Một số giải pháp nhằm thực hiện chiến lược sản phẩm công nghiệp của Tổng Công ty BCVT Việt Nam

Công nghiệp Bưu chính - Viễn thông (BC-VT) có vị trí đặc biệt quan trọng trong ngành BC-VT, với chức năng sản xuất các vật tư, trang thiết bị cung cấp cho việc phát triển mạng lưới BC-VT; bảo trì, bả

Trong những năm đổi mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ mạng lưới BC-VT của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), các doanh nghiệp công nghiệp BC-VT thuộc VNPT đã có những bước tiến lớn cả về chất lượng và qui mô, đóng góp một phần đáng kể vào công cuộc hiện đại hóa và phát triển mạng lưới của VNPT. Bài viết này trình bày một số giải pháp cơ bản nhằm thực hiện chiến lược sản phẩm công nghiệp BC-VT (phần cứng) của VNPT đến năm 2010.
1- Những kết quả đạt được
- Đến cuối năm 2003, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam đã có 20 doanh nghiệp công nghiệp BC-VT, gồm 7 DNNN trực thuộc VNPT, 5 đơn vị cổ phần và 8 liên doanh mà VNPT có tham gia góp vốn, mô hình tổ chức khối công nghiệp BC-VT thuộc VNPT như hình bên:
- Các doanh nghiệp công nghiệp BC-VT thuộc VNPT đã và đang sử dụng nhiều loại công nghệ khác nhau để sản xuất và cung cấp cho mạng lưới hàng trăm mặt hàng thuộc nhiều chủng loại, 12 nhóm sản phẩm chủ yếu, tương ứng với các đơn vị sản xuất như sau:
+ Các thiết bị chuyển mạch: Do các đơn vị VITECO, VKX, TELEQ, ANSV, VINECO sản xuất.
+ Các thiết bị truyền dẫn: Do các đơn vị CT-IN, KASATI,VFT sản xuất.
+ Cáp quang: Do các đơn vị VINA-GSC, FOCAL sản xuất.
+ Cáp đồng: Do các đơn vị PMF, VINA-DAESUNG, SACOM sản xuất.
+ Các thiết bị đầu cuối: Do các đơn vị POSTEF, CT-IN  sản xuất.
+ Các thiết bị nguồn: Do các đơn vị POSTEF, VITECO sản xuất.
+ Các thiết bị chống sét: Do các đơn vị POSTEF sản xuất.
+ Các thiết bị bưu chính: Do các đơn vị POSTEF sản xuất.
+ Các sản phẩm in: Do các đơn vị PTPP, PTP sản xuất.
+ ống nhựa và sản phẩm nhựa: Do các đơn vị POSTEF, PCMC, PTC sản xuất.
+ Thẻ viễn thông: Do các đơn vị VTC, PTP sản xuất.
- Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp công nghiệp đã từng bước hiện đại hóa, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, chủ động cung cấp các sản phẩm với chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật theo kịp trình độ công nghệ cập nhật của thế giới cho mạng lưới, thay thế nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Năng lực sản xuất các sản phẩm chủ yếu giai đoạn 1998- 2003 cho ở bảng sau:
- Sản xuất kinh doanh của toàn khối công nghiệp BC-VT luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như giá trị tổng sản lượng, doanh thu và nộp ngân sách có mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 17-34%/năm trong giai đoạn 1998-2003, doanh thu toàn khối đạt khoảng 2.814 tỷ VND năm 2003, chiếm trên 10% doanh thu toàn VNPT.
2- Những hạn chế.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nêu trên, nhưng nhìn chung, hoạt động SXKD của khối công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được thay đổi về căn bản, ngang tầm với yêu cầu phát triển của mạng lưới, đó là:
- Các sản phẩm công nghiệp còn nghèo nàn, thiếu tính đồng bộ, một vài sản phẩm chưa đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật của mạng lưới, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm không cao. Các sản phẩm chủ yếu là sản phẩm cho mạng cố định, một số cho mạng truyền số liệu, còn sản phẩm cho mạng di động hầu như chưa có gì. Chủng loại sản phẩm công nghiệp bưu chính rất ít, có hàm lượng công nghệ và giá trị không cao.
- Hiện nay, trên 50% vật tư, thiết bị trên mạng lưới của VNPT vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi đó, sản lượng trung bình sản phẩm tiêu thụ chỉ đạt trên 50% công suất thiết kế, như nhóm sản phẩm tổng đài chỉ đạt hơn 50%, sản xuất máy điện thoại chỉ đạt 15 - 20% công suất; một số sản phẩm trong nước có thể chủ động sản xuất được, nhưng vẫn phải nhập ngoại như thiết bị nguồn điện, giá phối tuyến MDF, nắp bể cống cáp...
- Một số doanh nghiệp sản xuất những chủng loại sản phẩm giống nhau hoặc có thể thay thế lẫn nhau, dẫn đến hiện tượng sản xuất chồng chéo, tự phát... thiếu sự phân công, liên kết hiệu quả.
- Thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, chưa khai thác được thị trường ngoài VNPT, tỷ lệ xuất khẩu thấp. Sản phẩm của khối công nghiệp vẫn chỉ hướng vào mạng viễn thông của VNPT là chính, chưa quan tâm đầu tư vào những thị trường mới có tiềm năng là những nhà khai thác BC-VT mới...
- Các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường trong nước (ngoài VNPT) còn ít như cáp điện lực, cáp quang cho truyền hình, sản phẩm in, thẻ nhựa cào dịch vụ viễn thông trả trước... Các sản phẩm có khả năng xuất khẩu chủ yếu là cáp đồng, cáp quang và thị trường hạn chế ở các nước Trung Đông, Lào, Campuchia; doanh thu về xuất khẩu thấp, không ổn định.
Để khắc phục được những hạn chế nói trên, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là xây dựng chiến lược sản phẩm công nghiệp BC-VT của VNPT đến năm 2010.
Các mục tiêu cơ bản cần đạt được của chiến lược là: Sản xuất các sản phẩm với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của mạng lưới BC-VT; phát triển các sản phẩm đón đầu phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi sang mạng NGN; từng bước thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Nội dung chính của chiến lược bao gồm các phần sau:
- Các thiết bị chuyển mạch: Phát triển công nghệ sản xuất các tổng đài Softwitch, tổng đài đa chức năng với công nghệ ATM, sản xuất phần cứng CPU và tiến tới lắp ráp toàn bộ tổng đài, sản xuất các thiết bị sử dụng công nghệ ghép kênh theo bước sóng (WDM) có tốc độ 10–40 Gbps.
 - Các thiết bị truyền dẫn: Đầu tư công nghệ mới để sản xuất thiết bị truyền dẫn quang SDH tốc độ cao (155 Mbps–2,5 Gbps); sản xuất các thiết bị Viba PDH từ 2 Mbps – 34 Mbps.
- Các thiết bị cho thông tin di động: Sản xuất các trạm BTS, BSC phục vụ cho thông tin di động công nghệ CDMA. Phát triển các sản phẩm cho mạng truy cập thế hệ 3G, băng rộng, ADSL, đầu tư lắp ráp và tiến tới sản xuất các sản phẩm đầu cuối cho mạng di động.
- Cáp quang: Đầu tư mới dây chuyền công nghệ để đa dạng hóa các chủng loại cáp quang cho các nhu cầu sử dụng mới như cáp quang cho mạng truy cập, cáp quang nhiều sợi cho các mạng đa dịch vụ ISDN, cáp quang cho mạng thông tin đường sắt, điện lực…
- Cáp đồng: Đầu tư bổ sung các thiết bị để sản xuất các loại cáp truyền số liệu, cáp LAN.
- Các thiết bị cho mạng ngoại vi: Đầu tư sản xuất các sản phẩm đấu nối theo tiêu chuẩn mạng ngoại vi của VNPT; phát triển sản xuất các loại đấu nối chịu được nước, ẩm phục vụ vùng bão lụt; đầu tư dây chuyền sản xuất nắp cống bể bằng bê tông nhẹ, nắp cống bể bằng gang dẻo, nghiên cứu thay thế công nghệ sản xuất ống nhựa bằng vật liệu mới có giá thành rẻ hơn loại nhựa PVC hiện nay; đầu tư công nghệ mới sản xuất các sản phẩm, phụ kiện đấu nối cáp quang phục vụ cho mạng lưới theo xu hướng cáp quang hóa đến hộ thuê bao.
3. Một số giải pháp thực hiện chiến lược 
3.1. Xác định thị trường sản phẩm công nghiệp BC-VT
- Thị trường VNPT;
Chiếm lĩnh thị trường Tổng Công ty, từng bước mở rộng ra thị trường bên ngoài và tăng dần xuất khẩu. VNPT vẫn là thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm công nghiệp BC-VT.
Giai đoạn 2004-2005, đáp ứng 45-60% tổng giá trị đầu tư thiết bị cung cấp cho mạng lưới, cụ thể: Thiết bị chuyển mạch đáp ứng 70% nhu cầu, thiết bị truyền dẫn đáp ứng 50% nhu cầu, cáp quang và cáp đồng đáp ứng 100% nhu cầu.
 Giai đoạn đoạn 2006-2010, đáp ứng 60-70% tổng giá trị đầu tư thiết bị cung cấp cho mạng lưới, cụ thể: Thiết bị chuyển mạch đáp ứng 70% nhu cầu, thiết bị truyền dẫn đáp ứng 75% nhu cầu, cáp quang đáp ứng 90% nhu cầu và cáp đồng đáp ứng 100% nhu cầu.
- Thị trường trong nước (ngoài Tổng Công ty):
Giai đoạn 2004 - 2005: Cáp quang tiêu thụ 20.000 km sợi, cáp đồng tiêu thụ 60.000 km đôi.
 Giai đoạn 2006 - 2010: Tổng đài tiêu thụ 100.000 số, thiết bị truyền dẫn tiêu thụ 100 đầu cuối các loại, cáp quang tiêu thụ 100.000 km sợi, cáp đồng tiêu thụ 300.000 km đôi.
- Thị trường xuất khẩu:
Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cáp quang, cáp đồng, thiết bị tổng đài.
Giai đoạn 2004-2005: Thiết bị chuyển mạch chiếm 5%, cáp quang chiếm 10% và cáp đồng chiếm 15% so với sản lượng tiêu thụ ở thị trường trong nước.
 Giai đoạn 2006-2010: Thiết bị chuyển mạch chiếm 10%, cáp quang chiếm 20% và cáp đồng chiếm 25% so với sản lượng tiêu thụ ở thị trường trong nước.
3.2. Phân công sản xuất hợp lý giữa các doanh nghiệp trong khối công nghiệp.
Việc phân công, phân cấp nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghiệp cần dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất của từng doanh nghiệp, đảm bảo cho mỗi doanh nghiệp tập trung năng lực vào những nhóm sản phẩm, lĩnh vực được phân công, tránh tình trạng phát triển chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết giữa các doanh nghiệp và tận dụng được thế mạnh các nguồn lực sản xuất của các doanh nghiệp.
Trên cơ sở năng lực sản xuất hiện tại của các doanh nghiệp công nghiệp, định hướng phát triển công nghiệp BC-VT của VNPT, việc phân công sản xuất sản phẩm giữa các doanh nghiệp công nghiệp thuộc VNPT như sau:
- Đối với các công ty cổ phần, các doanh nghiệp công nghiệp 100% vốn nhà nước tiếp tục tập trung sản xuất các thiết bị, vật tư cho mạng truy nhập như cáp đồng, các thiết bị đấu nối; thiết bị cho mạng di động; các tổng đài có dung lượng nhỏ...
- Đối với các công ty liên doanh có dây chuyền công nghệ khá hoàn chỉnh, tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như thiết bị chuyển mạch, thiết bị truyền dẫn, cáp quang và các phụ kiện đấu nối, các thiết bị cho mạng lõi (core) của mạng thế hệ sau (NGN) như softswitch, xDSL...
3.3. Tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm hiện có
- Đối với các sản phẩm cáp quang, cáp đồng, nguyên vật liệu chiếm chi phí lớn trong giá thành. Để giảm giá nguyên vật liệu, cần thường xuyên hoàn thiện hệ thống định mức nguyên vật liệu để tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu; lựa chọn nhà cung cấp vật tư với giá thành và điều kiện hợp lý, thông qua nhiều biện pháp như tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp thích hợp; lựa chọn các sản phẩm nguyên liệu nội địa thay thế nhập khẩu...
- Đối với các sản phẩm như thiết bị truyền dẫn quang, tổng đài, chi phí giá thành sản phẩm chủ yếu là phần mềm chương trình. Để giảm giá thành, cần tự nghiên cứu ra các phần mềm chương trình bằng cách đào tạo đội ngũ cán bộ trong chính các xí nghiệp, sử dụng các sản phẩm phần mềm do các đơn vị sản xuất phần mềm trong VNPT tạo ra.
- Nâng cao trình độ tay nghề, trình độ nắm vững công nghệ cho người lao động, khiến qui trình sản xuất được hợp lý, hạn chế tối đa sử dụng lãng phí các nguồn lực đầu vào.
- Đưa ra qui chế làm việc chặt chẽ để nâng cao năng suất lao động. Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm để hạn chế sản phẩm hỏng.
3.4. Biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm
Tăng cường làm tốt các dịch vụ sau bán hàng như bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa... nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu. Để làm tốt dịch vụ này, các doanh nghiệp cần thực hiện như sau: Thành lập một bộ phận phụ trách các dịch vụ sau bán hàng nhằm tạo dựng, duy trì được uy tín với khách hàng về các sản phẩm sản xuất; xây dựng một đội ngũ cán bộ làm việc ở bộ phận này  thường xuyên được đào tạo cập nhật trình độ chuyên môn, kỹ thuật; trang bị những thiết bị đo kiểm hiện đại cho bộ phận này để có thể đảm bảo nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo, xúc tiến bán hàng, gồm: Xây dựng các bộ phim giới thiệu về tính năng, tác dụng các sản phẩm; xây dựng các biểu trưng về hình ảnh sản phẩm; tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về các sản phẩm; tận dụng các hội chợ triển lãm chuyên ngành viễn thông để giới thiệu các sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước
3.5. Giải pháp về qui hoạch các cụm công nghiệp
Bố trí các nhà máy sát với nơi tiêu thụ sản phẩm; trước mắt thành lập các phân xưởng, chi nhánh của các doanh nghiệp công nghiệp tại miền Trung; tiến đến hình thành các cụm công nghiệp ở 3 miền Bắc- Trung- Nam với cơ cấu sản phẩm phù hợp, tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển, tăng khả năng bảo dưỡng và ứng cứu đột xuất.

  • Tags: