Nổi chìm Nghề Gốm

Bên con sông Cầu “nước chảy lơ thơ” có một doi đất nhỏ hẹp dài, không đầy 1,5km, rộng không quá 200m. Trên doi đất toạ lạc một làng gốm cổ: làng Thổ Hà, xưa kia đã từng một thời lừng lẫy “vua biết mặt

Nghề gốm đã tồn tại trên mảnh đất này gần ngàn năm, sản phẩm từng đi khắp nước Đại Việt. Đồ gốm Thổ Hà là các vật dụng quen thuộc trong sinh hoạt: chum, vại, nồi đất, bát đĩa, tiểu sành… Đời sống của người thợ gốm tuy không giàu, nhưng cũng có “bát ăn bát để”, con giai Thổ Hà khi ấy “cao giá” lắm: “Giời mưa cho ướt lá khoai. Đố ai lấy được con giai Thổ Hà”.
Thời hoàng kim ấy nay đã trở thành dĩ vãng, bây giờ Thổ Hà không còn một lò gốm nào cả, nghề gốm đã thất truyền hơn mười năm nay. Tôi đến Thổ Hà vào một ngày đầu thu, điều để người ta nhận ra rằng đây từng là làng gốm, đó là những bức tường xây toàn bằng tiểu sành, chum vại vỡ (những đồ phế phẩm). Làng hẹp, nhân khẩu đông, trên nền những lò gốm xưa giờ đã là nhà cửa san sát. Tôi tới nhà cụ Kim – một nghệ nhân cao tuổi ở làng. Có người tới chơi, cụ mừng lắm, tay run run vốc chè pha vào chiếc ấm… Trung Quốc. “Lên bẩy tuổi tôi đã làm quen với đất, với lò nung rồi – cụ kể. Đất sét đập nhỏ, ngâm vào nhào kỹ, dẻo mềm, không được nát, dính tay…”. Cụ cứ mê mải kể mãi, chắc lâu lắm rồi mới có người hỏi cụ về nghề làm gốm. Tôi ngỏ ý muốn xem một sản phẩm gốm Thổ Hà, cụ buồn bã: hàng chục năm nay làng tôi không làm nghề gốm nữa, những vật dụng cũ vỡ hỏng rồi, đến tôi còn phải dùng đồ của Trung Quốc.  
Làm sao mà nghề gốm có hàng ngàn năm lại bị mai một hở cụ? Tôi hỏi. Cụ úp hai bàn tay vào mặt: nói ra thì đau lắm anh ạ. Nhu cầu thị trường ngày nay ít hơn trước. Anh đừng ngạc nhiên vì sao người đông mà nhu cầu lại kém, ấy là bởi ngày nay đồ dùng được làm bằng nhiều loại vật liệu mới như nhựa, nhôm… vừa rẻ lại bền. Trước kia, người ta dùng chum vai để đựng thóc gạo, nước ăn, muối dưa cà… thì nay có thể dùng bằng thùng tôn, thùng nhựa. Hàng Trung Quốc lại tràn vào ồ ạt, giá của họ rẻ hơn, thế là chúng tôi đành chịu thua thiệt. Làng Thổ Hà đông nhân khẩu (khoảng 7.000 người), đất canh tác không có, nay mất nghề gốm, dân Thổ Hà bỏ đi tứ xứ tha phương cầu thực. Trong làng giờ chỉ rặt người già và trẻ con. Những người ở làng hết xoay ra nấu rượu đến tráng banh đa nem. Sản phẩm thừa của nấu rượu và tráng banh họ dùng nuôi lợn. Nhà nào cũng nuôi vài con, đi khắp làng đều thấy sặc lên mùi lợn và mùi cám bã nồng nồng. Chiều chiều, người làng Thổ Hà thường ra sông Cầu hóng mát (đây là khoảng đất trống duy nhất của làng). Chiều nay cũng vậy, cụ Kim buồn buồn nhìn dòng sông trôi chầm chậm. “Chỗ tôi và anh đứng đây là bến Vạn – cụ nói, xưa kia gốm được tập kết ở đây để chất xuống thuyền, theo sông Cầu đi ngược về xuôi khắp chốn”. Lâu lắm rồi không có thuyền ghé vào bến Vạn, chỉ thấy một con đò ngang ế khách nằm lười biếng dưới lùm tre. Giọng cụ Kim đau đáu xót xa: Vài mươi năm nữa chúng tôi chết đi, bọn trẻ lớn lên không biết nghề gốm là gì, thế là hết. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ bọn trẻ này chắc chúng ngạc nhiên lắm khi nói “xưa kia” làng chúng làm nghề gốm.
Xứ Kinh bắc ngoài Thổ Hà còn có làng Phù Lãng cũng làm gốm. Theo các già làng kể thì làng gốm Phù Lãng ra đời cùng thời với Thổ Hà, ông tổ nghề là cụ Lưu Phong Tú, cùng đi sứ Bắc Triều với ông tổ bên Thổ Hà. Sản phẩm  gốm sành của Phù Lãng khá đa dạng, về gốm dân dụng có chum, chậu, chõ, vò, vại, ấm, nồi niêu, ang, liễn, âu, thạp, lu, hũ, nậm rượu, ống nhổ, bình vôi (thật đáng buồn là nhiều đồ vật trong số này bây giờ người ta không dùng nữa). Về gốm thờ, Phù Lãng có đỉnh, lư hương, bát hương, đĩa quả, ống cắm hương, chân nến… may mắn hơn Thổ Hà là Phù Lãng vẫn còn giữ được nghề gốm, nhưng nghề ở đây cũng teo lại đến thảm hại: chỉ còn 25-30% số hộ là gốm, nhiều người bỏ nghề đi kiếm việc làm nơi khác. Trong làng Phù Lãng ngày nay, tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục: chiếm tới 60-70% số lao động. Theo dự đoán của xã thì số hộ nghèo có xu hướng tăng từ 10-15% trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hoàn – một thợ gốm Phù Lãng uể oải tiếp chuyện tôi: trước năm 1990, gốm làm đến đâu bán hết đến đây, bây giờ vài tháng mới bán được một lò. Hàng thì ế ẩm, trong khi ấy, giá củi, giá đất cái gì cũng tăng, chúng tôi sống làm sao bây giờ. Cả đời làm gốm, giờ không sống được bằng nghề, ngần này tuổi đầu, chúng tôi còn biết đi đâu, làm gì. Gương mặt ông, ngoài vẻ lam lũ, giờ hằn lên những nếp nhăn lo lắng.
Không phải là người làng gốm không năng động, thợ gốm Phù Lãng đã tìm hướng phát triển mặt hàng gốm mỹ nghệ để phù hợp với nhu cầu thị trường. Các sản phẩm chậu hoa, chậu cảnh, đôn, bình hoa… đã được các nghệ nhân khéo léo làm ra, nhưng hàng bán vẫn chẳng ăn thua gì. Một người chuyên bán gốm Phù Lãng là ông Nguyễn Sỹ Phúc than thở: gốm Phù Lãng giờ khó bán lắm, lặn lội từng chiếc xe thồ chum, vại đến tận các tỉnh ven biển Bắc bộ, rồi ngược cả lên vùng Tây Bắc mà cũng chả có mấy người mua.
Tôi trở về Hà Nội tìm gặp TS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, người đã tổ chức cuộc triển lãm: “Gốm đất nung, sành của các dân tộc Chăm, Thái, Việt”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy cho biết: Không chỉ có gốm Thổ Hà, Phù Lãng bị tàn lụi, mà gốm Chiềng Cơi (Thái) và gốm Bầu Trúc (Chăm) cũng không vượt lên được trong nền kinh tế thị trường. Từ lâu, Chiềng Cơi không làm gốm nữ. Bầu Trúc thì trong tình trạng giống như Phù Lãng là hoạt động cầm chừng, nhiều người phải bỏ nghề. Và đương nhiên, khi lâm vào tình trạng mất nghề thì cái nghèo, cái đói là điều không tránh khỏi. Báo Ninh Thuận đã từng viết về Bầu Trúc: “nằm ngay ở trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa huyện Ninh Phước, nhưng ít ai ngờ rằng, Bầu Trúc lại nghèo đến thế, cả làng có đến 50% số hộ nghèo”.
Nguyên nhân tàn lụi của các làng gốm thì đã rõ, đó là trong thời đại ngày nay các kỹ thuật tiên tiến đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp thích ứng với cuộc sống mới. Sự cạnh tranh của hàng công nghiệp sản xuất dây chuyền có kỹ thuật tiên tiến, mẫu mã đẹp và luôn thay đổi, giá thành lại rẻ, đã đẩy các làng nghề đến nguy cơ thất nghiệp. Một nguyên nhân khác khiến các lò gốm nghèo ngày càng xơ xác, đó là chi phí sản xuất tăng, tiền đầu tư lớn mà giá thành phẩm rẻ. Một thợ gốm Bầu Trúc cho biết: nếu như năm 1986, một xe đất sét ở Bầu Trúc là 10.000 đồng, một xe bò củi là 50.000 đồng, thuê người phụ việc 3000 đồng/công thì bây giờ, một xe đất lên đến 40.000 đồng, một xe bò củi 150.000 đồng, thuê nhân công 14-15.000 đồng. Trong khi đó, một cái lu năm 1986 bán được 7.000 đồng (tương đương 7kg gạo) thì bây giờ cũng chỉ bán được 10.000 đồng, quy ra gạo chưa đầy 3 kg. Tiền đầu tư cho một lò gốm chừng 7-8 triệu đồng,  nếu thuận lợi, mỗi lò cũng chỉ lãi được chừng 1-1,5 triệu đồng (mà phải mất mấy tháng), nếu gặp rủi ro lò vỡ, gốm hỏng thì chỉ còn nước bỏ nghề.
Kết thúc bài viết này, tôi xin nhắc lại lời tiến sỹ Nguyễn Văn Huy trong buổi khai mạc triển lãm: “Các sản phẩm đất nung hay sành của những người thợ gốm từ lâu đã trở thành những thành yếu tố quan trọng trong văn hóa vật chất và tâm linh ở nhiều vùng của đất nước. Những kinh nghiệm về nghề gốm truyền thống với việc lựa chọn nguyên liệu, tạo dáng, tạo màu sắc sản phẩm hay nung gốm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là những di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc…”.
Vâng, như vậy, việc các làng gốm cổ mất đi không chỉ là nỗi đau, nỗi lo lắng của riêng người thợ gốm, mà còn là nỗi đau chung của tất cả chúng ta về những di sản văn hóa bị mai một. Chúng ta không nên hô hào suông là phải bảo tồn này nọ, bởi vì với người thợ thủ công ít vốn, thiếu tri thức đổi mới công nghệ và kỹ thuật thì làm sao đủ sức bảo tồn. Nhà nước phải có chính sách ưu đãi vay vốn, đầu tư để giúp người thợ gốm đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm truyền thống này sống mãi, để người thợ gốm có thể làm giàu được bằng nghề của mình.

  • Tags: