Hưởng ứng phong trào này, mới đây, Công đoàn CNVN đã có một cuộc khảo sát tại một số TCT, doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp về trình độ học vấn và tay nghề của CNLĐ. Tuy chưa thực sự đầy đủ, nhưng những số liệu thu thập được cũng đã phần nào phác họa được những nét tổng thể về trình độ học vấn và tay nghề của CNLĐ ngành Công nghiệp, thông qua một số ngành kinh tế – kỹ thuật tiêu biểu.
Thực trạng về trình độ học vấn và tay nghề của CNLĐ
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ 9 TCT, doanh nghiệp được khảo sát là Dệt-May, Than, Thép, Xây dựng Công nghiệp, Khoáng sản, Máy và thiết bị Công nghiệp, Điện tử-Tin học, Bia-Rượu-NGK Hà Nội và Công ty Giầy Thăng Long, thì số lượng lao động trong ngành Công nghiệp có trình độ học vấn tương đối cao. Số lao động không biết chữ chỉ có duy nhất 2 người tại TCT Thép. 2 người này cũng ở diện cao tuổi sắp nghỉ hưu. Đến nay, TCT không nhận bất cứ trường hợp nào chưa qua đào tạo, ít nhất là công nhân kỹ thuật.
Lao động có trình độ tiểu học cũng rất thấp, chiếm 2,94% tổng số lao động của TCT Than; 2,08% lao động của TCT Thép; 9,8% lao động của TCT Khoáng sản; 3% của TCT Bia-Rượu-NGK Hà Nội và 0,3% tại TCT Máy và Thiết bị công nghiệp. Với đối tượng lao động có trình độ trung học cơ sở (tốt nghiệp cấp 2) ở hầu hết các TCT giao động từ 10%-20%. Ngành Dệt-May, do đặc điểm lao động biến động liên tục, công việc không đòi hỏi phức tạp, nên số này chiếm khoảng 30%, chủ yếu tập trung ở ngành May. Còn ngành Dệt, do công việc đòi hỏi trình độ cao hơn, số người có trình độ trung học cơ sở rất ít, chỉ làm công việc giản đơn. Tại TCT Khoáng sản, số lao động có trình độ THCS chủ yếu tập trung tại khai trường, nơi khai thác khoáng sản với nhiều lao động thủ công. Đặc biệt, TCT Điện tử - Tin học không có đối tượng này, trình độ lao động thấp nhất cũng phải là công nhân kỹ thuật đã qua đào tạo.
Tại các TCT được khảo sát thì lao động chiếm số lượng đông nhất là lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Cao nhất là TCT Than, chiếm 81,1%, TCT Xây dựng Công nghiệp 80,2%. Còn đối tượng có bằng cao đẳng, đại học, chiếm từ tỉ lệ 10% đến 20%. Số người có trình độ trên đại học chiếm tỉ lệ nhỏ, chỉ dưới 1%. Số liệu tại TCT Bia-Rượu-NGK Hà Nội là cao nhất, trình độ trên đại học chiếm 1%.
Tuy vậy, trình độ tay nghề của CNLĐ tại các TCT lại không thực sự cao, tập trung chủ yếu ở đối tượng bậc thợ 1-3, cao nhất là ở TCT Xây dựng Công nghiệp và Dệt-May, chiếm xấp xỉ 40%. Thợ bậc 4-5 tập trung chủ yếu ở 2 TCT Than và Bia-Rượu-NGK Hà Nội, chiếm 32% và 38% tổng số lao động. Còn bậc thợ 6-7 ở các TCT chỉ chiếm tỉ lệ dưới 10%.
Nhìn vào những số liệu trên cho thấy, trình độ học vấn và tay nghề của CBCNV trong các TCT không đồng đều, có sự phân biệt lớn giữa các ngành, các TCT, trình độ tay nghề cũng chưa cao. Nhiều nơi, do chưa ý thức được tầm quan trọng của việc nâng bậc thợ nên việc tổ chức thi nâng bậc chưa được chú ý. Có nơi, do khoán sản phẩm, nên CNLĐ không coi trọng việc thi nâng bậc, doanh nghiệp có tổ chức thi họ cũng không nhiệt tình hưởng ứng, do vậy, thiệt thòi nhất vẫn chính là người lao động.
Công tác đào tạo nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho CNLĐ và những kiến nghị
Thời gian qua, hầu hết các TCT trong ngành đều rất chú trọng đến công tác đào tạo để có một đội ngũ CNLĐ lành nghề, có trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của doanh nghiệp. Đối với các TCT có yêu cầu chất lượng lao động cao thì thường tuyển đối tượng lao động đã qua đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, sau đó cho học thêm một khóa ngắn hạn chuyên sâu về công việc mà người lao động sẽ đảm nhận. Phương pháp này tỏ ra rất hiệu quả và đang được các doanh nghiệp áp dụng nhiều. Nhiều nơi còn cử CBCNV đi đào tạo tại nước ngoài cả ngắn hạn và dài hạn để tiếp thu công nghệ mới. Riêng 2 ngành Dệt-May và Da-Giầy, lao động đang là vấn đề hết sức nan giải. Theo báo cáo của CĐ TCT Dệt-May và Công ty Giầy Thăng Long thì lực lượng lao động trong 2 ngành này thường xuyên biến động từ 15%-20%. Nghĩa là lao động vào làm việc rồi lại bỏ đi nơi khác thường xuyên diễn ra. Thành ra, 2 ngành có mức thu nhập khó khăn, có thể nói là vào loại thấp, thì lại liên tục phải bỏ ra chi phí đào tạo (chủ yếu là kèm cặp tại chỗ ngay trên dây chuyền), đến lúc có thể sử dụng thì do thu nhập thấp, các lao động này lại bỏ đơn vị đến làm tại các liên doanh hoặc công ty tư nhân có mức thu nhập cao hơn.
Tình trạng cạnh tranh lao động trong ngành Dệt-May và Da-Giầy đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý của doanh nghiệp trong 2 ngành này, nhưng hướng khắc phục thì chẳng mấy khả quan, bởi nó nằm trong cái vòng luẩn quẩn của những doanh nghiệp chuyên làm hàng gia công, bị khách hàng ép giá, nên lợi nhuận ít, lương thấp, CNLĐ bỏ việc nhiều, lại phải tuyển lao động mới, mất chi phí đào tạo, nhưng do mới được đào tạo nên tay nghề chưa cao, tỉ lệ sản phẩm sai hỏng nhiều, chi phí đầu vào cao thì lợi nhuận lại càng ít và cứ thế trở thành “vòng luẩn quẩn không có lối thoát”, như lời của ông Bùi Hồng ánh – Chủ tịch CĐ Công ty Giầy Thăng Long đã nói.
Riêng việc bố trí thời gian để tổ chức học tập, nâng cao trình độ học vấn cho CNLĐ là vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp đều vướng mắc. Bởi các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành Dệt-May, Da-Giầy sức ép của sản xuất rất lớn. Các tổ sản xuất đều khít người, nên nếu tổ chức cho lao động đi học là phải bố trí, sắp xếp lại thời gian làm việc, điều đó là rất khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được, do các doanh nghiệp bị phụ thuộc rất nhiều vào thời gian của đơn hàng. Dù vậy, ngành Dệt-May cũng rất nỗ lực trong công tác này. Bất cứ đơn vị nào trong ngành, nếu tổ chức được cho công nhân học bổ túc văn hóa hết cấp 3 đều được CĐ TCT hỗ trợ 50% kinh phí. Các đơn vị cũng tích cực mở các lớp đào tạo cấp tốc, phối hợp với các trường đại học mở các lớp đại học tại chức ngay tại doanh nghiệp, hoặc cử CBCNV đi học tại các trường đại học để nâng cao trình độ.
Chi phí cho đào tạo cũng có điều đáng bàn. Ông Bùi Hồng ánh – Chủ tịch CĐ Công ty Giầy Thăng Long rất bức xúc: Hiện nay, có một thực tế là các trung tâm giới thiệu việc làm có tổ chức đào tạo, thu phí đàng hoàng, nhưng chất lượng lao động lại không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, khi tuyển về, hầu hết chúng tôi phải đào tạo lại. Có nơi không đủ cả phương tiện học tập còn đến đề nghị được mượn cơ sở vật chất của Công ty cho học viên thực tập. Chúng tôi lúc nào cũng lo đơn hàng, thời gian đâu mà cho mượn máy để học. Như thế cũng đủ thấy, học sinh khó có điều kiện để tiếp xúc thực tế, nên tay nghề kém là phải. Trong khi, nếu doanh nghiệp được tuyển thẳng, không qua trung tâm thì người lao động sẽ được đào tạo tốt hơn, doanh nghiệp sẽ nắm rõ được năng lực của người lao động để bố trí công việc phù hợp. Nhưng chúng tôi lại không thể làm thế vì nếu thu phí là phạm luật, mặc dù chỉ là phần kinh phí rất nhỏ trang trải cho những vật chất mà các em phải sử dụng trong quá trình học việc như vải, chỉ khâu… Thêm nữa, riêng ngành Da-Giầy, công nhân kỹ thuật rất thiếu. Có nhiều CNLĐ làm việc rất giỏi, doanh nghiệp muốn cử đi học để có bằng cấp, nhưng không có trường nào dạy chuyên về da giầy để theo học, nên việc nâng cao trình độ lại thường sang những ngạch khác.
Về chi phí đào tạo, CĐ TCT Bia-Rượu-NGK Hà Nội cũng mong muốn nên có một phần nhất định, rõ ràng được qui định bằng văn bản cụ thể trong tổng quĩ lương để dành cho quĩ đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động. Đồng thời, nên có cả quĩ dự phòng mất việc, dùng để đào tạo thường xuyên cho người lao động, phòng khi mất việc có thể chuyển sang làm việc khác được ngay. Còn CĐ TCT Thép thì cho rằng, để người lao động chú trọng tới việc nâng cao trình độ văn hóa, nên đưa tiêu chuẩn này thành yêu cầu khi thi nâng bậc. Ví dụ, có thể yêu cầu công nhân muốn thi lên bậc 6,7 thì phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông... Nguồn kinh phí dành cho đào tạo cũng nên có cơ chế để được chi hợp lý, thu hút người tài.
Tóm lại, có thể nói, công tác đào tạo nâng cao trình độ học vấn và tay nghề cho CNLĐ đã, đang và sẽ tiếp tục được quan tâm tại tất cả các cấp, các ngành. Chỉ có điều, với mỗi ngành kinh tế – kỹ thuật khác nhau, thì mức độ và phương pháp đào tạo cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung, số lượng lao động có trình độ thấp đều ở trong diện tuổi đã lớn, sắp về hưu, còn tồn tại từ các giai đoạn trước. Ngày nay, các doanh nghiệp khi tuyển người đều có yêu cầu cao ngay từ đầu, thường là tốt nghiệp cao đẳng, đại học, ít nhất cũng phải qua đào tạo nghề tại các trường công nhân kỹ thuật. Chỉ có 2 ngành Dệt-May và Da-Giầy, do sự biến động liên tục về lao động nên trình độ học vấn và tay nghề có thấp hơn, nhưng hầu hết cũng phải có bằng tốt nghiệp cấp trung học phổ thông.
Việc nâng cao trình độ học vấn và tay nghề cho CNLĐ không thể làm trong một sớm một chiều, cũng không phải là việc của riêng một ngành nào mà là công việc của toàn xã hội. Nhất là khi chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt tại tất cả các ngành, các lĩnh vực. Chúng ta mất chi phí đào tạo, nhưng do nhiều ràng buộc về tiền lương mà người lao động thực sự chưa được hưởng mức thu nhập xứng đáng với sức lao động bỏ ra, nên họ đang bị các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thu hút. Đó là một thực tế mà các doanh nghiệp nhà nước cần nhìn thẳng để ngày càng hoàn thiện các chính sách thu hút và giữ người lao động. Như tất cả các ngành khác, ngành Công nghiệp đang rất nỗ lực để đào tạo một đội ngũ CNLĐ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về kỹ thuật, công nghệ trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của đất nước trong sự nghiệp CNH, HĐH./.