Chuẩn bị tích cực gia nhập Thị trường tự do ASEAN (AFTA), tiến tới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có phải sẽ là cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam? Giới hạn của không gian kinh tế bị khép kín trước đây, nay được dỡ bỏ, khơi thông giao lưu; thị trường của khu vực, của thế giới rộng mở trước mắt. Song, nhiều thách thức lớn cũng đang chờ do tính phức tạp của cuộc chiến cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường. Chiếm được thị trường sẽ tồn tại và phát triển, không có thị trường hay đánh mất thị trường sẽ dẫn tới sự tiêu vong. Mỗi doanh nghiệp đều phải vượt qua chính mình để khắc phục những hạn chế về trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng suất lao động, thiếu vốn ... và cả những khó khăn do việc thiếu hoàn chỉnh của hệ thống văn bản pháp lý trong kinh doanh. Hơn 650 mặt hàng, trong đó phần lớn là sản phẩm công nghiệp được đưa vào danh mục cắt giảm thuế nhập khẩu, thực hiện cam kết của Việt Nam trong tiến trình gia nhập AFTA. Cạnh tranh ập đến. Biện pháp bảo hộ cho sản xuất trong nước bằng hàng rào thuế quan dần dần được dỡ bỏ. Bà Mẹ Việt Nam sau nhiều năm nuôi dưỡng, chăm sóc, rèn luyện đã dũng cảm đưa những đứa con mang tên Công nghiệp Việt Nam gia nhập vào biển khơi mênh mông của Thị trường thế giới. Vận hội rộng mở cho những tài năng giỏi chèo lái con thuyền sản xuất của doanh nghiệp để tự khẳng định bản lĩnh, để trụ vững và tiến lên xuôi chèo mát mái trong đại dương thị trường cạnh tranh nhiều bất trắc và sóng gió. Đến hết năm 2003, nhìn lại một chặng đường ngành Công nghiệp Việt Nam đã đi qua sau ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng IX, có nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm, cắt nghĩa về nguyên nhân của những thành quả, của những cái được nhiều hơn cái mất. Khoán 10 của hơn mười năm trước là bước đột phá trong thay đổi quan hệ sản xuất, đã là động lực cho Nông nghiệp Việt Nam làm nên được chuyện thần kỳ, biến một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu..., đâu chính là chìa khoá vàng đã tạo nên sự tăng trưởng liên tục của Công nghiệp, vượt qua những thách thức trong ba năm qua? Trên đà này, Công nghiệp Việt Nam có làm nên được chuyện thần kỳ, góp phần tạo ra một giai đoạn phát triển ngoạn mục của kinh tế Việt Nam, biến một nước thuần nông, kinh tế tự cung tự cấp, thực sự trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020?
Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong ba năm qua đạt cao hơn bất kỳ giá trị bình quân cả giai đoạn nào trước đây. Trong 5 năm 1996 - 2000, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt trung bình 13,92%/năm, trung bình 3 năm (2001- 2003) mức tăng trưởng đạt đến 14,82%/năm, vượt chỉ tiêu do Đại hội Đảng IX đề ra cho ngành Công nghiệp bình quân 5 năm (2001-2005) là 13%/năm. Năm 2003 giá trị sản xuất công nghiệp đạt tăng trưởng gần 16%. Câu nói về sự tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, không còn là khẩu hiệu, mà đã là phản ánh thực tế. Cơ cấu kinh tế cả nước có những chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm dần từ 23,2% năm 2001 xuống 23,0% năm 2002 và dự báo 22,2% năm 2003, trong khi tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng liên tục, từ 38,1% năm 2001 lên 38,5% năm 2002 và năm 2003 ước đạt 39,9%.
Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng góp gì vào thành tích chung của ngành Công nghiệp? KH&CN có phải là động lực cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng IX đã xác định, được phản chiếu trong thành tích hoạt động của ngành công nghiệp? Khi nghĩ về Nông nghiệp Việt Nam, ta nghĩ đến thành tựu của KH&CN trong việc tạo ra những giống cao sản mới cho năng suất cao, về những biện pháp nuôi trồng, canh tác mới, biện pháp tăng vụ, phòng trừ sâu bệnh ... về hình ảnh của các nhà khoa học trên đồng ruộng, sát cánh cùng bà con nông dân làm nên điều thần kỳ của Nông nghiệp. Hoạt động KH&CN trong Công nghiệp ba năm qua cũng đã là nhân tố quan trọng góp sức làm nên sự tăng trưởng liên tục ở tốc độ cao của ngành trong giai đoạn chuyển đổi vừa qua; dấu ấn của KH&CN được để lại trên những mặt hàng mới, mẫu mã mới, chất lượng mới, năng suất mới, khả năng thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế... của những sản phẩm công nghiệp. Các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ của các Viện ngày nay cũng không còn xa lạ với thực tế sản xuất của các doanh nghiệp. Hoạt động KH&CN ngành Công nghiệp đã song hành hội nhập, tích cực tác động, là yếu tố rất quan trọng tạo nên thành tựu của sản xuất trong ba năm qua.
Với mạng lưới gồm 20 Viện, 4 Phân Viện, 5 Trung tâm thuộc Bộ và các Tổng Công ty, tổng số cán bộ nghiên cứu và nhân viên của các tổ chức KH&CN trong ngành Công nghiệp hiện nay gần 3.650 người, trong đó có khoảng 250 tiến sĩ và 1.700 kỹ sư. Trong 3 năm 2001-2003, các tổ chức KH&CN ngành Công nghiệp được giao thực hiện khoảng trên 200 đề tài nghiên cứu KH&CN cấp Bộ mỗi năm. Đang chủ trì 42 đề tài và 9 dự án sản xuất thử nghiệm thuộc các Chương trình KH&CN cấp Nhà nước 5 năm (2001-2005) và nhiều nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên. Các đơn vị trong ngành đang tham gia triển khai có hiệu quả Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu KH&CN nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản lý hiệu quả ngành Năng lượng” và Chương trình “Đầu tư cho nghiên cứu phát triển giống bông giai đoạn 2001-2005”. Nhà nước giao Bộ Công nghiệp chủ trì 2 Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế là Chương trình tự động hoá và Chương trình công nghệ vật liệu. Hai chương trình KH&CN cấp nhà nước mã số KC- 03 (Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tự động hoá), KC-05 (Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chế tạo máy) được chọn đặt văn phòng tại hai đơn vị trong ngành Công nghiệp.
Khi nói đến hoạt động KH&CN, một câu hỏi thường hay được đặt ra rất trực diện là đã có bao nhiêu kết quả đề tài được áp dụng vào sản xuất mỗi năm? Có hai vấn đề cần được trả lời rõ. Thứ nhất, phạm trù hoạt động KH&CN không nên hiểu chỉ gói gọn trong các đề tài nghiên cứu. Hoạt động KH&CN còn bao gồm công tác xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hoạt động sở hữu công nghiệp, sáng chế, sáng kiến, thông tin, hợp tác quốc tế trong KH&CN, hoạt động bảo vệ môi trường..., và sự phản ánh trực quan bằng kết quả đổi mới diện mạo của thiết bị, của công nghệ trong các cơ sở sản xuất. Thứ hai, giá trị của một đề tài nghiên cứu cũng không thể chỉ được đánh giá dựa vào một tiêu chí là có được áp dụng trực tiếp vào sản xuất hay không. Suy rộng ra, nếu bàn riêng về nghiên cứu khoa học, cũng không nên đếm số đề tài được áp dụng vào sản xuất để đánh giá kết quả chung của một chương trình. Ví dụ như đề tài nghiên cứu xây dựng tiêu chí của một nước công nghiệp, là một đề tài không đơn giản, sẽ không áp dụng được vào sản xuất ở bất cứ doanh nghiệp cụ thể nào, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng mục tiêu hướng tới cho phát triển công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2020. Câu hỏi nên được đặt lại là có bao nhiêu đề tài trong chương trình thiếu ý nghĩa thực tiễn? Với cách tiếp cận đó, có thể đánh giá tổng quát là không có đề tài nào trong danh mục của hơn 600 đề tài nghiên cứu trong ba năm qua không đạt tiêu chí về ý nghĩa thực tiễn. Phương thức quản lý hoạt động KH&CN đã chuyển đổi cùng với việc Nhà nước ban hành Luật KH&CN. Các Viện nghiên cứu tìm xây dựng đề tài từ yêu cầu bức thiết của các xí nghiệp, gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất. Chuyển hướng này cũng mang ý nghĩa về sự thành công của việc đưa một số Viện về trực thuộc Tổng Công ty, gắn Viện nghiên cứu với những vấn đề trực tiếp phục vụ chiến lược phát triển và nhu cầu sản xuất của các Tổng Công ty. Thành công của các Viện như Viện Năng lượng, Viện Khoa học-Công nghệ Mỏ, Viện Kinh tế-Kỹ thuật Thuốc lá, Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Dệt May, Viện Hoá học Công nghiệp, Viện Công nghệ, Viện Luyện kim đen .... và cả của Viện Nghiên cứu Da Giày, Viện Sành sứ và Thuỷ tinh Công nghiệp ... là minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương này. Các doanh nghiệp sản xuất cũng đăng ký và được hỗ trợ kinh phí thực hiện khoảng 30% tổng số đề tài cấp Bộ hàng năm. Những nghiên cứu này đương nhiên xuất phát từ nhu cầu của sản xuất, được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện, phần chủ yếu vẫn phải do doanh nghiệp bỏ ra và kết quả của đề tài được áp dụng ngay vào sản xuất, giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao sức cạnh tranh. Trong năm 2004, sẽ có những đề tài được giao thực hiện do nhu cầu của các Sở Công nghiệp, nhằm đưa công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn.
Đã có nhiều sản phẩm Made in Vietnam là xuất xứ từ những kết quả của các đề tài nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất mỡ bôi trơn chất lựơng cao do Công ty Phát triển phụ gia và sản phẩm Dầu mỏ thực hiện được trao giải nhất giải thưởng VIFOTEC năm 2002. Chủ nhiệm đề án được trao Giải thưởng Quốc tế WIPO Nhà sáng tạo xuất sắc nhất. Công nghệ hoàn nguyên ilmenhit Việt Nam tạo vật liệu bọc que hàn chất lượng cao do Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim thực hiện được trao giải ba VIFOTEC năm 2002. Công nghệ điều chế hương liệu từ nguồn thảo mộc sẵn có ở Việt Nam để thay thế hương tổng hợp phục vụ trong nước và xuất khẩu của Viện Kinh tế - Kỹ thuật Thuốc lá được trao giải khuyến khích VIFOTEC năm 2002. Cũng phải nhắc đến kết quả của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học là luận cứ cho việc xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, giúp cho công tác quản lý. Xây dựng chiến lược, chính sách nội địa hoá ô tô, phát triển xe đạp, xe máy; chiến lược phát triển ngành điện tử, công nghiệp hoá dầu, công nghiệp cơ khí, ngành thép; lập quy hoạch phát triển hệ thống điện, quy hoạch cơ khí, quy hoạch vùng nguyên liệu giấy, giúp các địa phương quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh v.v... là những ví dụ về công tác tư vấn KH&CN trong phát triển các ngành công nghiệp, đã và đang được triển khai trong thực tế. Kết quả của các đề tài nghiên cứu đã khẳng định khả năng chế tạo trong nước các dây chuyền thiết bị đồng bộ. Sản xuất phân NPK theo công nghệ vê viên bằng hơi nước và bao viên theo các mầu khác nhau, công suất 4 vạn tấn/năm; chế tạo nồi nấu bột giấy điều khiển tự động DCS cho dây chuyền sản xuất bột giấy năng suất 1,5 vạn tấn/năm; chế tạo máng cấp liệu để vận chuyển các vật liệu dạng bột có hệ thống điều khiển tự động DCS; chế tạo lò thấm điều khiển kỹ thuật số công suất 35 kW sử dụng cho công nghệ hoá nhiệt luyện; chế tạo dây chuyền chế biến đồng bộ thức ăn chăn nuôi gia súc công suất 5 tấn/h, có điều khiển định lượng tự động bằng máy tính với giá thành bằng 50 - 70 % giá nhập ngoại; nghiên cứu chế tạo trong nước máy phay kiểu F4025 CNC, với mức độ hiện đại, độ chính xác, độ bền tương đương các máy của các nước Châu Âu, giá thành chỉ bằng khoảng 60% giá nhập ngoại; chế tạo thành công máy cắt thép tấm cỡ lớn 9m x 20m điều khiển tự động CNC, dải tốc độ cắt 1-2000mm/phút độ chính xác dịch chuyển sai số 0,2mm, phục vụ cho các nhà máy đóng tầu cỡ lớn và các nhà máy sản xuất kết cấu thép; nghiên cứu thủy hoá các động cơ Điezel công suất lớn, áp dụng cho hàng chục động cơ Điezel tại các dàn khoan của Vietsopetro, tăng cường năng lực nội sinh, tiết kiệm ngoại tệ... là một số trong rất nhiều kết quả rất đáng khen ngợi được hình thành từ hoạt động của các Viện nghiên cứu.
Quan điểm chỉ đạo về đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp là tăng cường tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kết hợp nhập khẩu công nghệ với phát triển năng lực nghiên cứu triển khai trong nước; coi trọng công tác đào tạo để làm chủ và thích nghi hoá, phát triển các công nghệ nhập, đồng thời từng bước tạo ra công nghệ nội sinh nhằm hiện đại hoá một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm quan trọng, góp phần từng bước đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm quốc gia và sản phẩm xuất khẩu, phục vụ chiến lược tăng tốc một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Gia tăng tỷ trọng đóng góp của hàm lượng KH&CN vào giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu. Phát triển và ứng dụng các công nghệ cao (công nghệ thông tin, vật liệu, chế tạo thiết bị và tự động hoá), nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng bảo vệ môi trường.
Quyết tâm đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp đã đóng góp không nhỏ, làm nên mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng công nghiệp, giúp nhiều ngành hàng giữ được thị trường và mở rộng thị trường. Kinh nghiệm đầu tư ở nhiều doanh nghiệp cho thấy, việc nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài có thể đi bằng nhiều cách khác nhau. Đơn cử như Công ty Thiết bị đo điện (Tổng Công ty Thiết bị kỹ thuật điện) chỉ chọn chuyển giao công nghệ qua liên doanh để sản xuất các loại thiết bị điện công nghiệp mà trong nước chưa sản xuất được như thiết bị điện cao thế, máy phát điện... Đối với các thiết bị trong nước đã sản xuất được, chỉ chọn khâu quan trọng nhất trong dây chuyền công nghệ để hiện đại hoá là công đoạn đo kiểm, giám sát chất lượng sản phẩm. Nhận chuyển giao công nghệ chế tạo công tơ 1 pha từ công ty nước ngoài và đầu tư thiết bị đo kiểm bằng hệ thống máy vi tính, vốn đầu tư 2 triệu USD, sản lượng đạt 600.000 chiếc/năm, công tơ đạt tiêu chuẩn IEC và giá thành chỉ mất 9,5 USD/chiếc, thay vì ban đầu phía nước ngoài đề nghị vốn đầu tư 8,7 triệu USD, công suất 300.000 chiếc/năm và giá thành sản phẩm là 15 USD/chiếc. Việc đầu tư chiều sâu và chuyển giao công nghệ ở Công ty đã đạt hiệu quả cao. Công tơ điện sản xuất ở đây đã xuất khẩu sang các nước Đông Nam á và Nam Mỹ.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt May, Da Giầy, một số mặt hàng thực phẩm chế biến ngày càng tăng là minh chứng cho kết quả của những lựa chọn đúng trong đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ và thiết bị trong các ngành Điện lực, Hoá chất, Thép, Cơ khí, Chế tạo thiết bị điện, Máy động lực, May mặc..., đã tạo nên vóc dáng mới cho Công nghiệp Việt Nam trong những năm qua. Công tác tư vấn lựa chọn công nghệ trong đầu tư là hoạt động KH&CN đã đóng góp trực tiếp vào sản xuất của doanh nghiệp.
Về mở rộng quan hệ quốc tế trong hoạt động KH&CN, Bộ Công nghiệp đã phối hợp với nhiều tổ chức nước ngoài, mở các lớp đào tạo về quản lý chất lượng, giúp các doanh nghiệp, Sở Công nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 9000-2000. Phổ biến hệ thống quản lý môi trường ISO-14000 đến các Tổng Công ty, Công ty. Đến nay, đã có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo hệ thống ISO 9000. Một số cơ sở đang phấn đấu đăng ký đạt được chứng chỉ quản lý môi trường theo hệ thống ISO 14000. Đây là những giấy thông hành quan trọng giúp doanh nghiệp thâm nhập được vào thị trường thế giới.
Trở lại suy nghĩ lúc đầu, yếu tố nào đã giúp các ngành công nghiệp Việt Nam trụ vững trước những thách thức và đạt được những thành tích cao trong giai đoạn vừa qua? Có thể là một tập hợp rất nhiều yếu tố về quản lý, về năng lực của người lãnh đạo, về tổ chức, về chính sách, về đào tạo, về đổi mới công nghệ, cả về ý chí quật cường và lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của tập thể những người lao động... Thế giới đã bỏ nhiều giấy mực phân tích, lý giải về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản một thời, về các con rồng Châu á. Phát triển công nghiệp của Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao, làm sao để giữ được sự tăng trưởng bền vững; có làm nên được sự thần kỳ Việt Nam, mở ra một chu kỳ phát triển ngoạn mục không, vấn đề này cần được các cơ quan hoạch định chiến lược nghiên cứu rất thấu đáo, tham mưu cho Nhà nước quyết định đúng các chính sách. Với thực tế đã có, một nhận xét dễ thấy là trong mỗi bước đi lên của Công nghiệp Việt Nam, luôn nhận thấy bóng dáng của KH&CN. Trong phạm vi một bài viết ngắn, không thể kể ra nhiều ví dụ, đề cập được mọi khía cạnh, nhưng cũng đủ để khẳng định rằng, KH&CN đã luôn bước song hành với công nghiệp, đã tác động tích cực trên con đường phát triển, dù trong một số trường hợp có vẻ như rời xa, có cả nhịp vượt trước với những nghiên cứu đón đầu, nghiên cứu mạo hiểm.
Mùa xuân 2004 đang đến. Xin chúc một năm thắng lợi mới của ngành Công nghiệp, của Khoa học và Công nghệ.
Khoa học và Công nghệ - Song hành, hội nhập, thúc đẩy sản xuất
TCCT
Ba năm qua, ba năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các ngành công nghiệp của nước ta đều phải trải qua nhiều trăn trở trước những ngả đường