Khăn đóng áo dài Việt Nam vào hội xuân ra biển rộng

Bàu trời Thăng Long - Hà Nội, mùa đông mà trời có nắng, cái nắng ấm lan tràn qua những đường phố sạch đẹp đón bước chân thượng khách quốc tế về dự hội nghị APEC. Không khí và tâm hồn người dân Việt có

Dự báo mùa xuân của 60 năm trước là mùa xuân cách mạng dân tộc, còn mùa xuân năm nay là mùa xuân hội nhập. Con thuyền Việt Nam vượt lên giông bão, thuận buồm lộng gió ra khơi, sánh vai cùng 149 cường quốc thành viên trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Xôn xao trên bến bờ của tuyến xuất phát đó, đến phố hội để chúc mừng Việt Nam gia nhập WTO, có đông đủ các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Và theo thông lệ APEC, quốc phục truyền thống của nước chủ nhà được vận dụng, khăn đóng áo dài Việt Nam đã được các nguyên thủ quốc gia khoác lên người. Hình ảnh tổng thống Hoa Kỳ, tổng thống Nga, tổng thống Philippines… trong khăn đóng áo dài vừa trang trọng vừa lạ mắt. Đối với các nguyên thủ phương Đông, áo dài khăn đóng dễ nhập tục, nhưng với các vị nguyên thủ phương Tây thì khăn đóng áo dài trở thành một cố gắng để hòa nhập.

Xúng xính trong chiếc áo dài-sắc phục cổ truyền Việt Nam với những nụ cười, những cái bắt tay thân mật, toàn cảnh hội nghị APEC toát lên một dấu hiệu: “Việt Nam và thế giới đang xích lại gần nhau, vì hòa bình và phát triển”. Trên mảnh đất lành này, nhiều hợp đồng đã được ký kết, quan trọng nhất là văn bản ký kết giữa Nga và Hoa Kỳ về việc để Nga gia nhập WTO. Tiếp đó là diễn đàn đầu tư, thông qua diễn đàn này đã có 8 dự án được ký kết với tổng số vốn lên đến 2 tỉ USD. Đây là một tiền đề kích thích vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2006, vốn FDI tăng vọt lên 10,2 tỉ USD với các dự án lớn như Dự án sản xuất thép cán nguội và cán nóng của Công ty Posco - Việt Nam tại KCN Phú Mỹ II (huyện Tân Thành); Tại TP.HCM, tập đoàn Intel (Hoa Kỳ) quyết định tăng vốn đầu tư từ 300 triệu USD lên 1 tỷ USD; hay Dự án luyện cán thép của Công ty TNHH Tycoons Worldwide Steel Việt Nam (TWS) đặt tại Khu công nghiệp Dung Quất, Quảng Ngãi với số vốn đầu tư  556 triệu USD…

Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế hàng đầu, nhưng lâu nay, do các ràng buộc cũ, nên đầu tư  vào Việt Nam mới chỉ xếp hàng thứ 9 trong 75 nước, lãnh thổ. Nhưng ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO và Luật về PNTR đối với Việt Nam được thông qua thì đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức họp báo cho biết, năm 2007, Hoa Kỳ sẽ đầu tư  vào một số dự án lớn, nâng số vốn đầu tư tại Việt Nam lên 8 tỉ USD và thứ bậc về đầu tư của Hoa Kỳ sẽ leo lên vị trí cao hơn. Hòa chung niềm vui ấy là viện trợ qua ODA năm 2007 cũng được các thân hữu cam kết tăng lên 4,45 tỉ USD.

Trong không khí hân hoan đón xuân và đón đất nước được nâng tầm, hội đủ tiêu chuẩn để gia nhập vào “sân chơi lớn” WTO, cũng còn có không ít băn khoăn suy nghĩ, vì cơ hội còn kéo theo thách thức. Những băn khoăn đó là: Hàng ngoại sẽ xô lấn hàng nội, hàng nội phẩm chất còn kém, tiếp thị và quản lý chưa giỏi sẽ khó ra ngoài và cạnh tranh, doanh nghiệp phá sản, công nhân thất nghiệp… Nhiều năm qua, Việt Nam đã từng vào cuộc với cam kết AFTA, ASEAN và với hàng Trung Quốc, chúng ta có thời gian “tập huấn” với các tiêu chuẩn, định chế, thuế quan thương mại tự do và chúng ta đã đứng vững. Để thực thi nghĩa vụ   thành viên thứ 150 của WTO, chúng ta cần phải chuẩn bị những biện pháp để tránh cuộc “chạm trán” với những gay go đó. 

Cứ tạm nhìn trên mặt trận xuất khẩu, chúng ta trầy trật lắm cũng mới có 300 đơn vị xuất khẩu đạt danh hiệu “uy tín hàng đầu” (trong 3 năm liền từ 2004-2006). Thế nhưng, chỉ riêng năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đã vượt ngưỡng 40 tỉ USD. Năm 2006 có quá nhiều thiên tai, song, chỉ trong 10 tháng gạo xuất khẩu của ta đã đạt trên 5 triệu tấn. Cùng với sự kết hợp hỗ trợ của 4 nhà khác là Nhà nước, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà truyền thông, nên sắp tới, nếu một số hình thức trợ cấp nông nghiệp có bị rút bỏ, cách này hay cách khác, nhà nông vẫn được hỗ trợ để giữ vững nền nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Du lịch của ta đã thu hút nhiều du khách quốc tế đến tham quan và mở rộng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, lượng du khách đến Việt Nam năm 2006 đã đạt đến 5 triệu lượt…

Con tàu kinh tế Việt Nam chuẩn bị ra khơi thì một một tín hiệu mới lại ánh lên từ phía Nhật Bản. Sau nhiều năm yên lặng để thăm dò, cơ quan quốc gia tư vấn đầu tư nước ngoài Nhật Bản, có tên giao dịch Kaidenren đã đến Hà Nội và đặt bút ký kết dự án xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc với quy mô tầm cỡ. Hà Nội có Khu công nghệ cao, TP.HCM cũng đã bắt đầu xuất khẩu lô hàng đầu tiên trị giá 80 triệu USD.

Mùa xuân hội nhập đã mở ra. Với khăn đóng áo dài, đế nếp Làng Vân, đào quất Nghi Tàm, Hà Nội mở hội non sông, cùng bạn bè năm châu bốn biển, nâng ly rượu mừng, chúc con tàu vinh quang rời bến, vượt trùng khơi.

  • Tags: