Nhà Rông và Nhà Dài được đánh giá là một trong những lối kiến trúc cổ lưu truyền lớn nhất về nhà ở của nước ta. Nhà Rông là ngôi nhà chung của dân cư trong một buôn hay trong một plei (plây), nghĩa là trong một làng của đồng bào Tây Nguyên. Cũng như ngôi đình làng của đồng bào kinh Bắc Bộ, đồng bào ở Tây nguyên coi Nhà Rông là nơi linh thiêng. ở đó, con người có thể tiếp xúc với các vị thần bảo hộ làng, thông qua các nghi lễ lễ hội truyền thống của buôn làng. Ngôi Nhà Rông biểu hiện sự trường tồn và phát triển của các tộc người Tây Nguyên, nên được chọn đặt ở vị trí trung tâm của làng và nhà dựng càng lớn, chứng tỏ buôn làng càng giàu có. Đó là nơi hội họp của cộng đồng, của hội đồng già làng, chủ làng để bàn bạc các công việc liên quan đến cả buôn làng, dạy bảo con cháu trong buôn mỗi khi có ai vi phạm những điều cấm kỵ hay hòa giải những tranh chấp, kiện tụng…. và cũng là nơi để các già làng xây dựng luật tục, bảo vệ phong tục tập quán của từng tộc người. Nhà Rông còn là trung tâm của các lễ hội cộng đồng, là nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian…Bên ánh lửa hồng, trong tiếng cồng, chiêng ngân vang thâu đêm suốt sáng, dân làng mặc áo váy mới, đeo những đồ trang sức đẹp nhất đến với lễ hội để ôn lại truyền thống lịch sử của mình, bày tỏ những tình cảm và khát vọng về cuộc sống tự do, thanh bình và cường thịnh, khát vọng được giao tiếp với thần linh trời đất.
Hằng ngày, cứ vào buổi tối, đám thanh niên đến tuổi trưởng thành chưa lấy vợ thì phải ra Nhà Rông ngủ để bảo vệ buôn làng mỗi khi có thú dữ hay trộm cướp cũng như để con gái trong buôn muốn " bắt chồng " thì tìm đến. Vì thế không riêng con gái trong buôn mà cả những buôn khác cũng tụ hội quanh nhà Rông hát hò hay tỏ tình với các chàng trai ….
Ngôi Nhà Rông giữa lòng Hà Nội được hình thành nhờ bàn tay những nghệ nhân người dân tộc Bana ở làng Kon Rbàng. Nó được phục dựng trên cơ sở một số yếu tố cơ bản của ngôi nhà Rông làng Kon Rbàng duy nhất còn lại ở Tây Nguyên ngày nay. Chiều cao của nhà là 19m, nguyên phần mái 13m; gồm 4 mái, diện tích của mỗi mái chính rộng khoảng 170m2. Sàn cao gần 3m, có diện tích là 90m2 (không kể phần sàn sân), được làm bằng tre lồ ô bổ banh đập dập. Mỗi chiếc đòn tay, xà dọc có độ dài 14-15m, vách thưng bao quanh ngôi nhà được đan bằng phên tre có tổng diện tích 70m2. Ngôi nhà đứng trên 4 cột cái chính cao 8m có đường kính 60cm và có 4 cột cái phụ ở hai đầu cao khoảng 6m có đường kính 40cm cùng với hai chục cột đỡ mặt sàn.
Ngôi nhà tựa như một chiếc rìu khổng lồ, biểu tượng sức mạnh cường tráng của người đàn ông núi rừng Tây Nguyên.Việc thiết kế mái nhà có hình lưỡi rìu ngược cao vút lên tận không trung tượng trưng cho sức mạnh và tránh những cơn gió Tây Nguyên, đồng thời cũng là người chỉ đường giúp cho những người dân trong buôn làng mải mê làm rẫy chẳng may bị lạc thì có dấu hiệu để tìm về. Ngôi Nhà Rông ở đây được làm bằng những nguyên vật liêụ của núi rừng Tây Nguyên. Điều đặc biệt là cả một công trình đồ sộ này, không hề sử dụng một chiếc đinh sắt nào, các bộ phận của ngôi nhà được liên kết với nhau bằng hệ thống ngoàm và dây chằng buộc.
Nếu nhà Rông được coi là biểu tượng sức mạnh, niềm tự hào chung của cả một plei thì Nhà Dài là biểu tượng của gia tộc theo chế độ mẫu hệ, hôn nhân theo kiểu nối dây(chuê nuê). Gia tộc nào càng giàu có, đông con gái và có thế lực thì ngôi nhà của họ càng đẹp, càng dài. Trước Cách mạng Tháng Tám, ở Tây Nguyên có những ngôi Nhà Dài tới hơn 200m, có 17 hộ gia đình và 61 nhân khẩu sống trong đó. Ngôi Nhà Dài ở Bảo tàng Dân tộc học hiện nay được dựng lại trên cơ sở nhà bà H'bách Êban (buôn Ky, phường Thống Nhất, Thành phố Buôn Mê Thuật, tỉnh Đắc Lắc) có độ dài hơn 42m, sàn cao hơn 1m và rộng 6m, từ sàn lên nóc là hơn 4m, mái lợp bằng cỏ gianh, sàn nhà dát tre lồ ô còn cột nhà và các vì kèo được khắc những hình thù như kỳ đà và rùa, cầu thang gồm một chiếc lớn và một chiếc nhỏ, trên đầu chiếc lớn có khắc bộ ngực của người phụ nữ tựa như hai chiếc ngà voi hay sừng tê giác-biểu tượng sức mạnh và vẻ đẹp của phụ nữ núi rừng Tây Nguyên. Nhà Dài được thiết kế chia làm hai phần, Gah, là không gian phía ngoài nhà hay còn gọi là phòng khách. ở đây được bày biện khá sang trọng như phản độc mộc, ghế Cư Pan, trống cái, một đầu được bít bằng da trâu đực, một đầu bằng da trâu cái… , Ôk là không gian phía trong, nơi sinh hoạt của các gia đình thành viên trong gia tộc. Nhà Dài là ngôi nhà chung của cộng đồng gia tộc dòng họ, chủ làng là người đàn bà đứng đầu gia tộc có công tìm đất lập làng và cũng là người quản lý, điều hành mọi hoạt động của ngôi nhà cộng đồng. Mọi quyết định tại ngôi nhà cộng đồng sẽ đều được các gia tộc thi hành.
Với hai ngôi nhà đại diện cho kiến trúc và sinh hoạt văn hoá Tây Nguyên, người Hà Nội càng hiểu và yêu quý văn hóa cũng như đời sống, sản xuất của đông bào các dân tộc BaNa, ÊĐê, MơNông, GiaRai…. Mỗi khi bước vào hai ngôi nhà đó, ai cũng cảm giác như đang ở trong buôn làng, sống giữa nền văn hoá đặc sắc của đồng bào Tây nguyên, cảm thấy có một Tây nguyên luôn ở giữa lòng đất nước./.