treo ở cổng.

Vậy tục treo câu đối Tết có từ bao giờ? Sách xưa có kể phong tục của người dân Bách Việt: Trong những ngày Tết Nguyên đán có treo bùa gỗ có hình hai vị thần Thần Đồ và Uất Lũy hai bên cửa ngõ. Đó là hai vị thần sống dưới gốc đào lớn dưới núi Độ Sóc chuyên cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào “phá rào” đi làm hại dân thì thần hóa phép trừ đi. Sau này, việc treo bùa gỗ “Đào phù” được thay bằng câu đối hai bên cửa. Đời sống người dân khá dần, mỗi người, tùy hoàn cảnh, gửi gắm vào câu đối những ý tứ, những niềm vui cùng ước vọng vào một năm mới. Vào thế kỷ XV, thú chơi câu đối Tết đã trở nên phổ biến, khắp Kinh kỳ, từ dinh thự của quan lại tới các tư gia, đâu đâu cũng treo câu đối Tết. Lại có cả câu đối nói về nghề nghiệp, dán ở cửa hàng, cửa hiệu. Tương truyền, vào một năm, sắp tới Giao thừa, vua Lê Thánh Tông ra phố xem dân ăn Tết. Thấy một nhà không treo câu đối, vua vào hỏi, biết đó là nhà một người thợ nhuộm vợ góa, con trai đi vắng, vua bèn lấy giấy bút và viết:

“Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,

Triều đình chu tử tổng ngõ gia”     

(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ,

Đỏ tía triều đình tự cửa ta)

Cùng với chữ Hán, nhiều danh sĩ nước ta còn viết câu đối Tết bằng chữ Nôm. Đầu thế kỷ XX, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình chữ viết của dân tộc, đưa cả ca dao tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì có đến 47 câu đối Nôm. Đây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vẫn phơi phới sắc Xuân khi giao thừa sắp đến:

“Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù,

co cẳng đạp thằng bần ra cửa

Sáng mùng một, rượu say tuý lúy,

giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”

Hiểu rõ vần xoay của tạo hóa, Cụ ước ao:

“Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết

Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng,

cả bốn mùa Xuân”

Hơn mười năm nay, nhiều người đã quen thuộc với vẻ đẹp cổ kính của chữ Nho, chữ Nôm qua bút pháp của các nhà nho: Bùi Hạnh Cẩn, Lê Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bách, Trần Lê Văn… Hàng ngày, cùng với việc bốc thuốc dạy học, nghiên cứu, các vị còn say xưa viết chữ chân, thảo, lệ… tặng cho những người yêu Nôm thư pháp. Nét bút của các vị, ngày thường đã cứng cỏi, khí phách, nay giữa ánh Xuân của đất trời càng thêm mềm mại tài hoa. Và hàng năm, như đã thành lệ vào dịp Tết, nhiều nơi đã tổ chức triển lãm thư pháp, thư họa. Dịp này, một số nhà Nho lại được mời đến viết câu đối Tết. Vẻ xưa khơi dậy đã thu hút hàng ngàn người trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng.

Ngày Tết, nói chuyện… chơi

Đầu tiên là chơi hoa. Ngoài đào, mai, sắm thêm giỏ thủy tiên đặt cạnh bàn khách, hoặc thược dược, cúc mâm xôi, hoặc mãn đình hồng, hướng dương… đặt trước cửa nhà.

Giao thừa, vui mắt rung đùi ngắm chậu cúc vàng do người thân gởi chúc thọ. Những dân tộc ăn bằng đũa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… xem hoa cúc tượng trưng cho sự trường thọ để kính tặng những người lớn tuổi. Chủ nhân, nếu là nhà thơ quá lục tuần, đến thời khắc Giao thừa sẽ nhắp chén rượu, ngâm câu: “Xuân như cẩm tú, nhân như ngọc…”. Dậy men lòng, cảm hứng ngang mây, không chọn giờ tốt giờ xấu, chẳng thiết điều lành điều gở, cầm ngay bút làm thơ tặng hoa. Ấy gọi là … chơi Cúc ạ !

Ngày trước, Tết đến, các chợ quê bày bán đủ loại: tranh “Mẹ con gà” - tượng trưng cho phúc đức, tranh “Đánh đu” - tả cảnh vui chơi đầu Xuân, tranh “Tờ tiền” - mong đủ xài quanh năm,… Trẻ em thích chơi tranh, mua về dán lên tường, người lớn chọn các bức Song Hỷ, Phúc Lộc Thọ, hoặc Tiền Tài, Tiến Lộc, Vũ Đinh, Bình An, Trường Sinh… mua về dán trong phòng khách hoặc trước nhà, mong rước mọi điều tốt lành cho năm mới.

Chơi hoa, xong chơi tranh, thì lại đến… chơi chim! Thật vậy, ngày Xuân nhiều nơi tổ chức chọi gà, chọi trâu và chọi chim họa mi. Thả hai chú họa mi lạ xáp gần nhau, xấn vào nhau, mỗi cái mổ trúng đối thủ tính 1 điểm. Con nào nhiều điểm hơn là thắng. Phan Kế Bính có viết rõ thú chơi chim này trong cuốn “Phong tục Việt Nam”. Lại nhớ thầy Châu Diệu Cư, làm giáo vụ trường Trần Quý Cáp ở phố cổ Hội An đã nhiều năm, thầy rất thích chơi chim. Nhà có riêng lồng lưới hàng chục mét vuông, nuôi đủ loại. Đặc biệt có 2 con nhồng biết nhại tiếng người để ở trước phòng khách, lồng bằng sắt sơn son. Cháu của thầy có đứa nghịch, đã dạy nhồng… chửi thề! Đúng mồng Một, mồng Hai Tết gì đó, một bà tên Kiểm tới thăm thầy, khen: “Nhồng biết nói hử? Nói đi!”. Nó nói: “Chon chu… chon chu”. Bà lắng nghe, chưa hiểu. Nó lại nói: “Chon chu… chau chây”. Nghĩa là sao? Bà Kiểm thắc mắc. Thằng cháu đứng bên cạnh vọt miệng thưa: “Dạ, nó nói… con cu nó đấy”!!! Bà tím mặt, không vui tí nào. Biết bà Kiểm có dính dáng tới việc mồi chài em út cho mấy “động” bán hoa ở Đà Nẵng, nhân chuyện ấy, mấy người quen của thầy Cư đã đặt thơ nhắn rằng:

“Đầu năm đầu tháng gởi thím Kiểm

Chơi gì chớ dại… “mó” vào chim!”

Ngoài chơi hoa, chơi tranh và chơi chim như đã kể trên, còn  có chơi… cờ người. Chẳng cần “thắp đèn lên” như nữ sĩ Xuân Hương, mà chơi cờ người được bày giữa ban ngày ban mặt, bàn cờ lớn rộng hàng chục thước được chăng dây, kẻ vôi trên sân đình trước chiều 30 (có khi 29) Tết. Bên trai, bên gái, mỗi bên 16 người, gồm: 1 tướng, 1 sĩ, 2 tượng, 2 xe, 2 pháo, 2 mã, 5 tốt… y hệt như các quân cờ tướng. Mỗi người cầm một tấm biển (hoặc mặc áo) có ghi “tướng”…, Các “con cờ người” lần lượt di chuyển theo ngọn cờ phất của người đánh cờ. Cờ trai, cờ gái nhích đi nhích lại, liếc dọc liếc ngang...

  • Tags: