Trường Đào tạo nghề Điện: Hợp nhất đã tạo nên sức mạnh

Ngày 4 tháng 6 năm 2000, Bộ Công nghiệp đã ra Quyết định hợp nhất Trường Đào tạo nghề Điện và Trường Đào tạo nghề cơ điện thành Trường Đào tạo nghề Điện. Từ 2 trường yếu kém, có nguy cơ giải thể, đến

Nhớ lại những ngày đầu mới hợp nhất, Nhà trường có rất nhiều nỗi lo, lo nâng cấp cơ sở vật chất từ nhà làm việc, phòng học, phòng thí nghiệm... cho đến trang thiết bị đồ dùng dạy học vốn đã lạc hậu và xuống cấp từ nhiều năm nay; lo đưa việc dạy và học đi vào nề nếp, có trật tự kỷ cương, đặc biệt là việc quản lý học sinh trong bối cảnh xã hội đang có nhiều tệ nạn; lo nâng cao chất lượng đào tạo để khi học sinh tốt nghiệp ra trường có tay nghề cao và phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, từ đó có uy tín để mở rộng địa bàn và đối tượng đào tạo; lo làm thế nào để nhanh chóng hòa nhập 2 cơ sở, thống nhất về thể chế và phương thức làm việc. Hàng loạt vấn đề đặt ra cho Nhà trường và đâu là lời giải, để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là việc làm và thu nhập của CBCNV, giáo viên.

Trong hoàn cảnh đó, Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII với sự nhất trí cao đã đề ra 4 định hướng lớn, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo ra bước ngoặt mới, sự chuyển biến tích cực cả về lượng và chất trong công tác đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành và xã hội.

Sau gần 5 năm thực hiện, 4 định hướng đã và đang phát huy hiệu quả to lớn trên các mặt công tác trong từng lĩnh vực:

Về xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên:

Nhà trường luôn coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, hàng đầu, do xuất phát từ nhận thức sâu sắc “con người là quyết định mọi thắng lớn” nên đã áp dụng nhiều hình thức như đào tạo tại chỗ, gửi đi đào tạo, tham quan, hội thảo, tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp... tất cả nhằm mục đích nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Tính đến cuối năm 2004, trong tổng số 103 giáo viên đã có 01 người có trình độ trên đại học, 52 người có trình độ đại học, số còn lại là cao đẳng và trung cấp.

Về xây dựng và phát triển cơ sở vật chất:

Để đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng đào tạo, Nhà trường đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Tổng công ty Điện lực Việt Nam và nguồn vốn trích từ kinh phí đào tạo để xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị thêm thiết bị phục vụ dạy và học. Đến nay, thiết bị dạy học hiện có của Nhà trường thuộc loại hiện đại nhất trong ngành Điện. Một số công trình tiêu biểu được xây dựng trong 2 năm qua là: xây dựng mới 01 ký túc xá 5 tầng, 01 giảng đường học lý thuyết ở cơ sở chính, 01 ký túc xá 3 tầng ở cơ sở 2; Làm đường từ quốc lộ 35 vào trường với kinh phí trên 3 tỷ đồng; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn; Xây dựng mới 01 trạm biến áp có đầy đủ phần thao tác nhị thứ ở cơ sở chính với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng; Xây dựng 2 phòng thí nghiệm cao áp đến 300 kV ở 2 cơ sở và 01 phòng thí nghiệm thủy lực ở cơ sở 2.

Ngoài ra, hàng năm Nhà trường còn phát động phong trào tự làm đồ dùng và mô hình phục vụ giảng dạy trong toàn thể giáo viên với chỉ tiêu, mỗi năm, mỗi thầy giáo phải tự làm ít nhất 01 mô hình hoặc đồ dùng dạy học. Sau 2 năm thực hiện, Nhà trường đã có nhiều mô hình, đồ dùng dạy học có giá trị cao, sử dụng lâu dài, được giải cấp thành phố và toàn quốc.

Cùng với việc xây dựng mới, Nhà trường đã tiến hành sửa chữa, đại tu các công trình cũ, cải tạo và làm đẹp vườn hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan, môi trường sư phạm.

Về biên soạn chương trình, giáo trình:

Nhà trường đã thực hiện 2 đề tài cấp Tổng công ty là biên soạn 4 bộ mục tiêu, chương trình và giáo trình đào tạo các nghề vận hành, sửa chữa lò hơi và tua bin hơi; Biên soạn mục tiêu, chương trình và giáo trình đào tạo nghề vận hành, bảo dưỡng trạm thủy điện. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức biên soạn các mục tiêu chương trình và giáo trình khác, phục vụ đào tạo một số nghề như vận hành điện trong nhà máy điện, vận hành trạm biến áp, kinh doanh điện năng, đào tạo kíp trưởng trong nhà máy điện.

Hầu hết các giáo trình đào tạo các nghề đều được cải tiến, hiệu đính, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới. Tất cả các chương trình, giáo trình đều được khai thác, sử dụng có hiệu quả, đã có 6 giáo trình được in với số lượng lớn làm tài liệu học tập.

Về nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện.

Đây là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Nhà trường, nâng cao uy tín đối với các đơn vị sử dụng lao động, cho nên, ngoài việc thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trên, Nhà trường còn áp dụng nhiều biện pháp khác, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Để làm tốt công tác quản lý học sinh, Nhà trường đã tìm nhiều biện pháp để phục vụ ăn, ở, sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho học sinh trong phạm vi Nhà trường như: Chỉ gọi học sinh nhập học khi có chỗ ở nội trú; Tổ chức nhiều bếp ăn và dịch vụ để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt cho học sinh; Xây dựng sân bãi và mua sắm dụng cụ phục vụ vui chơi và rèn luyện sức khoẻ, tổ chức các giải thể thao, tạo điều kiện cho Đoàn thanh niên tổ chức câu lạc bộ Thanh niên và các phòng Internet; Tổ chức chiếu phim mỗi tuần 1 buổi; Hợp đồng với Bưu điện để phục vụ học sinh tại chỗ, dùng ôtô đưa học sinh ra bến xe buýt vào thứ 6 hàng tuần, cấm học sinh thuê xe máy tự đi, mở dịch vụ tắm nóng lạnh v.v... Nhờ vậy, đã duy trì tốt công tác quản lý học sinh 24/24 giờ trong ngày.

Do đó, chất lượng đào tạo ngày một nâng cao, có nhiều học sinh giỏi. Năm 2003 có 3 học sinh dự thi học sinh giỏi thành phố đạt giải nhất, nhì, ba; năm 2004 có 10 học sinh dự thi học sinh giỏi nghề cấp Tổng công ty, thì đều đạt giải, 02 học sinh dự thi học sinh giỏi nghề toàn quốc cũng đoạt giải.

Cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, Nhà trường đã chú trọng đến việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo bằng cách mở rộng ngành nghề, linh hoạt trong việc điều chỉnh nội dung và thời gian đào tạo theo yêu cầu của người sử dụng lao động, tích cực liên kết đào tạo với các đơn vị, địa phương... Vì vậy, số lượng học sinh đào tạo tăng nhanh hàng năm, từ 4.894 học sinh năm 2002 đến 6235 học sinh năm 2004, đảm bảo việc làm và thu nhập cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong toàn trường, đồng thời cũng tạo ra nguồn kinh phí để phục vụ ăn, ở, học tập cho học sinh.

Theo Quyết định số 99/EVN-HĐQT/LĐTL, ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Nhà trường tự trang trải thu nhập cho CBCNV, từ năm 2004 không có sự bao cấp của Tổng công ty. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Nhà trường đã thực hiện trước thời gian quy định là: Từ năm 2003 đến nay, Nhà trường hoàn toàn tự hạch toán, trang trải, đồng thời đã phấn đấu thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước, cụ thể năm 2002 là 2.100.000 đồng/người/ tháng; năm 2003 là 2.630.419 đồng/người/tháng và năm 2004 là 3.147.331 đồng/người/tháng.

Trải qua 38 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đào tạo nghề Điện đã đào tạo được trên 25 nghìn học sinh chính khoá, cùng trên 10 nghìn học viên ngắn hạn và bồi huấn. Học sinh của Trường khi kết thúc khoá học thường được các đơn vị tuyển dụng lao động miễn kiểm tra tay nghề khi thi tuyển. Đó là minh chứng rõ nét nhất về sự tín nhiệm mà các đơn vị trong Ngành dành cho Trường. Sau gần 5 năm sáp nhập, Trường Đào tạo nghề điện đã khẳng định được chỗ đứng cũng như tên tuổi của mình trong cơ chế thị trường. Những nỗi lo không còn canh cánh bên mình, họ đang vững tin đón chờ những thắng lợi mới và chúng tôi tin tưởng rằng Trường sẽ vượt qua được mọi thử thách để ngày càng phát triển vững chắc.

  • Tags: