Hàng Việt Nam trên đất bạn Cămpuchia

Vương quốc Cămpuchia có diện tích 181.035 km2, dân số 13.104.000 người, với mật độ 72 người/km2, tuổi thọ trung bình 56,5 năm. Ngôn ngữ chính được sử dụng ở Cămpuchia là tiếng Khơme. Ngoài ra, tiếng A

Thủ đô Phnômpênh là trung tâm kinh tế, giao thông, văn hóa của Cămpuchia, là nơi gặp gỡ của 3 con sông Mê Công, Tônlê Xáp và Bát-sát. Hiện nay, nhiều kiến trúc nổi tiếng được lưu giữ ở Phnômpênh, không chỉ là những di tích lịch sử, mà còn là công trình văn hóa đặc sắc, mang dấu ấn đậm nét của nền văn minh Ăng Co huy hoàng và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Cung điện Hoàng gia là công trình kiến trúc đẹp, với những vòm mái cong và tháp cao 59 m, được xây dựng từ năm 1866. Cách Hoàng cung không xa là Đền Oát Phnôm, được xem là biểu tượng của Phnômpênh, được xây dựng từ năm 1434. Ngày nay, Oát Phnôm là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ven hai bờ sông Mê Công có Quảng trường Độc lập và Đài tưởng niệm độc lập. Phía bắc Thủ đô là Khu công nghiệp Xô-keo, có các nhà máy hóa chất, chế tác đá quý... Cách phía nam khoảng 5 km, là Khu Công nghiệp Đại Kim Âu, chủ yếu tập trung các ngành Dệt, Điện lực, Sành sứ, Cao su... Phnômpênh còn là một cảng sông quan trọng ở lưu vực sông Mê Công, tầu có tải trọng 2.000 – 4.000 tấn có thể neo đậu tại đây. Ngoài cầu cảng, còn có điểm thả neo, đê chắn sóng dài 700 m và nhiều kho tàng...

Sau 25 năm kể từ ngày đất nước thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Pônpốt - Lengsary - Khiêusamphon, nhân dân Cămpuchia đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Đã tổ chức thành công cuộc bầu cử khóa 3 ngày 27/7/2003; Đảng nhân dân Cămpuchia đã dành được 73/123 ghế trong Quốc hội (giữ vị trí chủ chốt trong chính trường Cămpuchia hiện nay); Đảng mặt trận đoàn kết dân tộc vì  một nước Cămpuchia độc lập, trung hòa, hòa bình và thống nhất, dành 26/123 ghế trong Quốc hội; Đảng Sam Rainsi (SRS) dành được 24/123 ghế trong Quốc hội.

Những năm gần đây, đất nước Cămpuchia đã có nhiều thay đổi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6-7%/năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP tính theo PPP): 15,998 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 1.361 USD; Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 43%, công nghiệp 20%, dịch vụ 37%. Các cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đang vươn nhanh đến các vùng nông thôn. Chính phủ Hoàng gia Cămpuchia đã thực hiện thành công việc cơ cấu lại bộ máy hành chính, cải tổ hệ thống tư pháp và kinh tế tài chính cũng như việc đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nhất là với các nước Asean, đã làm tăng độ tin cậy của nhân dân cũng như cộng đồng quốc tế đối với Chính phủ Cămpuchia, tạo  thế và lực mới trên bước đường củng cố vững chắc nền hòa bình, phục hồi kinh tế và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, đất nước này còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài (hơn 40% ngân sách quốc gia hàng năm), vấn đề thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cơ sở hạ tầng còn yếu kém...

Cămpuchia là thị truờng rất gần với Việt Nam, có 9 tỉnh biên giới chung, khoảng cách từ TP. Hồ Chí Minh đến Phnôm Pênh chỉ có 230 km, như vậy hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Về kinh tế, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm qua đã được tăng cường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hai bên tích cực triển khai Biên bản thỏa thuận tại Kỳ họp thứ 7 của ủy ban hỗn hợp Việt Nam -  Cămpuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Nhiều tỉnh và địa phương của hai nước đã chủ động gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác thương mại, góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa giữa các khẩu ngày càng tăng. Các hoạt động tại các chợ biên giới, chợ cửa khẩu phát triển nhanh.

Về thương mại: Từ năm 2000 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai nước có bước tăng trưởng khá. Năm 2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cămpuchia đạt 558 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cămpuchia đạt khoảng 431 triệu USD, nhập khẩu từ  Cămpuchia đạt 127 triệu USD.

Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Cămpuchia ngày càng đa dạng và được thị trường Cămpuchia ưa chuộng, chủ yếu là hàng tiêu dùng, bao gồm đồ nhựa gia dụng, kim loại, bột giặt, xà phòng, văn phòng phẩm, thực phẩm chế biến (mỳ ăn liền, bánh kẹo, đồ uống), thủy sản, rau quả, dệt may và giầy dép, vật liệu xây dựng, xăng dầu, phân bón, thiết bị máy móc..., trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Cămpuchia đạt kim ngạch khá lớn như: Mỳ ăn liền đạt 14 triệu USD, nhựa đạt hơn 19 triệu USD, sữa đạt hơn 158  nghìn USD.

Ông Trần Quốc Thắng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cămpuchia cho biết, các nhóm hàng tiêu dùng của Việt Nam có khả năng thâm nhập vào thị truờng Cămpuchia, cụ thể, hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam đã được bầy bán nhiều hơn tại thị trường này: Mỳ ăn liền Colusa, Miliket, An Thái, thực phẩm Vissan, sữa và nước trái cây Vinamilk, nhựa Melamine Thành Phát, Rosa; Bột giặt Daso; Nước chấm Thuận Phát, nước chấm Cholimex; Gạch Đồng Tâm... Bước đầu, nhiều công ty của Việt Nam đã hình thành mạng lưới kinh doanh tại Cămpuchia như Công ty Biti’s, Vinamilk, bút bi Thiên Long đã chọn một công ty nước sở tại làm nhà phân phối, đại lý độc quyền cho doanh  nghiệp Việt Nam. Tại đại lộ Mô-ni-vông ở trung tâm thủ đô Cămpuchia, Công ty AED của Cămpuchia đã mở Siêu thị VINAMARK trưng bầy hàng hóa Việt Nam với 1.500 mã hàng từ thực phẩm chế biến, đồ uống, các sản phẩm giặt tẩy chất lượng cao của các công ty tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng... Một số doanh nghiệp Việt Nam sau một thời gian tiếp cận thị trường Cămpuchia đã mở đại lý, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại đây, như Công ty Biti’s, cà phê Trung Nguyên, Vifon, mỳ Milikét. Vinamilk còn chung vốn với một số công ty Việt Nam thành lập Công ty Angkor Europa Diffusion để quảng bá và phân phối hàng Việt Nam. Các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam được bán tại 26 chợ và siêu thị của Cămpuchia. Để thâm nhập mạnh vào thị trường Cămpuchia,  Việt Nam cần có chiến lược đầu tư hợp lý, nên đầu tư với quy mô vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu vào các ngành hàng đang được tiêu thụ mạnh tại Cămpuchia, như hàng nhựa, giầy dép, mỳ ăn liền, chế biến hạt điều, chế biến gỗ..., nhằm chiếm lĩnh thị trường hay tránh thuế suất cao và các thủ tục phiền hà, cũng là dạng thay thế xuất khẩu hàng chính ngạch, để giảm các rủi ro. Đồng thời, tăng cường chiến lược quảng bá tiếp thị sản phẩm v.v... 

Về đầu tư, tính đến hết năm 2005, Cămpuchia có 4 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 4 triệu USD, Việt Nam có 9 dự án đầu tư đang hoạt động tại Cămpuchia với tổng vốn đầu tư đạt 15,133 tỷ USD.

Trong khuôn khổ hợp tác khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cămpuchia, các bên đang thực hiện Dự án Quy hoạch tổng thể liên kết trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ... Trong 2 năm 2004-2005, danh mục các dự án triển khai gồm 13 dự án kêu gọi hợp tác đầu tư của nước ngoài và 22 dự án thương mại song phương giữa ba nước, trong đó có một số dự án được thực hiện từ nguồn vốn viện trợ, hoặc cho vay của Việt Nam với Lào và Cămpuchia.

Nhằm thúc đẩy Chương trình hợp tác năng lượng điện giữa Việt Nam - Cămpuchia theo thỏa thuận đã ký kết, Việt Nam bán điện cho 11 điểm của Cămpuchia. Trước mắt, Việt Nam duy trì bán điện cho 3 điểm tại vị trí tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh theo Thoả thuận năm 2000 giữa hai bên, 8 điểm còn lại tiếp tục được triển khai vào những năm tới để bán điện cho các tỉnh biên giới giữa hai nước. Ngoài ra, hai bên còn đẩy mạnh hợp tác khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, trao đổi các đoàn chuyên gia, thực tập sinh, giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng và triển khai chương trình bảo vệ rừng ở khu vực tiếp giáp biên giới với hai nước, tiến hành điều tra quy hoạch, trồng rừng, tu bổ và tái tạo rừng...

  • Tags: